Chiều 16/5, Hiệp hội Mía đường Việt Nam phối hợp với Tổng Cục Quản lý thị trường, Công ty CP Mía đường Tuy Hòa tổ chức hội thảo Giải pháp chống gian lận thương mại đường nhập lậu.
Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: KHANG ANH |
Lãnh đạo Hiệp hội mía đường Việt Nam, Tổng Cục Quản lý thị trường, đại diện cơ quan quản lý thị trường một số tỉnh, thành phố tham dự hội thảo. Tỉnh Phú Yên có đồng chí Lê Tấn Hổ, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ban ngành của tỉnh tham dự.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Tấn Hổ cho biết: Đối với tỉnh Phú Yên, ngành sản xuất, chế biến mía đường là một trong những ngành góp phần quan trọng vào phát triển KT-XH của tỉnh. Hoạt động chế biến mía đường của các nhà máy đã góp phần chuyển đổi căn bản cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn, hàng năm giải quyết việc làm cho hàng vạn người, tăng thu nhập cho người dân và có đóng góp lớn vào nguồn ngân sách của tỉnh.
Tuy nhiên hoạt động gian lận thương mại trong ngành mía đường, đặc biệt là đường nhập lậu có xu hướng ngày càng gia tăng, gây thiệt hại cho chuỗi liên kết sản xuất mía đường. Đồng chí Lê Tấn Hổ đề nghị Hiệp hội Mía đường Việt Nam, Tổng Cục Quản lý thị trường tổng hợp những ý kiến, đề xuất để trình các cấp có thẩm quyền từ trung ương đến địa phương những giải pháp hữu hiệu để thực hiện đồng bộ trên toàn quốc.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: KHANG ANH |
Theo báo cáo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, ngành Mía đường Việt Nam đã hoàn thành vụ ép 2022/23 với sản lượng ép được gần 10 triệu tấn mía, sản xuất được hơn 935.000 tấn đường các loại. Những năm trước, đường nhập lậu từ Thái Lan với khối lượng lớn và giá rẻ gây thiệt hại nghiêm trọng đến ngành sản xuất đường trong nước.
Trước khi ngành Mía đường thực thi Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Việt Nam có 41 nhà máy sản xuất đường; đến niên vụ 2021/22 chỉ còn 25 nhà máy còn hoạt động. Hoạt động nhập lậu đường và gian lận thương mại đường nhập lậu gia tăng với mức độ bùng nổ vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024 gây khó khăn cho ngành Mía đường trong nước.
Với thực trạng đường nhập lậu qua các khu vực biên giới như hiện nay, tại hội thảo, đại diện Hiệp hội Mía đường Việt Nam, các công ty sản xuất, thương mại, nhà máy sản xuất đường đã trình bày tham luận, thảo luận về những phương thức, thủ đoạn nhập lậu đường, hệ thống trung chuyển đường nhập lậu đến các thị trường; chia sẻ những kinh nghiệm, vướng mắc, đồng thời kiến nghị một số giải pháp nâng cao hiệu quả chống gian lận đường nhập lậu.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam đề xuất một số biện pháp chống gian lận thương mại đường nhập lậu, cụ thể như: Quản lý nộp thuế nhập khẩu, quản lý xuất xứ đối với đường tịch thu đấu giá; phối hợp trong việc thông tin các vụ vận chuyển đường nhập lậu, chuyển mục đích sử dụng hoặc tiêu hủy đường nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ… Chủ tịch hiệp hội cũng kiến nghị các giải pháp liên quan đối với công tác quản lý an toàn thực phẩm, ghi nhãn hàng hóa, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, công tác xử phạt đối tượng vi phạm của ngành chức năng các địa phương.
KHANG ANH