Thứ Bảy, 30/11/2024 17:45 CH
Quảng bá du lịch qua điện ảnh
Chủ Nhật, 09/07/2023 07:00 SA

Một góc bãi biển thôn Phước Đồng (xã An Hòa Hải, huyện Tuy An) và cù lao Mái Nhà, nơi được chọn làm bối cảnh quay phim truyền hình Tình yêu và tham vọng. Ảnh: TRẦN QUỚI

Việc kết nối điện ảnh với du lịch, quảng bá du lịch bằng điện ảnh là một trong những phương pháp hiệu quả mà nhiều nước trên thế giới đã thành công. Việt Nam đã và đang chọn hướng đi này với hy vọng có những bộ phim bom tấn đưa hình ảnh tuyệt vời về thiên nhiên, đất nước, con người Việt Nam đến với thế giới…

 

Tháng 6 vừa qua, Bộ VH-TT&DL phối hợp với tỉnh Khánh Hòa tổ chức chương trình Liên kết phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam qua điện ảnh năm 2023. Một chuỗi hoạt động kết nối giữa du lịch và điện ảnh, trong đó điểm nhấn là diễn đàn “Du lịch và điện ảnh Việt Nam - Liên kết vươn xa, tạo đà cất cánh”, nhằm mở rộng hợp tác quốc tế, góp phần quảng bá văn hóa, du lịch Việt Nam.

 

Nhiều nước phát triển du lịch nhờ điện ảnh

 

Đã có không ít quốc gia trở thành điểm đến của khách du lịch quốc tế nhờ “xuất khẩu điện ảnh” thành công. Dễ nhận thấy và điển hình nhất cho sự thành công này là Hàn Quốc.

 

Khoảng đầu những năm 2000, bộ phim truyền hình Bản tình ca mùa đông có nhiều phân cảnh đẹp, tình tứ được quay tại đảo Jeju được công chiếu khiến người xem bất ngờ vì “Jeju đẹp thế sao”. Thế là họ ào ào kéo tới nơi này.

 

Tiếp sau Bản tình ca mùa đông, rất nhiều bộ phim truyền hình khác cũng được quay ở đảo Jeju như: Nàng Dee Jang Geum, Săn nô lệ, Ngày xuân... đã kéo triệu triệu khán giả đến với phim, đến với cảnh đẹp, đến với con người và văn hóa Hàn. Điện ảnh đã kéo khách đến Jeju, đã biến Jeju trở thành kỳ quan!

 

Gần hơn như Thái Lan, du lịch cũng “phất lên” nhờ phim ảnh. Thông tin từ Thái Lan cho biết, lợi nhuận hơn 4 tỉ USD/năm có được từ du lịch nhờ có phần đóng góp của chiến lược quảng bá thông qua điện ảnh.

 

Việc cho phép các đoàn làm phim nước ngoài vào Thái Lan thuê bối cảnh, với những bộ phim bom tấn như Chúa tể của những chiếc nhẫn, Nhiệm vụ bất khả thi, Bond 18 - Tomorrow Never Dies… khiến quần đảo Phi Phi thuộc Phu-ket không nhiều người biết trở nên “thất thủ” bởi du khách ken chật.

 

Hay như Campuchia và rất nhiều quốc gia khác cũng thành công trong việc quảng bá hình ảnh đất nước - con người, thu hút khách du lịch qua điện ảnh, biến du lịch trở thành ngành công nghiệp không khói, chiếm tỉ trọng lớn trong nền kinh tế.

 

Cảnh đẹp nên thơ, hùng vĩ nơi núi rừng Việt Nam trên phim A Tourist’s Guide to Love. Ảnh chụp lại trên Netflix

 

Phú Yên - xứ sở hoa vàng cỏ xanh

 

Về mối lương duyên với điện ảnh, du lịch Phú Yên cũng đôi lần khẽ chạm. Với bờ biển dài và đẹp, nhiều dạng địa hình đồng bằng, núi non, sông ngòi…, cảnh sắc đẹp hoang sơ, lãng mạn cùng nhiều di tích, di sản văn hóa đặc sắc, Phú Yên là nơi được nhiều đạo diễn phim chọn làm bối cảnh chính.

 

Trong số này, phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của đạo diễn Victor Vũ (sản xuất năm 2015) tạo hiệu ứng mạnh mẽ. Sau khi bộ phim trình chiếu, một Phú Yên đẹp hoang sơ, sơn thủy hữu tình, đồng quê lãng mạn được nhiều khán giả trong và ngoài nước biết đến. Du lịch Phú Yên cũng được quảng bá rộng rãi từ đây.

 

Rất tiếc là sau tiếng vang của phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, sự gặp nhau giữa du lịch và điện ảnh để tiếp tục câu chuyện quảng bá, thu hút khách du lịch đến Phú Yên chưa được như kỳ vọng. Nó chỉ dừng lại ở cuộc gặp gỡ, giao lưu với đoàn làm phim, và khách tự tìm đến Phú Yên, với tên gọi mỹ miều “xứ sở hoa vàng cỏ xanh”.

 

Phú Yên nói riêng và Việt Nam nói chung sở hữu nhiều tiềm năng để quảng bá du lịch thông qua điện ảnh. Nếu biết cách khai thác những khung cảnh đẹp, hấp dẫn tại nhiều vùng đất, ngành Du lịch Việt Nam chắc chắn sẽ có nhiều khách hơn. Tuy nhiên, dường như chúng ta chưa tận dụng được lợi thế này.

 

“Liên kết vươn xa - tạo đà cất cánh”

 

Đối với du lịch Việt Nam, từ khá sớm, ngành Văn hóa - Du lịch và những người tâm huyết với du lịch cũng đã nghĩ, đã làm, đã kết nối du lịch với điện ảnh. Những năm 90 của thế kỷ trước, từng có những bộ phim của Pháp như Đông Dương, Người tình… được trình chiếu.

 

Hình ảnh vịnh Hạ Long, Sài Gòn đầy quyến rũ, giúp ngành Du lịch non trẻ nhộn nhịp đón khách về tham quan, nghỉ dưỡng. Nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức độ nhất định chứ chưa thể tạo ra làn sóng.

 

Những bộ phim đình đám về giải thưởng và ở các rạp chiếu như: Mùa len trâu, Ngọc Viễn đông, Cánh đồng bất tận, Thiên mệnh anh hùng, Chuyện của Pao... khiến khán giả phải ngạc nhiên bởi cảnh sắc thiên nhiên quyến rũ, hùng vĩ, mộng mơ, lãng mạn khắp các vùng miền đất nước hiện trên màn ảnh vô cùng đẹp mắt, nên thơ.

 

Tuy nhiên, có lẽ cái đẹp từ khuôn hình màn ảnh trong các phim Việt chưa thể đến được với đông đảo khán giả quốc tế. Điều hạn chế này phần lớn nằm ở công tác quảng bá, giới thiệu, “xuất khẩu điện ảnh” mà nước ta chưa làm được như các nước đã làm thành công.

 

Cũng có thể do chưa gặp nhau giữa du lịch và điện ảnh. Những thước phim đẹp về các vùng miền phần lớn được quay với bối cảnh sẵn có chứ chưa có chủ đích cho quảng bá du lịch.

 

Thời gian gần đây, điện ảnh gần với du lịch hơn khi có nhiều phim nước ngoài chọn bối cảnh Việt Nam. Đơn cử như: Kong: Đảo đầu lâu (năm 2017) là bom tấn của Hollywood đầu tiên chọn phần lớn bối cảnh núi rừng hoang sơ, hùng vĩ tại các tỉnh Ninh Bình, Quảng Bình, Quảng Ninh của Việt Nam. Khán giả quốc tế ngỡ ngàng và biết đến Việt Nam.

 

Mới nhất là phim A Tourist’s Guide to Love (Hành trình tình yêu của một du khách), bộ phim của Netflix được quay hầu hết tại Việt Nam (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hội An, Mỹ Sơn và Hà Giang). Khán giả đi từ ngỡ ngàng đến xuýt xoa trước những cảnh đẹp lãng mạn, cùng với nét văn hóa đặc sắc. Sau khi trình chiếu (tháng 4/2023), phim đã liên tiếp đứng trong top bảng xếp hạng phim xem nhiều nhất tại nhiều quốc gia trên thế giới.

 

Đây là những tín hiệu vui, mở ra hướng mới cho ngành Du lịch phát triển mạnh mẽ hơn nữa thông qua kênh điện ảnh nhờ đưa hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt đến với khán giả trong nước và quốc tế. 

 

Trong các giải pháp trọng tâm để quảng bá du lịch, điện ảnh là một kênh quan trọng. Chương trình Liên kết phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam qua điện ảnh năm 2023 và diễn đàn “Du lịch và điện ảnh Việt Nam - Liên kết vươn xa, tạo đà cất cánh”… là hoạt động thiết thực triển khai kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững theo tinh thần Nghị quyết 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ.

 

Bộ trưởng VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng

 

TRẦN QUỚI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek