Mặc dù gặp khó khăn vì đơn hàng sụt giảm, chi phí sản xuất tăng cao…, nhưng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn đang nỗ lực duy trì hoạt động, đảm bảo công việc cũng như thu nhập cho người lao động. Để đồng hành cùng doanh nghiệp, các cấp, ngành của tỉnh tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, kịp thời tiếp sức, giúp doanh nghiệp ổn định và mở rộng sản xuất, kinh doanh; đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương.
Đảm bảo đơn hàng
Trong bối cảnh thị trường bị thu hẹp, đơn hàng sụt giảm, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực làm mới mình, tìm thêm thị trường, đảm bảo duy trì hoạt động.
Dù hoạt động không quá rầm rộ nhưng những tháng vừa qua, Công ty CP Công nghiệp gỗ Trường Thành (TX Đông Hòa) vẫn ổn định được đơn hàng, đảm bảo việc làm cho công nhân. Ông Hà Hùng Vĩ, Giám đốc công ty này cho biết: Dù đơn hàng không dồi dào như 2 năm trước, nhưng công ty vẫn có lượng khách hàng nhất định. Hiện công ty chủ yếu sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm gỗ nội thất.
Để có thể kéo được các khách hàng khó tính từ Mỹ, châu Âu, công ty chủ động hướng đến sản xuất các mặt hàng đặc trưng. Thay vì làm các sản phẩm truyền thống, giá trị thấp, chúng tôi đã hướng đến phân khúc cao cấp hơn. Dù đơn hàng bán ra có thể không được như trước, song giá trị mang lại sẽ cao hơn. Hiện công ty đã nhận đơn hàng đủ sản xuất đến tháng 7.
Tại Công ty CP Đầu tư Quốc tế Phong Phú - Phú Yên, theo Giám đốc điều hành Nguyễn Thị Mỹ An, công ty đã quán triệt nhiệm vụ trọng tâm là vượt qua thách thức, phát triển bền vững. Để làm được điều đó, doanh nghiệp linh hoạt sản xuất, tìm cách chuyển đổi từ máy móc đến tay nghề công nhân để đáp ứng các đơn hàng mới. Hiện dòng hàng của công ty cơ bản đảm bảo. Các chế độ đãi ngộ được thực hiện đầy đủ để người lao động gắn bó với công ty.
Không còn tăng ca như trước, song với công việc may hiện tại, anh Lê Văn Bình, công nhân may của Công ty CP Đầu tư Quốc tế Phong Phú - Phú Yên có thu nhập ổn định. Anh Bình chia sẻ: Công việc chính của tôi là may ráp quần jean. Mỗi ngày, tôi ráp được khoảng 800 cái, lương từ 6-7 triệu đồng/tháng, đủ đảm bảo cuộc sống. Hy vọng công ty sẽ có nhiều đơn hàng hơn trong thời gian tới để công nhân tăng thu nhập.
Tìm kiếm cơ hội
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, 4 tháng đầu năm nay, nền kinh tế tuy gặp nhiều khó khăn nhưng các chỉ tiêu về hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ, hoạt động vận tải hành khách và hoạt động tín dụng, ngân hàng, phát triển doanh nghiệp, HTX cơ bản ổn định và có mặt tăng trưởng so với cùng kỳ. Những tháng đầu năm thường là thời điểm các doanh nghiệp lên kế hoạch kinh doanh cho một năm tài chính mới và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang tranh thủ mọi nguồn lực, chờ cơ hội trong những tháng tiếp theo.
Ông Hà Hùng Vĩ chia sẻ: So với khó khăn chung của nền kinh tế thì việc đảm bảo việc làm cho công nhân, không phải giảm lao động đã là thành công của doanh nghiệp đến thời điểm hiện tại. Lãi suất ngân hàng giảm so với trước, doanh nghiệp có thể tiếp cận với nguồn vốn vay để tái đầu tư, sản xuất. Song song với việc sản xuất các đơn hàng sẵn có, chúng tôi đang nỗ lực tiếp cận các đối tác mới.
Trong khi đó, theo bà Bùi Thị Kim Son, Trưởng phòng Tổ chức nhân sự Công ty CP An Hưng, hiện công ty gia công hàng may mặc với 90% lượng hàng phục vụ cho thị trường Mỹ, 10% còn lại là các nước châu Âu, châu Á. Dự báo ngành may trong năm 2023 vẫn còn nhiều khó khăn. Nhưng việc xác định rõ những khó khăn trước mắt sẽ giúp doanh nghiệp có bước đi chủ động, sẵn sàng triển khai giải pháp ứng phó phù hợp với diễn biến mới. Công ty đang tập trung nghiên cứu, xác định sản phẩm chủ lực, thích hợp nhất tại từng thời điểm để hoàn thiện chuỗi sản xuất khép kín; đồng thời tăng cường làm tốt công tác dự báo thị trường, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời để tìm các đối tác phù hợp, lâu dài.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, các sở, ngành, địa phương đã chủ động triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ giảm gánh nặng chi phí đối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa; tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Theo Sở KH&ĐT, hiện các doanh nghiệp đều bảo đảm được quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận các nguồn lực và cơ hội kinh doanh. Đặc biệt, khu vực kinh tế tập thể của tỉnh không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng liên doanh liên kết trong sản xuất, kinh doanh, xây dựng một số mô hình chuỗi giá trị sản phẩm lĩnh vực nông nghiệp.
Theo các doanh nghiệp, việc xác định rõ những khó khăn trước mắt sẽ giúp doanh nghiệp có bước đi chủ động, đồng thời sẵn sàng triển khai giải pháp ứng phó phù hợp diễn biến mới; tập trung nghiên cứu, xác định sản phẩm chủ lực, thích hợp nhất tại từng thời điểm để hoàn thiện chuỗi sản xuất khép kín. |
NHƯ THANH