Thứ Sáu, 19/04/2024 06:39 SA
Giải pháp phát triển nghề nuôi tôm hùm bền vững
Thứ Hai, 21/11/2022 07:00 SA

Ngư dân nuôi tôm hùm tại TX Sông Cầu. Ảnh: PV

Phú Yên là một trong những tỉnh có nghề nuôi tôm hùm đi đầu trong cả nước. Vùng biển Phú Yên có nhiều dãy núi nhô ra hình thành các eo, đầm, vịnh lớn tạo thành một vùng sinh thái đặc thù, đa dạng, thích hợp và thuận lợi cho việc phát triển nghề nuôi các thủy sản biển, đặc biệt là nuôi tôm hùm xuất khẩu. Bên cạnh thuận lợi, hiện vẫn còn nhiều nguyên nhân làm cho nghề nuôi tôm hùm chưa phát triển ổn định.

 

Nghề nuôi chưa bền vững

 

Nghề nuôi tôm hùm lồng ở nước ta bắt đầu phát triển từ cuối năm 1990. Nghề nuôi này tập trung vùng Nam Trung Bộ như: Sông Cầu (Phú Yên), Vạn Ninh và Ninh Hòa (Khánh Hòa)…, không chỉ giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động ven biển mà còn đem lại nguồn thu gần 4.000 tỉ đồng mỗi năm.

 

Phú Yên là một trong những tỉnh có nghề nuôi tôm hùm đi đầu trong cả nước. Hiện toàn tỉnh có khoảng 50.628 lồng, bè nuôi thương phẩm và 16.092 lồng ương tôm giống. Trong đó, tập trung nhiều nhất tại TX Sông Cầu, tiếp đến là huyện Tuy An và Vũng Rô (TX Đông Hòa). Nghề nuôi tôm hùm tạo việc làm cho hàng vạn lao động ven biển và hàng năm đem lại nguồn thu rất lớn cho người nuôi ở tỉnh Phú Yên, với sản lượng trung bình 1.000 tấn, trị giá từ 660-995 tỉ đồng/năm.

 

Tuy nhiên, đứng trước những thách thức về yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường thế giới cũng như biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, nghề nuôi tôm hùm hiện nay còn lạc hậu, đòi hỏi cần phải đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ để đứng vững trên thị trường. Các nghiên cứu cần phải mang tính tổng hợp và đồng bộ về công nghệ nuôi, chế biến, thị trường xuất khẩu, quản lý tổng hợp của các cơ quan, ban ngành...

 

Có thể nói, nghề nuôi tôm hùm những năm qua đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh nhà, làm thay đổi rõ rệt bộ mặt nông thôn, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống người dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều nguyên nhân làm cho nghề nuôi tôm hùm chưa đảm bảo được tính ổn định, đó là công nghệ nuôi tôm hùm chưa được nghiên cứu mang tính tổng thể và cần có những mô hình nuôi công nghệ cao kiểu mẫu để người nuôi học tập, ứng dụng và nhân rộng.

 

Người dân TX Sông Cầu thu hoạch tôm hùm. Ảnh: LỆ VĂN

 

Tìm hướng phát triển bền vững

 

Để phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm tại Phú Yên, trong thời gian tới, Phú Yên có thể ứng dụng 2 công nghệ nuôi như: Công nghệ nuôi trên bờ và công nghệ nuôi tôm hùm bằng lồng HDPE theo kiểu Na Uy.

 

Về công nghệ nuôi trên bờ, hiện nay, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III đã thực hiện đề tài: Nghiên cứu xây dựng quy trình nuôi tôm hùm bông (Panulirus ornatus) trong hệ thống bể đạt năng suất 5kg/m2. Công nghệ đã chuyển giao thành công cho Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc. Tùy theo quy mô, đầu tư công nghệ nuôi trên bờ tuy khá cao (tối thiểu 1 tỉ đồng cho 1 trại với công suất 1 tấn tôm thương phẩm/vụ 8-14 tháng) song hầu như sẽ khắc phục được các yếu tố rủi ro, nhất là chế độ cho ăn và kiểm soát dịch bệnh. Vì vậy, khi áp dụng công nghệ nuôi này, việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải nhằm đảm bảo môi trường đạt ngưỡng cho phép trước khi thải ra ngoài cũng cần được xem xét.

 

Đối với công nghệ nuôi tôm hùm bằng lồng HDPE theo kiểu Na Uy, hiện Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III đã thực hiện thành công đề tài nuôi tôm hùm bằng lồng HDPE (chế tạo trong nước) tại tỉnh Thanh Hóa. Lồng HDPE có thể sử dụng nuôi tôm hùm ở các vùng mở, vùng nước sâu xa bờ (độ sâu thích hợp từ 10-15m), kết quả thử nghiệm cho thấy lồng HDPE có khả năng chống chịu bão rất tốt, tôm hùm sinh trưởng nhanh.

 

Tại Phú Yên, việc nghiên cứu các vùng mở (xa bờ) để phát triển nghề nuôi tôm hùm là rất cần thiết; việc ứng dụng công nghệ nuôi lồng kiểu Na Uy (sản xuất trong nước) sẽ khắc phục hoàn toàn thiệt hại do thiên tai gây ra cũng như giải quyết bài toán nuôi ven bờ hiện nay. Lồng nuôi được sản xuất trong nước với giá thành rẻ, tuổi thọ cao, chống chịu được sóng gió lớn (bão cấp 12-13) nhờ có hệ thống đắm chìm ở độ sâu 15m. Các lồng HDPE sẽ đặt ở những vùng quy hoạch có vận tốc dòng chảy 20-100 cm/s. Độ sâu nước từ 10-15m. Mật độ lồng là 7-15 lồng/ha, khoảng cách giữa các cụm của các hộ nuôi trung bình 100m. Ưu điểm của lồng HDPE là nuôi mật độ cao, năng suất cao, tuổi thọ cao (trên 10 năm), độ uốn dẻo cao nên dễ dàng định hình, không bị gãy khi gặp bão lớn, địa hình gồ ghề hay gấp khúc, lồng nhẹ di chuyển dễ dàng.

 

Hiện nay, Phú Yên có nghề nuôi tôm hùm phát triển nhất trong cả nước nhờ vào điều kiện tự nhiên rất thuận lợi. Tuy nhiên, trong thời gian qua, nghề nuôi tôm hùm phát triển mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sự liên kết giữa nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà quản lý và nhà nuôi trồng nên thường dẫn đến hiện tượng được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa. Vì vậy, để nghề nuôi tôm hùm tại Phú Yên phát triển bền vững, cần nhanh chóng xây dựng một đề án phát triển sản phẩm tôm hùm mang tính tổng hợp, đồng bộ theo liên kết chuỗi sản xuất, gồm: Đầu vào (con giống, thức ăn), ương tôm hùm, nuôi tôm thương phẩm; đầu ra (chủ nậu, thương lái), người tiêu dùng, xuất khẩu.

 

Mục tiêu của đề án là xây dựng nội dung để có một mô hình sản xuất tôm hùm kiểu mẫu tại tỉnh Phú Yên hiện đại và bền vững để các địa phương khác học tập và nhân rộng...

 

Trong mỗi chuỗi sản xuất, vai trò của KH-CN rất quan trọng từ đầu vào đến đầu ra. Vì vậy, đề án cần phải được lồng ghép các vấn đề khoa học trong từng khâu của quá trình sản xuất như: Đầu vào phải nghiên cứu sản xuất con giống, thức ăn; sản xuất (nghiên cứu công nghệ ương, nuôi tôm hùm thương phẩm); đầu ra phải nghiên cứu xây dựng thương hiệu, nghiên cứu thị trường, kiểm soát an toàn thực phẩm rồi đến người thu mua, người tiêu thụ.

 

TS THÁI NGỌC CHIẾN

(Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek