Ban điều hành Chương trình mía đường, sắn tỉnh (Ban điều hành) vừa họp đánh giá kết quả điều hành sản xuất mía đường, sắn niên vụ 2021-2022, định hướng niên vụ 2022-2023. Tham dự có các đồng chí: Trần Hữu Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hồ Thị Nguyên Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban điều hành Chương trình mía đường, sắn tỉnh. Các thành viên Ban điều hành cùng dự họp.
Theo báo cáo tại cuộc họp, niên vụ 2021-2022, diện tích trồng mía toàn tỉnh khoảng 21.370ha, giảm 231ha so với vụ trước; năng suất bình quân đạt 63 tấn/ha; sản lượng đạt 1.346.310 tấn; chữ đường bình quân đạt 9,92 CCS. So với vụ trước, năng suất mía tăng 9,8%, sản lượng tăng 8,6%; riêng chữ đường giảm 4,76%. Tổng sản lượng đường chế biến công nghiệp đạt 91.882 tấn, tăng 16,11%.
Diện tích sắn trồng toàn tỉnh 29.709ha, tăng 243ha; năng suất bình quân 22,62 tấn/ha; sản lượng đạt 672.018 tấn, tăng 1,4%. Tổng sản lượng tinh bột sắn chế biến là 83.429 tấn, giảm 27,56%. Giá bán tinh bột sắn bình quân gần 10,3 triệu đồng/tấn, tăng 17,5% so với cùng kỳ.
Tại cuộc họp, các thành viên Ban điều hành trao đổi, đề xuất các giải pháp để giải quyết các tồn tại, hạn chế, giúp tình hình sản xuất, tiêu thụ mía đường, sắn của tỉnh phát triển ổn định trong thời gian tới. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Thị Nguyên Thảo, Trưởng Ban điều hành ghi nhận những kết quả đạt được của các nhà máy chế biến mía đường, sắn trên địa bàn tỉnh; khẳng định tỉnh luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, nông dân, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.
Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế đánh giá cao công tác điều hành sản xuất mía đường, sắn của tỉnh trong thời gian qua; đề nghị Ban điều hành tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, giúp cho các nhà máy chế biến hoạt động ổn định và tăng thu nhập cho nông dân. Đồng chí cũng đề nghị các ngành, địa phương quan tâm triển khai các giải pháp ổn định vùng nguyên liệu; nghiên cứu bộ giống mới có năng suất, chất lượng cao, có khả năng kháng bệnh và phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng; đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào các khâu sản xuất, thu hoạch, góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
VÕ PHÊ