Thứ Bảy, 23/11/2024 21:19 CH
Phát triển bền vững kinh tế biển trên tinh thần độc lập, tự chủ (*)
Chủ Nhật, 12/06/2022 16:10 CH

Sáng 12/6, tại Trung tâm hội nghị Pytopia (TP Tuy Hòa), Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ TN-MT, Tỉnh ủy Phú Yên tổ chức Diễn đàn phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam năm 2022. Đồng chí Lê Minh Ngân, Thứ trưởng Bộ TN-MT đã có bài phát biểu tại diễn đàn. Phú Yên Online xin giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Đồng chí Lê Minh Ngân:

 

Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Minh Ngân phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: ANH NGỌC

 

Kính thưa đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, 

Thưa đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên; các đồng chí Ủy viên Trung ương, 

Thưa các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan ở Trung ương và địa phương, 

Thưa các quý vị đại biểu,

 

Biển Đông là tuyến hàng hải quan trọng, kết nối Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, có lượng hàng hóa vận chuyển đứng thứ 2 trên thế giới; là cửa ngõ để Việt Nam hội nhập, kết nối kinh tế với thế giới. Có tiềm năng rất lớn cho phát triển du lịch biển và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, ứng phó với biến đổi khí hậu.

 

Với tầm nhìn chiến lược, tổng thể, toàn diện, là nền tảng cho việc phát triển kinh tế biển, quản lý biển, hải đảo của nước ta, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 36). Triển khai thực hiện Nghị quyết, Chính phủ ban hành, quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm và đã đạt được một số kết quả quan trọng, cụ thể là:

 

Thứ nhất, các ngành kinh tế biển từng bước trở thành động lực cho phát triển kinh tế - xã hội: Du lịch biển đảo mang lại 70% doanh thu cho ngành du lịch cả nước. Vận tải hàng hóa đường biển đạt 85,1 triệu tấn. Sản lượng khai thác quy dầu khí đạt 18,43 triệu tấn (thác dầu thô đạt 10,97 triệu tấn). Sản lượng thủy sản khai thác đạt 3.920 nghìn tấn; nuôi trồng đạt 4.805,8 nghìn tấn; có 35 dự án đang nghiên cứu và triển khai với tổng công suất dự kiến lên đến 60 GW. 

 

Thứ hai, kết cấu hạ tầng đa mục tiêu, đồng bộ, mạng lưới giao thông đã được quan tâm đầu tư bảo đảm kết nối các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, các khu công nghiệp, khu đô thị, các vùng biển với các cảng biển dựa trên hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, kết nối chiến lược Bắc - Nam, Đông - Tây giữa các vùng trong nước và với quốc tế.

 

Cả nước hiện có 18/19 khu kinh tế ven biển nằm trong quy hoạch đã được thành lập. Đã hình thành chuỗi đô thị biển với gần 600 đô thị, chiếm khoảng 8% số lượng đô thị cả nước với dân số khoảng 19 triệu người.

 

Thứ ba, quy hoạch không gian biển quốc gia được định hướng phân vùng sử dụng không gian biển bảo đảm hài hòa giữa phát triển và bảo tồn, lợi ích giữa bên liên quan, các thế hệ hôm nay và mai sau; từng bước xây dựng liên kết, hình thành 4 vùng kinh tế ven biển, bao gồm: Vùng biển và ven biển phía Bắc; Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ; Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.

 

Thứ tư, đã tăng cường công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phòng, chống thiên tai. Đến nay, cả nước có 12 khu bảo tồn biển đã được thành lập với tổng diện tích hơn 206 nghìn ha, trong đó có 185 nghìn ha biển.

 

Thứ năm, đã quan tâm, chú ý nhiều hơn tới việc tuyền truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của biển và kinh tế biển; từng bước hình thành các cộng đồng văn minh, văn hóa sinh thái biển ở nhiều địa phương.

 

Thứ sáu, hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển, bảo vệ môi trường biển đã được tăng cường; Việt Nam đã tham gia nhiều diễn đàn khu vực và thế giới về kinh tế biển xanh, chống rác thải nhựa biển, bảo vệ, bảo tồn các hệ sinh thái biển.

 

Cách đây một tháng, Việt Nam đã cùng với UNDP và Na Uy và các quốc gia tổ chức thành công Hội nghị quốc tế về kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, đưa ra nhiều khuyến nghị quan trọng về phát triển bền vững kinh tế biển xanh cho các diễn đàn, hội nghị quốc tế, trong đó có Hội nghị Đại dương của LHQ tổ chức tại Bồ Đào Nha tháng 7 năm 2022.

 

Kính thưa quý vị đại biểu,

 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, chúng ta cũng cần nhìn nhận việc tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam vẫn còn chậm và còn một số bất cập.

 

Thứ nhất, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển đang trong quá trình hoàn thiện, chưa xây dựng được hệ thống hạch toán, thống kê kinh tế biển và đại dương.  

 

Thứ hai, các phương thức quản lý biển mới, tiên tiến như quản trị biển theo không gian, quản lý tổng hợp vùng bờ còn chậm được áp dụng do Quy hoạch không gian biển quốc gia, Quy tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ và nhiều quy hoạch ngành, quy hoạch địa phương vẫn còn đang trong quá trình xây dựng.

 

Thứ ba, đầu tư phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng biển, đảo còn dàn trải, thiếu chiều sâu, chưa tạo ra đột phá và vươn ra vùng biển quốc tế (đại dương).

 

Thứ tư, quy mô kinh tế biển còn nhỏ, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý; khai thác, sử dụng biển và hải đảo còn thiếu bền vững, khai thác tự phát, vẫn còn tình trạng khai thác tận diệt; lãng phí tài nguyên biển làm suy giảm đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản, gây ô nhiễm môi trường.

 

Thứ năm, nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản, phát triển nguồn nhân lực biển và ứng dụng công nghệ cao vẫn còn hạn chế, thiếu các ngành khoa học mũi nhọn; công tác đào tạo, dạy nghề phục vụ cho phát triển các ngành kinh tế biển chưa được quan tâm đúng mức.

 

Thứ sáu, các ngành kinh tế biển như du lịch, dịch vụ biển, hàng hải, nuôi trồng và khai thác hải sản gặp nhiều khó khăn, thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid-19 và chiến tranh thương mại giữa các nước lớn.  

 

Kính thưa quý vị đại biểu,

 

Thế kỷ XXI được xem là “Thế kỷ của đại dương”. Biển đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội cũng như vấn đề an ninh quốc gia. Kinh tế biển, các vùng biển, ven biển đang trở thành động lực phát triển đất nước hiện đóng góp khoảng 3 nghìn tỉ USD mỗi năm, tức 5%
GDP của thế giới bao gồm các ngành chính là dầu khí, vận tải biển, cảng, năng lượng tái tạo, thủy sản, hệ sinh thái biển và du lịch biển. Kinh nghiệm lịch sử cho chúng ta biết: ra biển là thịnh vượng, ngược biển là suy tàn.

 

Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ đã thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước ta trong xu thế phát triển chung toàn cầu.

 

Trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế, Bộ TN-MT đề xuất các ban, bộ, ngành và địa phương cần tập trung vào ba (03) khâu đột phá nêu trong Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 24/11/2021 về đổi mới và tăng cường tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, (thể chế; khoa học - công nghệ và nhân lực; kết cấu hạ tầng) tạo xung lực cho kinh tế biển Việt Nam.

 

Tại diễn đàn này, Bộ TN-MT xin nhấn mạnh một số nhiệm vụ trước mắt cần tập trung thực hiện, cụ thể như sau:

 

Một là, kiến tạo môi trường chính sách, pháp lý cho nền kinh tế biển bền vững, kinh tế xanh lam để khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững kinh tế biển, thúc đẩy thu hút và huy động được các nguồn lực xã hội cho phát triển các ngành kinh tế biển mới: như điện gió ngoài khơi, nuôi biển xa bờ; tăng cường điều tra cơ bản tập trung thăm dò, tìm kiếm các loại khoáng sản, kim loại chiến lược.

 

Hai là, khẩn trương triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển và hải đảo, phát triển kinh tế biển, trọng tâm là Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch không gian biển quốc gia; Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia; Quy hoạch các khu vực biển, đảo cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

 

Ba là, đầu tư phát triển hạ tầng kết nối các vùng kinh tế động lực ven biển, phát triển hệ thống giao thông hàng hải các-bon thấp và bền vững, các cảng thông minh và thích ứng với khí hậu cũng như các cơ sở hạ tầng biển và ven biển khác, quy hoạch sử dụng đất đô thị, công nghiệp, vùng bờ và biển để phát triển kinh tế bền vững. Phát triển du lịch dựa vào thiên nhiên và các hoạt động du lịch dựa vào bảo vệ và bảo tồn hệ sinh thái biển và ven biển. 

 

Bốn là, khuyến khích đầu tư vào nghiên cứu, phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực; thực hiện các dự án thí điểm để tiếp cận tất cả các nguồn năng lượng tái tạo biển, bao gồm năng lượng gió, sóng, thủy triều, dòng chảy, nhiệt và năng lượng mặt trời, nhằm phát huy tối đa tiềm năng về năng lượng tái tạo biển của Việt Nam. [Theo kết quả khảo sát của chương trình đánh giá về năng lượng cho châu Á của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam có tiềm năng gió trung bình so với các nước trên thế giới và trong khu vực nhưng thuộc diện lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á với tổng tiềm năng điện gió ước đạt 513.360 MW, lớn gấp 200 lần công suất của nhà máy thủy điện Sơn La và hơn 10 lần tổng công suất dự báo của ngành điện Việt Nam năm 2020. Trong đó, khu vực ven biển cực Nam Trung Bộ có mật độ năng lượng khoảng 400-600W/m2. Ngoài ra trên khu vực vịnh Bắc Bộ cũng có mật độ năng lượng đạt 300-400W/m2.]

 

Năm là, tăng cường hợp tác về quản lý, giám sát và giải quyết ô nhiễm môi trường các vùng biển; giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển từ các hoạt động trên đất liền cũng như ô nhiễm từ tàu và ngư cụ thải bỏ; thúc đẩy bảo vệ đa dạng sinh học, các hệ sinh thái và rạn san hô biển phù hợp với xu thế quốc tế; 

 

Sáu là, tích cực tham gia các sáng kiến, hành động toàn cầu để giải quyết ô nhiễm nhựa đại dương phù hợp với Nghị quyết của Hội đồng Môi trường LHQ, cũng như tham gia hiệu quả vào việc giải quyết các thách thức toàn cầu về môi trường biển và khí hậu, để tận dụng các cơ hội từ xu thế thời đại về giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo.

 

Thưa quý vị đại biểu,

 

Nhà tư tưởng lớn về biển người Mỹ có ảnh hưởng sâu sắc đến chiến lược phát triển biển của nhiều quốc gia Alfred Thayer Mahan cho rằng sức mạnh trên biển mới giúp các quốc gia trở thành cường quốc. Chúng ta có một số điều kiện để có thể trở thành cường quốc biển theo quan điểm của Alfred Mahan, đó là: có vị trí địa lý thuận lợi; có bờ biển dài với nhiều tài nguyên thiên nhiên; có xã hội hướng ra biển và thương mại đường biển; có tầm nhìn chiến lược và quyết tâm, hành động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và toàn hệ thống chính trị.

 

Đại dịch COVID-19 và xung đột địa chính trị trên thế giới trong thời gian gần đây có thể làm chậm nhịp trong thực hiện các mục tiêu và khâu đột phá trong Nghị quyết số 36. Nhưng chúng ta có thể tin tưởng rằng với những kết quả bước đầu đã đạt được và những kinh nghiệm, giải pháp và sáng kiến được chia sẻ tại diễn đàn này, Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam sẽ tiếp tục được triển khai thực hiện hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.

 

Với vai trò là Cơ quan thường trực Ủy ban chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, Bộ TN-MT sẽ tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên trong thực hiện thực chất, hiệu quả các nhiệm vụ liên quan đến phát triển bền vững kinh tế biển trên tinh thần độc lập, tự chủ.

 

Chúc quý vị đại biểu sức khỏe, hạnh phúc. Chúc Diễn đàn phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam thành công tốt đẹp.

 

 

Xin trân trọng cảm ơn.

------------------------ 

(*) Tựa do tòa soạn đặt 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek