Thứ Bảy, 23/11/2024 14:28 CH
Kinh tế biển, các vùng biển, ven biển đang trở thành động lực phát triển của đất nước (*)
Chủ Nhật, 12/06/2022 16:07 CH

Sáng 12/6, tại Trung tâm hội nghị Pytopia (TP Tuy Hòa), Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ TN-MT và Tỉnh uỷ Phú Yên tổ chức Diễn đàn “Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam năm 2022”. Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đã có bài phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn. Phú Yên Online xin giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đồng chí Trần Tuấn Anh:

 

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu kết luận tại diễn đàn. Ảnh: ANH NGỌC

 

Thưa các đồng chí ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành, các ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo các địa phương.

 

Kính thưa các vị đại diện các tổ chức quốc tế, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp, tổ chức các nhà khoa học.

 

Thưa toàn thể quý vị đại biểu!

 

Việt Nam là quốc gia biển với gần 50% dân số sinh sống ở vùng duyên hải, 28 tỉnh/thành ven biển, kinh tế biển đóng góp gần 60% tổng GDP... Trong tiến trình bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt coi trọng vai trò của biển. Theo đó, các chủ trương, chính sách lớn về biển và phát triển bền vững kinh tế biển đã được Trung ương xem xét, ban hành để thống nhất tổ chức triển khai thực hiện. Năm 2007, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương khóa X đã ban hành "Chiến lược biển Việt Nam". Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá X về Chiến lược biển Việt Nam, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khoá XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

 

Quá trình triển khai Nghị quyết 36/TW đã đạt được những kết quả tích cực. Các cơ quan Trung ương và các địa phương có biển đều đã ban hành chương trình, kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết. Nhận thức của toàn hệ thống chính trị và người dân về vị trí, vai trò của biển, đảo đối với phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền quốc gia được nâng lên rõ rệt.

 

Chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển được giữ vững; công tác tìm kiếm cứu nạn, an toàn hàng hải được tăng cường; công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển được chủ động triển khai toàn diện. Kinh tế biển, các vùng biển, ven biển đang trở thành động lực phát triển của đất nước; hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư; đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng biển được cải thiện rõ rệt. Nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản, phát triển nguồn nhân lực về biển đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên môi trường biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng được chú trọng.

 

Tuy nhiên, quy mô kinh tế biển còn khiêm tốn, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý; hệ thống các cơ sở nghiên cứu khoa học - công nghệ biển, đào tạo nguồn nhân lực cho kinh tế biển; các cơ sở quan trắc, dự báo, cảnh báo biển, thiên tai biển, các trung tâm tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn... ở ven biển còn nhỏ, trang bị thô sơ, năng lực còn yếu; môi trường biển biến đổi theo chiều hướng xấu; đa dạng sinh học biển và nguồn lợi thủy sản đang giảm sút nghiêm trọng, thiếu bền vững...

 

Những yếu kém trên đây xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có cả các nguyên nhân khách quan từ diễn biến cực đoan trong biến đối khí hậu toàn cầu, song chủ yếu từ những nguyên nhân chủ quan, đó là: Tổ chức, bộ máy quản lý về phát triển bền vững kinh tế biển còn bất cập; nguồn lực để thực hiện các chủ trương, giải pháp và khâu đột phá trong nghị quyết chưa được bố trí phù hợp; các phương thức quản lý biển mới, tiên tiến còn chậm được áp dụng như: quản trị biển theo không gian, quản lý tổng hợp vùng bờ biển, quy hoạch không gian biển; hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển còn thiếu và chưa đồng bộ.

 

Nhằm đánh giá các kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân sau 4 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, từ đó kiến nghị, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện tốt nghị quyết trong thời gian tới, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ TN-MT và Tỉnh uỷ Phú Yên tổ chức Diễn đàn “Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam năm 2022”. Thay mặt các cơ quan chủ trì, tôi trân trọng cảm ơn các quý vị đại biểu, khách quý về tham dự diễn đàn.

 

Tại diễn đàn này, tôi đề nghị tập trung thảo luận một số khía cạnh chủ yếu như sau:

 

Thứ nhất, tập trung đánh giá, làm rõ việc tuyên truyền, quán triệt, ban hành các chương trình/kế hoạch thực hiện nghị quyết; việc thể chế hoá các chủ trương của Đảng trong nghị quyết.

 

Thứ hai, tập trung đánh giá, làm rõ kết quả thực hiện các mục tiêu về: Các chỉ tiêu tổng hợp về kinh tế biển; về khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

 

Thứ ba, đánh giá những kết qủa đạt được, những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ, giải pháp phát triển các ngành kinh tế biển, trong đó có 6 ngành kinh tế biển chủ đạo là: Du lịch và dịch vụ biển; Kinh tế hàng hải; Khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; Nuôi trồng và khai thác hải sản; Công nghiệp ven biển; Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới.

 

Thứ tư, phân tích những thuận lợi, hạn chế, khó khăn trong việc thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu được nêu tại nghị quyết, đặc biệt là các nhiệm vụ về: Phát triển đồng bộ, từng bước hình thành khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị sinh thái ven biển; Phát triển các vùng biển dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, hài hoà giữa bảo tồn và phát triển; Bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phòng, chống thiên tai; Nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hoá biển, xã hội gắn bó, thân thiện với biển; Bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế.

 

Thứ năm, kiến nghị, đề xuất với Trung ương những giải pháp thực hiện có hiệu lực, hiệu quả Nghị quyết số 36-NQ/TW trong thời gian tới.

 

Trong quá trình thảo luận, tham luận và phát biểu ý kiến đóng góp, tôi đề nghị tập trung vào những nội dung trọng tâm nêu trên, đồng thời bám sát vào những nội dung cơ bản về phát triển kinh tế biển đã được nêu tại Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng để làm sâu sắc hơn những đánh giá, nhận định về thực tiễn phát triển kinh tế biển Việt Nam thời gian qua, đặc biệt là về nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế; đồng thời đề xuất các giải pháp, cách làm mới, thực chất, hiệu quả nhằm thực hiện thành công các mục tiêu nhiệm vụ đã được Đại hội XIII của Đảng đề ra, đó là: "Thực hiện tốt Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, tài nguyên, môi trường biển; phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao đời sống nhân dân vùng biển, đảo. Tổ chức tốt việc xây dựng và quản lý thống nhất quy hoạch không gian biển quốc gia, hoàn thiện cơ chế quản lý tổng hợp và chuyên ngành về biển, đảo. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật trên biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đẩy mạnh phát triển và nâng cao hiệu quả các ngành kinh tế biển, các khu kinh tế, khu công nghiệp và các đô thị ven biển. Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực cho kinh tế biển, nhất là nhân lực chất lượng cao. Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, điều tra tài nguyên, môi trường biển; xây dựng cơ sở dữ liệu số về biển, đảo, nâng cao năng lực giám sát môi trường biển, dự báo thiên tai, biến đổi khí hậu vùng biển, ven biển".

 

Thưa các đồng chí!

 

Với ý nghĩa, nội dung và tầm quan trọng như trên, cùng sự tâm huyết và tinh thần trách nhiệm cao, tôi tin tưởng rằng tại diễn đàn lần này sẽ có nhiều ý kiến tham luận, phát biểu, trao đổi, đánh giá, làm rõ các vấn đề nêu trên và đề xuất những nội dung thiết thực nhằm đóng góp vào quá trình thực hiện thành công Nghị quyết số 36-NQ/TW, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

 

Xin chúc các quý vị đại biểu, các đồng chí mạnh khoẻ, hạnh phúc.

 

Xin trân trọng cảm ơn .

------------------------ 

(*) Tựa do tòa doạn đặt

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek