Thứ Bảy, 23/11/2024 23:09 CH
Trồng rừng ngập mặn khu vực đầm Ô Loan: Nhiều lợi ích về môi trường và hệ sinh thái
Thứ Năm, 09/06/2022 11:00 SA

Cán bộ ngành Kiểm lâm Phú Yên trồng cây đước vòi tại đầm Ô Loan. Ảnh: NHẬT HUY

UBND tỉnh vừa phê duyệt báo cáo khả thi dự án Trồng rừng ngập mặn khu vực đầm Ô Loan. Dự án được đánh giá góp phần khôi phục, phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn trong khu vực; tạo cảnh quan, cải thiện môi trường, hạn chế tác động tiêu cực do nước biển dâng; tạo điều kiện giúp người dân phát triển kinh tế theo hướng quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn ven biển bền vững ứng phó biến đổi khí hậu.

 

Tạo hệ sinh thái cho đầm Ô Loan

 

Đầm Ô Loan là thắng cảnh cấp quốc gia, có hệ sinh thái đa dạng. Tại đây có nhiều loại hải sản quý như cá mú, ghẹ, tôm, cua huỳnh đế, điệp…; đặc biệt là sò huyết nổi tiếng ngon, cơm dày và thơm hơn sò huyết các nơi khác. Tuy nhiên, những năm gần đây, biến đổi khí hậu cũng như tác động tiêu cực của một số hộ dân đã ảnh hưởng lớn đến diện tích rừng, nơi trú ngụ của các loài động thực vật ven đầm.

 

Trước thực trạng ấy, UBND tỉnh đã phê duyệt báo cáo khả thi dự án Trồng rừng ngập mặn khu vực đầm Ô Loan. Theo đó, Sở NN-PTNT sẽ triển khai trồng các loại cây bần, đước… tại 3 xã An Hòa Hải, An Hiệp và An Ninh Đông. Diện tích rừng trồng tại đầm Ô Loan là 50ha, được chia thành 102 lô; trong đó, xã An Hòa Hải 42,8ha, xã An Ninh Đông 5,7ha và xã An Hiệp 1,5ha. Kinh phí triển khai dự án này hơn 18 tỉ đồng.

 

Theo các chuyên gia về nông nghiệp, dự án mang đến nhiều giá trị tích cực về môi trường, cảnh quan. Khi cây phát triển thành rừng, rừng ngập mặn đầm Ô Loan sẽ cung cấp môi trường sống cho các loài thủy hải sản trú ngụ và sinh sản, qua đó giúp gia tăng, phục hồi đa dạng sinh học, bảo tồn các loài thủy sản quý hiếm ở đầm Ô Loan. Từ đó, người dân địa phương xung quanh đầm được hưởng lợi từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có nuôi trồng và đánh bắt thủy sản.

 

Rừng ngập mặn tại đầm Ô Loan còn góp phần điều hòa tiểu khí hậu; giảm ảnh hưởng của gió, bão, lũ lụt; hạn chế ảnh hưởng của nước biển dâng, xói mòn... Đây cũng được xem là bể lọc sinh học các chất ô nhiễm hữu cơ từ nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, giảm ô nhiễm môi trường nước đầm Ô Loan.

 

Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch UBND huyện Tuy An cho biết: “Việc trồng rừng ngập mặn sẽ khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường cũng như cải tạo hệ sinh thái trong đầm Ô Loan. Do đó, một mặt chúng tôi tuyên truyền, vận động người dân khu vực đầm thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, mặt khác sẽ tạo điều kiện để Sở NN-PTNT triển khai dự án hiệu quả nhất”.

 

Nỗ lực triển khai có hiệu quả

 

Lợi ích của việc trồng rừng ngập mặn là điều mà nhiều người dân và cơ quan chức năng thấy rõ. Tuy nhiên, dự án này muốn triển khai hiệu quả đòi hỏi sự chung tay, trách nhiệm của cơ quan chức năng và cả người dân địa phương.

 

Để tạo hiệu ứng và tuyên truyền dự án, mới đây, Sở NN-PTNT phối hợp với UBND huyện Tuy An, các sở ngành và chính quyền địa phương phát động chiến dịch trồng rừng ngập mặn tại đầm Ô Loan. Đây cũng là một trong những hoạt động quan trọng hưởng ứng tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2022, diễn đàn Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam năm 2022.

 

Tại đây, lãnh đạo Sở NN-PTNT một lần nữa nêu rõ những lợi ích của việc trồng rừng tại đầm Ô Loan. Đồng thời kêu gọi các cấp chính quyền, người dân chung tay khôi phục, bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn với tinh thần bảo vệ và phát triển rừng chính là bảo vệ cuộc sống của chúng ta; mong phong trào bảo vệ và phát triển rừng sẽ được lan tỏa và mở rộng hơn nữa trong thời gian tới.

 

Ông Bạch Đàn (thôn Tân Hòa, xã An Hòa Hải) cho biết: “Chúng tôi vui mừng khi Nhà nước quan tâm trồng rừng ngập mặn tại đầm Ô Loan. Qua đó mang lại không khí trong lành, bảo vệ người dân trước diễn biến khó lường của thời tiết, đồng thời góp phần cải thiện đời sống của bà con”.

 

Các loại cây trồng tại đầm Ô Loan gồm: giá, đước vòi, bần chua và dừa nước. Mỗi loài cây được thiết kế phù hợp với vị trí trồng rừng thực tế. Về tiến độ dự án, theo Sở NN-PTNT, trong năm 2022, dự án sẽ hoàn thành việc trồng 17ha tại đầm Ô Loan, năm 2023 trồng mới 33ha (trồng dặm 30%, chăm sóc năm thứ 2), năm 2024 trồng dặm 20% và chăm sóc năm thứ 3, năm 2025 trồng dặm 15% và chăm sóc năm thứ 4 (đối với rừng trồng năm 2022). Như vậy, có thể thấy, dự án sẽ tập trung trồng rừng ngập mặn trong giai đoạn 2022-2023. Việc xác định và chia thời gian trồng như vậy nhằm đảm bảo đủ thời gian chuẩn bị cây con cho năm trồng thứ nhất (2022), với số cây con ước tính là 56.100 cây và năm trồng thứ 2 (2023) với số cây ước tính là 108.900 cây. Ngoài ra, sự chuẩn bị này cũng giúp vườn ươm, sản xuất cây con tại thôn Diêm Hội, xã An Hòa Hải và các vườm ươm khác chủ động cho việc cung cấp đủ lượng cây giống.

 

Sau khi kết thúc dự án, diện tích trồng rừng ngập mặn sẽ được bàn giao lại địa phương quản lý, bảo vệ và xem xét giao cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân trong khu vực quản lý, sử dụng và phát triển. 

 

Thông qua việc trồng rừng ngập mặn tại đầm Ô Loan, chúng tôi mong rằng toàn thể cán bộ, Nhân dân hưởng ứng tham gia trồng rừng ngập mặn để bảo vệ môi trường sinh thái và ứng phó với biến đổi khí hậu. Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền để dự án được lan tỏa và hiệu quả.

 

Ông Lê Văn Bé, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh

 

NHẬT HUY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek