Bài cuối: Làm gì để bảo vệ tài sản của mình?
Chiêu thức của các đối tượng lừa đảo qua mạng ngày càng tinh vi và thiên biến vạn hóa. Vậy người dân cần làm gì để bảo vệ tài sản của chính mình?
Nâng cao ý thức cảnh giác
Người thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự. Mức án cao nhất là tù chung thân với số tiền chiếm đoạt từ 500 triệu đồng trở lên. Luật sư Nguyễn Hương Quê, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Phú Yên |
Ngày 1/6/2022, bà Phạm Thị Tâm ở phường 5 (TP Tuy Hòa) nhận được cuộc gọi đầu số từ TP Hồ Chí Minh, báo rằng bà nợ tiền điện 6 tháng liền và phải thanh toán gấp, nếu không sẽ bị khởi kiện ra tòa. “Nghe bị khởi kiện, ban đầu tôi hơi hoảng, không hiểu mình đã làm gì đến nông nỗi như vậy. Còn vụ tiền điện, lâu nay, con trai tôi vẫn thanh toán chứ tôi không trực tiếp đóng tiền nên tôi không rõ có nợ không. Tuy nhiên, nhớ lại lời dặn của con tôi, khi nhận những cuộc điện thoại từ số lạ thế này cứ tắt máy, sau đó nếu cần con tôi sẽ gọi lại; vì vậy, tôi không nghe máy tiếp mà báo cho con tôi. Khi đó, tôi mới biết rằng nhà tôi không nợ tiền điện và cuộc gọi như vậy là của những đối tượng lừa đảo”, bà Tâm kể.
Cũng nhờ cảnh giác mà anh Trần Phương ở phường 9 (TP Tuy Hòa) không sập bẫy lừa đảo. Theo anh Phương, hôm đó, anh đang lướt Facebook thì nhận được tin nhắn từ tài khoản của một người bạn. Người này bảo rằng đang đi công tác nhưng thiếu tiền mà lại quên thẻ ATM nên nhờ anh Phương chuyển tiền vào tài khoản, sau đó sẽ trả lại. Ban đầu, anh Phương không nghi ngờ, thậm chí đã mở ứng dụng điện thoại lên chuẩn bị chuyển tiền nhưng may sao vợ anh cản lại, nói nên gọi điện cho bạn để kiểm chứng. “Khi tôi gọi, bạn tôi xác nhận không hề có chuyện đi công tác hay mượn tiền. Lúc đó tôi mới biết là tài khoản Facebook của bạn bị hack và mình vừa thoát khỏi một cú lừa. Tuy nhiên, thủ đoạn thực sự rất tinh vi vì số tài khoản mà kẻ gian gửi khi nhập trên ứng dụng ngân hàng cũng ra tên chủ tài khoản giống hệt tên của bạn tôi”, anh Phương cho hay.
Công nghệ ngày càng phát triển. Kéo theo đó là những chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi mà kẻ xấu liên tục thực hiện nhằm chiếm đoạt tài sản của người nhẹ dạ, cả tin. Trong số này có thể kể đến một số thủ đoạn lừa đảo phổ biến như giả danh nhân viên ngân hàng để mời chào, cung cấp các khoản vay ngân hàng online; giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án… để gọi điện yêu cầu chuyển tiền; giả danh cơ quan, tổ chức để thông báo trúng thưởng; giả danh cảnh sát giao thông gọi điện thông báo phạt nguội, gây tai nạn giao thông và bỏ trốn để khai thác thông tin cá nhân; giả danh nhân viên chăm sóc khách hàng của nhà mạng, ngân hàng, ví điện tử… để hỗ trợ giải quyết sự cố; giả danh người quen của lãnh đạo cấp cao có thể chạy án, xin việc để nhận tiền rồi viện lý do không thực hiện, không trả lại tiền, thậm chí bỏ trốn.
Ngoài ra, nhiều đối tượng lừa đảo còn tìm kiếm “con mồi” bằng cách làm quen trên mạng xã hội để gửi tặng quà và yêu cầu nộp phí; lừa nâng cấp sim điện thoại để chiếm đoạt quyền kiểm soát sim, từ đó đánh cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng, ví điện tử... của bị hại; hack tài khoản Facebook, Zalo để nhờ chuyển tiền hoặc lừa đảo thông qua hình thức đầu tư sàn ngoại hối, tiền ảo…
Kiểm tra, đối chiếu thông tin
Theo cơ quan chức năng, các tài khoản ngân hàng mà đối tượng lừa đảo sử dụng thường chắp vá thông tin của nhiều người khác nhau. Khi nhận được tiền, ngay lập tức chúng sẽ chuyển khoản qua rất nhiều tài khoản khác. Do đó, việc truy và thu hồi tài sản cho người dân trong những trường hợp bị lừa đảo sẽ rất khó khăn, mất nhiều thời gian. |
Trước tình trạng nở rộ các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, trong đó có nhiều hình thức lừa đảo đánh cắp thông tin dịch vụ ngân hàng nhằm chiếm đoạt tiền của khách hàng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên liên tục có những văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thông tin cho khách hàng những quy tắc bảo mật thông tin; tập hợp những mánh khóe, thủ đoạn lừa đảo của đối tượng xấu và thông tin rộng rãi để khách hàng cảnh giác, tránh thực hiện giao dịch. “Có thể nói, việc để xảy ra rủi ro trong giao dịch trực tuyến chủ yếu do khách hàng để lộ lọt thông tin. Do đó, khách hàng tuyệt đối không cung cấp hoặc đưa lên mạng xã hội thông tin, hình ảnh cá nhân; không cung cấp mật khẩu, mã OTP của ngân hàng cho người khác… để tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”, ông Trần Văn Trí, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên cảnh báo.
Đại diện một chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh cho hay, ngân hàng không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân qua các kênh như tin nhắn SMS, email, phần mềm chat… Do đó, mỗi khi nhận được những yêu cầu dạng này, khách hàng tuyệt đối không bấm vào đường link mà kẻ lừa đảo gửi; đồng thời gọi điện ngay cho ngân hàng để được hỗ trợ. Trường hợp đã bấm vào đường link, khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin bảo mật tài khoản, dịch vụ ngân hàng số, dịch vụ thẻ hay bất cứ thông tin cá nhân nào khác.
Theo thiếu tá Ngô Đình Bắc, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an TX Đông Hòa, để tránh trở thành nạn nhân của các hành vi lừa đảo trực tuyến, cá nhân sử dụng mạng xã hội phải luôn tỉnh táo, cảnh giác. Khi có người nhắn tin hỏi vay tiền, nhờ nạp tiền điện thoại..., người dân phải gọi điện để xác minh. Đặc biệt, tuyệt đối không truy cập các đường link vay tiền, liên kết trong tin nhắn, email lạ hoặc không rõ nguồn gốc.
Còn khi gặp các trường hợp giả danh nhân viên ngân hàng, công ty điện lực, viễn thông, người dân phải kiểm tra bằng cách liên hệ trực tiếp với nhân viên ngân hàng hoặc qua các số tổng đài của công ty điện lực, viễn thông. Khi gặp những trường hợp giả danh công an, viện kiểm sát, người dân có thể liên hệ với công an địa phương để xác minh sự việc đối tượng lừa đảo cung cấp có thật hay không, từ đó có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
Nhân viên ngân hàng ngăn chặn kịp thời một vụ lừa đảo chuyển tiền
Agribank Phú Yên vừa nhận được bằng khen của Bộ Công an vì có thành tích xuất sắc trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Theo đó, bên cạnh việc đảm bảo an toàn an ninh trong hoạt động tại đơn vị, tập thể người lao động Agribank Phú Yên luôn nêu cao tinh thần đề cao cảnh giác phòng chống tội phạm, nhiều lần ngăn chặn kịp thời các hành vi lừa đảo người dân chuyển tiền qua ngân hàng. Cụ thể như trường hợp ngày 9/9/2020, khi đang hướng dẫn một khách hàng nữ hoàn thành các thủ tục chuyển tiền tại quầy giao dịch của Agribank TX Đông Hòa, nhân viên lễ tân ngân hàng là chị Nguyễn Thị Thu Hà biết được khách hàng chuyển tiền cho một người để người này lo thủ tục hải quan. Theo lời khách hàng, người thân của chị quen với một người đàn ông từ Mỹ về. Người này hứa sau khi về lại Mỹ sẽ gửi tiền để xây nhà rồi làm đám cưới. Vào ngày 9/9/2020, người đàn ông này gọi điện thoại cho người thân của chị cho biết đã gửi về Việt Nam món hàng gồm 1 máy tính, 2 điện thoại và 5 tỉ đồng nhưng đang bị hải quan thu giữ; nếu muốn nhận món hàng này thì chị phải chuyển 116 triệu đồng cho một người ở TP Hồ Chí Minh để người này làm thủ tục hải quan. Vì tin lời người đàn ông này và muốn nhận được món hàng, người thân của chị gom tiền và vay mượn thêm từ người thân rồi lập tức tới Agribank TX Đông Hòa để thực hiện chuyển tiền.
Sau khi tiếp nhận thông tin, chị Thu Hà nhận thấy có sự bất thường trong giao dịch này và cảnh báo khách hàng thận trọng, không nên chuyển tiền. Nhờ vậy đã kịp thời ngăn chặn một vụ lừa đảo, giúp khách hàng không bị thiệt hại tài sản. |
VIỆT AN