Chủ Nhật, 24/11/2024 02:08 SA
Lừa đảo qua không gian ảo (bài 1)
Thứ Ba, 07/06/2022 11:00 SA

Những tin nhắn các đối tượng lừa đảo liên hệ, hướng dẫn chị H làm nhiệm vụ tăng tương tác trên Shopee để nhận hoa hồng. Ảnh: VIỆT AN

Công nghệ ngày càng phát triển. Kéo theo đó là những chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi mà kẻ xấu liên tục thực hiện nhằm chiếm đoạt tài sản của người nhẹ dạ, cả tin. Do vậy, ngoài nâng cao ý thức cảnh giác, người dân cũng cần thường xuyên cập nhật thông tin, nâng cao hiểu biết về các thủ đoạn lừa đảo để tránh bị mắc bẫy.

 

Bài 1: Liên tục sập bẫy

 

Các thủ đoạn lừa đảo môi giới việc làm tại nhà; tăng tương tác trên sàn thương mại điện tử; mạo danh cán bộ công an, viện kiểm sát gọi điện cho người dân gây hoang mang; giả danh tin nhắn thương hiệu của ngân hàng để lừa khách hàng bấm vào đường link giả mạo hòng chiếm đoạt tài sản... mặc dù đã được các cơ quan chức năng, ngân hàng, doanh nghiệp cảnh báo nhiều lần nhưng không ít người vẫn mắc bẫy.

 

Tăng tương tác, mất cả vốn lẫn hoa hồng

 

Cuối tháng 5 vừa qua, trong thời gian nghỉ thai sản, chị T.T.H.H ở TP Tuy Hòa lướt Facebook tìm việc làm thêm tại nhà để có thu nhập thì tình cờ đọc thấy quảng cáo cần người làm nhiệm vụ tăng tương tác trên sàn thương mại điện tử Shopee. “Ngay khi tôi nhắn hỏi việc, một người tự xưng tên là Lê Minh Thy lập tức liên hệ lại, hướng dẫn tôi kết nối với một người khác trên ứng dụng Telegram để nhận nhiệm vụ. Sau khi yêu cầu tôi cung cấp thông tin để đăng ký cộng tác viên, người quản lý mới tự xưng tên là Lâm Văn Lực gửi đường link sản phẩm trên Shopee, hướng dẫn tôi xác nhận đơn hàng và thanh toán trước, rồi sẽ được nhận lại tiền gốc cộng thêm % hoa hồng chiết khấu”, chị H kể.

 

Theo chị H, nhiệm vụ đầu tiên, chị phải thanh toán sản phẩm giá 199.000 đồng, chỉ vài phút là nhận được tiền gốc và 10% hoa hồng. Đến nhiệm vụ thứ hai, giá sản phẩm tăng lên gần 600.000 đồng, chị cũng làm tương tự và tiền nhanh chóng về tài khoản. Tuy nhiên, đến nhiệm vụ thứ ba, khi số tiền lên đến hàng chục triệu đồng thì rắc rối bắt đầu xảy ra.

 

Thanh toán xong một giao dịch, chị H nhận được thông báo phải thực hiện thêm một giao dịch nữa mới được hoàn tiền. Mặc dù tài khoản không đủ tiền thanh toán tiếp nhưng chị H vẫn cắn răng mượn bạn bè để làm cho xong, hòng lấy lại được tiền. Nhưng sau đó, họ lại yêu cầu chị H phải làm tiếp một nhiệm vụ nữa để xác minh tài khoản rồi mới chuyển tiền, nếu không sẽ bị đóng băng tài khoản và mất hết vốn.

 

“Xót số tiền đã bỏ ra, tôi tiếp tục thanh toán lần nữa nhưng vẫn không nhận lại được gì. Người này lấy cớ tôi chuyển sai cú pháp, yêu cầu tôi chuyển tiền lại. Lúc này, tôi mới bàng hoàng nhận ra là mình đã bị lừa, số tiền tổng cộng đã lên đến hơn 100 triệu đồng... Đây là tiền tôi mượn bạn bè, người thân và hứa trả sớm nhưng giờ bị lừa mất hết, tôi không biết phải làm sao nữa. Chưa đi làm lại, chưa có thu nhập, lại phải nuôi con nhỏ chưa dứt sữa, con lớn đang học tiểu học, tôi thật sự bế tắc”, chị H buồn rầu nói.

 

Vay tiền nhanh, 134 triệu đồng không cánh mà bay

 

Trường hợp chị T.T.T.T ở phường Hòa Hiệp Trung, TX Đông Hòa cũng rất trớ trêu. Gia đình chị T đang túng thiếu, cần 30 triệu đồng để trả nợ. Ngày 21/5/2022, trong lúc lướt Facebook, chị T thấy website cho vay tiền nhanh có tên vaytintam24h.vn. Chị nhấp vào đường link thì có một người tự xưng tên là Nguyễn Thanh Tài, nói là nhân viên tư vấn rồi kết bạn Zalo nói chuyện với chị. Sau khi nghe Tài tư vấn, chị T đồng ý vay 30 triệu đồng, trả trong vòng 12 tháng, mỗi tháng hơn 2,66 triệu đồng. Rồi Tài làm hồ sơ cho chị T vay, 30 phút sau thì thông báo hồ sơ đã được duyệt nhưng số tài khoản của chị T bị sai nên không chuyển tiền được, yêu cầu chị T nộp 6 triệu đồng để chỉnh lại số tài khoản. Sau khi nộp xong, chị T đi rút tiền vay thì tài khoản báo lỗi, nhân viên tư vấn yêu cầu chị đóng tiếp 12 triệu đồng. Cứ thế, thực hiện theo các bước như đối tượng lừa đảo hướng dẫn, với nhu cầu vay 30 triệu đồng, dù không nhận được bất kỳ đồng nào, chị T đã mất trắng 134 triệu đồng.

 

“Toàn bộ số tiền tôi đóng đều chuyển vào số tài khoản 030645199999 tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), chủ tài khoản là Trần Văn Hoan. Đến nay, tôi vẫn chưa nhận được số tiền mình vay và tiền đã nộp vào, trong khi tài khoản thì bị khóa. Tôi làm công nhân, thu nhập không bao nhiêu. Trong thời điểm khó khăn, tôi đã chạy vạy khắp nơi vay tiền đóng vô để kích hoạt gói vay, những tưởng được trả lại và được vay tiền, nhưng cuối cùng bị lừa mất hết. Số tiền 134 triệu đồng quá lớn đối với gia đình, tôi mong cơ quan công an hỗ trợ lấy lại để tôi có tiền trả nợ”, chị T nói.

 

Nghe “cán bộ”, vội chuyển 570 triệu đồng

 

Tại phường Hòa Hiệp Bắc, TX Đông Hòa, chị N.T.D cũng vừa bị lừa mất số tiền 570 triệu đồng trong sổ tiết kiệm.

 

Ngày 15/5/2022, chị D nhận cuộc gọi từ một số đối tượng tự xưng là cán bộ của Bộ TT-TT, Bộ Công an, đưa ra thông tin là có người đứng tên chị D buôn bán thiết bị y tế, nhận tiền nhưng không giao hàng, chiếm đoạt của khách hàng số tiền gần 86,8 triệu đồng và chị D đã phạm tội hình sự. Trong quá trình nói chuyện với các đối tượng này, chị D cho biết có gửi một khoản tiền tiết kiệm tại BIDV.

 

Ngày 16/5/2022, các đối tượng tiếp tục giả danh là cán bộ, điều tra viên của Bộ Công an và là phó viện trưởng viện kiểm sát gọi điện cho chị D thông báo chị có liên quan đến một vụ lừa đảo khác, số tiền chiếm đoạt lên đến 200 tỉ đồng, yêu cầu chị đến Vietcombank mở tài khoản đăng ký ứng dụng Vietcombank trên điện thoại, đồng thời rút số tiền gửi tiết kiệm tại BIDV chuyển qua tài khoản Vietcombank để phục vụ điều tra. Do cả tin và lo sợ nên chị D đã đến BIDV rút 570 triệu đồng chuyển vào tài khoản Vietcombank. Khi đó, các đối tượng yêu cầu chị tải phần mềm bảo mật, nhập đầy đủ thông tin cá nhân, trong đó có tên đăng nhập, mật khẩu chuyển tiền. Các đối tượng cũng dặn chị không thực hiện giao dịch tại ngân hàng, không đăng nhập vào ứng dụng Vietcombank trong vòng 24-48 giờ. Sau đó, chị D nghi ngờ nên gọi đến Vietcombank kiểm tra thì phát hiện số tiền 570 triệu đồng đã bị chuyển đến số tài khoản khác. Biết mình bị lừa, chị D đến cơ quan công an trình báo vụ việc.

 

Mưu sinh bằng công việc mua bán phế liệu, đây là tài sản vợ chồng chị D tích góp, dành dụm để xây nhà. Ước mơ chưa kịp thực hiện thì nay chị đã trắng tay. “Mất hết, mất tất cả rồi…”, chị D nghẹn đắng.

 

Không riêng chị H, chị T, chị D mà thời gian qua, trên địa bàn tỉnh còn có rất nhiều người dân sập bẫy lừa đảo tài chính qua mạng. Theo Đội Phòng chống tệ nạn xã hội mua bán người và phòng chống tội phạm công nghệ cao (Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh), từ đầu năm đến nay, cơ quan công an trên địa bàn tỉnh tiếp nhận 13 trường hợp trình báo bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng với số tiền hơn 2,1 tỉ đồng. Trong đó nhiều nhất là tại địa bàn TX Đông Hòa với 7 trường hợp bị chiếm đoạt 1,5 tỉ đồng.

 

“Đối tượng lừa đảo thường hướng đến những người ít cập nhật thông tin xã hội, báo chí; thiếu ý thức cảnh giác với tội phạm; không có kiến thức về bảo mật thông tin cũng như hiểu biết về các hoạt động tố tụng hình sự. Đa phần họ là phụ nữ và người nghèo, thiếu thông tin, khó khăn, cần vay tiền nhanh… nên dễ dàng sập bẫy”, thiếu tá Võ Thanh Nhựt, Phó Đội trưởng Đội Phòng chống tệ nạn xã hội mua bán người và phòng chống tội phạm công nghệ cao cho biết.

 

Bài cuối: Làm gì để bảo vệ tài sản của mình?

 

VIỆT AN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek