Chủ Nhật, 29/09/2024 22:38 CH
Phục hồi và phát triển kinh tế trong điều kiện kiểm soát dịch COVID-19
Thứ Bảy, 01/01/2022 07:00 SA

Nhiều hội thảo, chương trình hành động ở tầm quốc gia, từng địa phương về phương hướng phục hồi kinh tế, khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát hiệu quả. Vắc xin đã bao phủ với tỉ lệ cao, thuốc đặc trị đang phát huy hiệu quả và ý thức của người dân về phòng chống dịch bệnh được nâng cao... Đó là những yếu tố quan trọng cho phép các hoạt động trở lại trong điều kiện thích ứng linh hoạt.

 

Hội thảo bàn các giải pháp, chiến lược phục hồi kinh tế địa phương hậu COVID-19. Ảnh: TRẦN QUỚI

 

Gam màu sáng trong bức tranh tối

 

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Việt Nam vẫn đạt và vượt một số chỉ tiêu kinh tế với GDP tăng trên 2%; xuất nhập khẩu vượt mốc 660 tỉ USD, tăng 21%, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế; xuất siêu tăng ngoạn mục những tháng cuối năm, đưa cả năm tăng khoảng 2,1 tỉ USD, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt hơn 29 tỉ USD, tăng gần 0,5 tỉ USD so với năm 2020… Đây là kết quả của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, người dân cùng với quyết sách linh hoạt của Chính phủ trong mỗi hoàn cảnh, đặc biệt là chuyển từ mục tiêu “zero COVID” sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch COVID-19.

 

Phú Yên là điểm nóng trong làn sóng dịch thứ tư (từ 23/6), nên cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Kinh tế trong thời gian này gần như hoàn toàn tê liệt. Chỉ số về tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh -0,74%. Các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, dịch vụ giảm sâu. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, sự điều hành của UBND tỉnh và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sau 3 tháng tình hình dịch được kiểm soát; tổ chức đón gần 17.000 công dân từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam về quê tránh dịch an toàn.

 

Từ tháng 10/2021, cả tỉnh trực hiện chiến lược thích ứng linh hoạt của Chính phủ, các hoạt động sản xuất - kinh doanh được kích hoạt trở lại. Kinh tế bước đầu phục hồi, nhưng lại tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề bởi trận lũ lụt cuối tháng 11, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.

 

Với chiến lược phù hợp về phục hồi kinh tế, các cấp, ngành, doanh nghiệp đã đưa các chỉ số tăng trưởng vượt số âm, cả năm 2021, chỉ số tăng trưởng GRDP của tỉnh là 0,33%. Một số lĩnh vực như nông nghiệp tăng trưởng 1,95%, tiếp tục khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế; tổng kim ngạch xuất khẩu 196,5/210 triệu USD, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn 18.904/22.000 tỉ đồng, tiệm cận với kế hoạch đề ra…

 

Nhiều giải pháp phục hồi nền kinh tế

 

Với “vũ khí” vắc xin + ý thức về phòng chống dịch của người dân và cùng chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi trở lại và khởi sắc.

 

Cuối năm 2021, Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 lần thứ ba, với chủ đề “Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu COVID-19 và đẩy mạnh CNH-HĐH trong kỷ nguyên số”. Tại diễn đàn, các bộ, ngành Trung ương và địa phương, doanh nghiệp cùng các chuyên gia trong nước và quốc tế tập trung trao đổi 2 nhóm nội dung: Đề xuất, góp ý hoàn thiện khung chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; đề xuất, kiến nghị mô hình, chính sách đẩy mạnh CNH-HĐH trên nền tảng KH-CN và đổi mới sáng tạo. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Bộ VH-TT-DL, tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo Du lịch 2021 với chủ đề “Du lịch Việt Nam - phục hồi và phát triển”…

 

Nhận định về sự linh hoạt của Chính phủ, theo các chuyên gia kinh tế, Nghị quyết 128 là một bước thay đổi chiến lược từ nhận thức đến hành động, sống chung với dịch bệnh, phục hồi phát triển kinh tế, đồng thời kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Mỗi địa phương có cách vận dụng phù hợp, đúng các chủ trương, chính sách của Chính phủ nhằm đảm bảo mục tiêu kép, thích ứng an toàn dịch bệnh.

 

Đồng chí Trần Hữu Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, thực hiện phương châm chống dịch chủ động, từ sớm, từ cơ sở, có giải pháp kịp thời, phù hợp, bám sát quan điểm chỉ đạo của Trung ương, các nghị quyết của Chính phủ về thực hiện mục tiêu kép vừa chăm lo, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, vừa ổn định phát triển kinh tế, lãnh đạo tỉnh đã đặt vấn đề cùng các nhà khoa học Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh phối hợp xây dựng chiến lược phục hồi kinh tế giai đoạn 2022-2023, để vực dậy nền kinh tế bị kiệt quệ sau đại dịch.

 

Theo đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, bước sang năm 2022, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 vẫn còn, để đẩy nhanh tiến trình phục hồi, hướng đến phát triển đòi hỏi chúng ta phải nắm bắt tốt xu thế và phát huy được những thế mạnh của mình. Cùng với việc triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, tỉnh đang phối hợp Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, tham vấn ý kiến chuyên gia trong và ngoài tỉnh để xây dựng kế hoạch chiến lược phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh bền vững. Chiến lược này là sự kết hợp những giải pháp tổng thể của Trung ương như chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, chuyển đổi số… và những giải pháp đặc thù về phát huy thế mạnh của tỉnh.

 

Cụ thể hóa những thế mạnh của tỉnh, biến thành lợi thế phát triển kinh tế - xã hội, Tỉnh ủy Phú Yên đã ban hành chương trình hành động về tập trung đẩy mạnh CNH-HĐH, gắn ứng dụng các tiến bộ KH-CN vào sản xuất nông nghiệp, phát triển sản phẩm theo chuỗi, tạo ra các sản phẩm chủ lực có chất lượng, giá trị kinh tế; phát triển kinh tế biển; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đến năm 2030. Gắn với các mục tiêu này là bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

 

Mục tiêu tăng trưởng năm 2022, đó là tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 7% (trong đó nông nghiệp 2,8%; công nghiệp - xây dựng 9,5%, dịch vụ 7,9%, thuế sản phẩm 5,2%); tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội phấn đấu đạt 20.200 tỉ đồng… “Năm mới 2022, trong điều kiện bình thường mới, kiểm soát hiệu quả đại dịch COVID-19, toàn hệ thống chính trị tiếp tục đặt quyết tâm cao cho các chương trình hành động và mục tiêu các nghị quyết đã ban hành, vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài, đòi hỏi phải nỗ lực và thực hiện thường xuyên liên tục”, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế khẳng định.

 

Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đại Dương: Số hóa, ứng dụng KH-CN để phục hồi nhanh, phát triển bền vững

 

Đại dịch COVID-19 đã đẩy nhanh tiến trình số hóa và khẳng định vai trò của công nghệ trong giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội trên toàn cầu; ứng dụng KH-CN, đổi mới sáng tạo sẽ tạo ra thay đổi trong tương lai. Xu thế này là tất yếu và đòi hỏi cần hành động nhanh hơn, quyết liệt hơn để phát huy những thế mạnh của mình và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

 

Năm 2022, tiếp tục thực hiện tốt công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng cơ sở thiết yếu nhằm chuẩn bị điều kiện phát triển cho giai đoạn tới. Đẩy nhanh tiến độ, tăng cường đầu tư công, thu hút đầu tư ngoài xã hội nhằm tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử; tăng cường ứng dụng công nghệ vào quản trị xã hội để tạo thói quen, xây dựng nền tảng số cho phát triển kinh tế số.

 

Song song đó là các giải pháp kiểm soát dịch hiệu quả, chăm lo an sinh xã hội, phát triển văn hóa, giáo dục; đảm bảo quốc phòng - an ninh.

 

TRẦN QUỚI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek