Thời gian qua, phong trào thu gom rác thải được các cá nhân, tổ chức trong tỉnh hưởng ứng nhiệt tình. Tuy nhiên, thu gom chỉ là giải pháp trước mắt, còn về lâu dài phải tính tới tái chế rác thải để bảo vệ được môi trường một cách bền vững.
Bắt đầu từ cá nhân, gia đình
Bà Phạm Thị Thu bán rau ở chợ Trà Kê, xã Sơn Hội (huyện Sơn Hòa), sau mỗi buổi chợ luôn nán lại 5-10 phút để phân loại phần rau thừa. Bà nhặt những lá rau còn dùng được mang về băm nhỏ làm thức ăn cho heo, gà. Những phần rau hư, bà dồn đống ở góc vườn rồi trộn với tro bếp, vỏ trấu ủ làm phân bón cho trồng cây. Cuối cùng chỉ còn rác tạp, bà mới bỏ vô xe rác. Bà Thu cho biết: Vứt đi thì phí lại ô nhiễm vì rau sau một ngày sẽ héo úa và bắt đầu phân hủy, bốc mùi, lúc đó đốt cũng không được.
Còn chị Vũ Thị Lương ở phường 5, TP Tuy Hòa, chia sẻ: Từ lâu, tôi vẫn duy trì thói quen phân loại rác ra từng túi nhỏ, cuối ngày mang thức ăn thừa cho những người nuôi heo mang về làm thức ăn cho heo, còn phế liệu thì cho những người thu mua đồng nát.
Với chị Nguyễn Thị Chiến ở thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân) cũng vậy, nhà chị luôn có 2 thùng rác, một để rác dễ phân hủy, một để những rác thải có thể bán đồng nát được. “Tôi cũng hướng dẫn các con về cách làm này, qua đó rèn cho con thói quen phân loại rác”, chị Huệ nói.
Đến các cơ quan, đơn vị
Nhiều cơ quan hành chính cũng đi đầu thực hiện phân loại rác thải như Bệnh viện Mắt Phú Yên, Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, Trường THPT Nguyễn Huệ… Theo ông Huỳnh Phúc Nhĩ, Giám đốc Bệnh viện Mắt Phú Yên, từ đầu năm đến nay đơn vị đã triển khai mô hình phân loại rác thải cho cán bộ, nhân viên trong cơ quan.
Thay vì một thùng rác chung như trước, nay ở vị trí đó có tới 2 thùng rác, trong đó một thùng đựng rác sinh hoạt và một thùng đựng rác văn phòng gồm giấy vụn, bìa cát tông, chai lọ… Đơn vị triển khai mô hình này nhằm nâng cao ý thức của cán bộ, nhân viên trong cơ quan về bảo vệ môi trường một cách khoa học.
Còn Bí thư Đoàn trường THPT Nguyễn Huệ Biện Ngọc Vàng cho biết: Nhà trường bố trí nhiều thùng rác ở các vị trí khác nhau để mọi người và các em học sinh tiện bỏ rác, không vứt rác lung tung trong lớp học, ngoài sân trường. Trước đây, thùng nào cũng bỏ một mớ hỗn độn từ bao ni lông, chai nhựa đến hoa tươi, vỏ chuối…
Một lần tôi thấy những người đi nhặt đồng nát phải bới tung lên để nhặt từng cái chai nhựa, rồi lau sạch những thứ bẩn bám vô trước khi bán lại cho đại lý thu mua để tái chế. Tôi nghĩ nếu khi bắt đầu vứt rác, mỗi người tự phân loại rác thì những người khác đỡ cực hơn. Với suy nghĩ này, tôi về trường cùng đồng nghiệp dán thông báo trên các thùng rác để phân biệt thùng này đựng rác thải, thùng kia đựng chai nhựa.
Trên thực tế, rác không được phân loại chủ yếu được xử lý bằng cách chôn, đốt, vừa không giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường vừa lãng phí nguồn thải, vì nguồn thải từ rác có thể làm phân vi sinh, tái sử dụng theo nhiều cách khác nhau.
Theo ông Trần Trung Trực, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT), phân loại rác thải từ đầu nguồn là hành động cần thiết để bảo vệ môi trường một cách bền vững. Chỉ có như vậy rác mới được xử lý triệt để theo chiều hướng tích cực. Ở tỉnh ta, việc phân loại rác còn mới nên chỉ dừng lại ở phạm vi nhỏ. Nhưng như vậy cũng là dấu hiệu đáng mừng để nhân rộng ra cả cộng đồng thời gian tới. Trong những năm qua, đơn vị trao nhiều thiết bị thu gom rác thải cho các địa phương để thực hiện việc thu gom và phân loại rác thải. Đã đến lúc chúng ta phải nâng cao hành động bằng cách phân loại rác thải trước khi bỏ rác đúng nơi quy định.
Đã đến lúc chúng ta phải nâng cao hành động bỏ rác đúng nơi quy định bằng cách hãy phân loại rác thải trước khi bỏ rác đúng nơi quy định.
Ông Trần Trung Trực, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT) |
MINH DUYÊN