Gần đây, trên địa bàn tỉnh có một vài trường hợp ngư dân tự ý cải hoán chiều dài tàu cá để đủ điều kiện khai thác tại vùng biển khơi. Điều này sẽ dẫn đến hệ lụy và có khả năng bị rút giấy phép, cấm khai thác thủy hải sản…
Phóng viên Báo Phú Yên phỏng vấn ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT xung quanh vấn đề nói trên.
Ông Nguyễn Tri Phương |
* Xin ông cho biết, việc khai thác hải sản ở vùng biển khơi đối với ngư dân Phú Yên hiện nay như thế nào?
- Ngư dân Phú Yên có truyền thống làm nghề câu cá ngừ đại dương. Khoảng 10 năm trở lại đây, các nghề lưới vây, lưới rê nilon đánh bắt cá thu, cá ngừ nhỏ và nghề lưới rê cước đánh bắt cá chuồn ở vùng biển khơi cũng khá phát triển.
Phú Yên hiện có hơn 4.130 tàu cá tham gia khai thác hải sản trên biển, trong đó có 1.183 tàu cá có công suất từ 90CV trở lên đã được cấp giấy phép khai thác thủy sản vùng biển khơi (theo Nghị định 33 ngày 31/3/2010 của Chính phủ) và thường xuyên hoạt động khai thác tại các ngư trường truyền thống như các vùng biển thuộc các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, DK1.
Thời gian qua, ngoài hoạt động khai thác hải sản, ngư dân các tàu cá này thường xuyên cung cấp thông tin quan trọng về tình hình trên biển cho các đơn vị chức năng, góp phần giữ vững an ninh chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Ngày 2/5/2019, Bộ NN-PTNT ban hành Quyết định 1481 về việc giao hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản tại vùng khơi cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, theo đó hạn ngạch giấy phép khai thác tại vùng khơi cho tỉnh Phú Yên là 451 giấy phép cho tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên (nghề lưới kéo 26 tàu, nghề lưới vây 81 tàu, nghề lưới rê 81 tàu, nghề câu (trừ nghề câu cá ngừ đại dương) 5 tàu, nghề câu cá ngừ đại dương 250 tàu, nghề chụp 4 tàu, nghề khác 3 tàu, nghề dịch vụ hậu cần 1 tàu).
Đối chiếu với hạn ngạch giấy phép được phân bổ và thực tế tàu cá hoạt động khai thác hải sản ở vùng biển khơi thì có 732 tàu cá Phú Yên không được cấp phép khai thác hải sản tại vùng khơi do các tàu này có chiều dài lớn nhất dưới 15m.
* Trước thực trạng nhiều tàu cá ở Phú Yên không được cấp phép tiếp tục khai thác ở vùng biển khơi, xin ông cho biết tỉnh đã có kiến nghị gì nhằm tháo gỡ khó khăn này?
- Để giải quyết những bất lợi nêu trên và tạo điều kiện cho ngư dân Phú Yên tiếp tục hoạt động sau nhiều năm khai thác hải sản trên vùng biển khơi, ngày 7/6, UBND tỉnh có văn bản kiến nghị Bộ NN-PTNT điều chỉnh hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng biển khơi cho Phú Yên.
Theo đó, UBND tỉnh đề nghị Bộ NN-PTNT xem xét, cấp bổ sung hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi cho 732 tàu cá Phú Yên, trong đó có 254 giấy phép nghề câu cá ngừ đại dương, 154 giấy phép nghề lưới vây, 131 giấy phép nghề lưới kéo, 109 giấy phép nghề lưới rê, 60 giấy phép nghề câu rạn và 24 giấy phép tàu hậu cần đánh bắt hải sản.
Theo Nghị định 26 ngày 8/3/2019 của Chính phủ (có hiệu lực thi hành từ ngày 25/4/2019) quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản 2017, tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12m đến dưới 15m được phép hoạt động tại vùng lộng, không được hoạt động tại vùng khơi và vùng ven bờ. |
Ngày 4/9, Bộ NN-PTNT có văn bản trả lời kiến nghị của UBND tỉnh Phú Yên. Theo đó, Bộ NN-PTNT yêu cầu tỉnh thực hiện Văn bản 5411 ngày 30/7/2019 của Bộ NN-PTNT về việc cấp hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản. Theo văn bản này, đối với nhóm tàu cá có công suất từ 90CV trở lên nhưng chiều dài lớn nhất dưới 15m, địa phương chủ động rà soát, thông báo cho chủ tàu, ngư dân đăng ký nhu cầu cải hoán tàu cá để có đủ điều kiện hoạt động tại vùng khơi theo quy định tại Nghị định 26; cấp văn bản chấp thuận cải hoán cho chủ tàu có nhu cầu để tiến hành cải hoán tàu cá theo quy định; cấp giấy phép khai thác thủy sản cho chủ tàu khi tàu cá đã đủ điều kiện theo quy định trong số hạn ngạch giấy phép đã được giao theo Quyết định 1481 và báo cáo Bộ NN-PTNT xem xét, cấp bổ sung hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản; thời hạn báo cáo đề nghị cấp bổ sung hạn ngạch trước ngày 31/12/2019.
Sở NN-PTNT đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản phối hợp với các địa phương ven biển tổ chức phổ biến những chủ trương của Bộ NN-PTNT xung quanh vấn đề cải hoán tàu cá, đồng thời triển khai đăng ký cải hoán tàu cá đối với ngư dân có nhu cầu. Bộ NN-PTNT giao hạn ngạch giấy phép khai thác tại vùng khơi cho Phú Yên là 451 giấy phép đối với 451 tàu cá đã đủ điều kiện.
Khi nào Bộ NN-PTNT cấp bổ sung hạn ngạch giấy phép khai thác tại vùng khơi cho tỉnh thì Sở NN-PTNT sẽ phổ biến đến ngư dân có nhu cầu cải hoán tàu cá nhằm đảm bảo điều kiện hoạt động khai thác ở vùng biển khơi. Nếu Bộ NN-PTNT cấp bổ sung ít hơn số tàu cá mà tỉnh đã kiến nghị thì Sở NN-PTNT sẽ tham mưu cho UBND tỉnh ưu tiên cho những tàu cá có chiều dài lớn nhất tiệm cận với 15m và ưu tiên cho các nghề mà tỉnh đang khuyến khích như nghề câu cá ngừ đại dương.
* Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một vài trường hợp ngư dân tự ý cải hoán tàu cá, Sở NN-PTNT sẽ xử lý những trường hợp này như thế nào?
- Tổ chức, cá nhân có nhu cầu cải hoán tàu cá thì gửi hồ sơ đến Chi cục Thủy sản và đơn vị sẽ tiến hành thẩm định hồ sơ trên cơ sở căn cứ hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản và tiêu chí đặc thù của địa phương để xem xét, cấp văn bản chấp thuận. Nếu trường hợp ngư dân tự ý cải hoán tàu cá, thay đổi kích thước, công năng của tàu cá thì cơ quan cấp giấy phép sẽ kiểm tra, xử lý vi phạm, thu hồi giấy phép khai thác thủy sản đối với các chủ tàu cá vi phạm.
Nghị định 26 cũng đã quy định 3 loại cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá. Theo đó, cơ sở loại I được phép đóng mới, cải hoán tất cả các loại tàu cá; cơ sở loại II được phép đóng mới, cải hoán tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 24m; cơ sở loại III được phép đóng mới, cải hoán tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 15m.
Sở NN-PTNT sẽ chỉ đạo tổ chức kiểm tra việc đóng mới, cải hoán tàu cá hiện nay tại các cơ sở này trên địa bàn tỉnh. Nếu phát hiện ngư dân tự ý cải hoán tàu cá thì triển khai lập biên bản và tiến hành thu hồi giấy phép khai thác thủy sản; đối với các cơ sở cải hoán tàu cá trái với giấy phép được cấp thì cũng thu hồi giấy phép và xử lý nghiêm theo quy định.
* Xin cảm ơn ông!
ANH NGỌC (thực hiện)