Toàn tỉnh có 49 cá nhân, tập thể được vinh danh tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh lần III năm 2019. Trong đó, 2 tập thể được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 5 tập thể và 12 cá nhân được nhận bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; 10 tập thể và 20 cá nhân nhận bằng khen của UBND tỉnh. Đây là những điển hình đại diện cho hơn 62.000 đồng bào của 30 dân tộc thiểu số trong tỉnh.
Đồng chí Huỳnh Tấn Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân vùng đồng bào DTTS tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ III năm 2019. Ảnh: MINH DUYÊN |
Những tấm gương làm kinh tế giỏi
Chúng tôi về thôn Tân Hòa, xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa) gặp chị Sô Thị Hồng, một phụ nữ dân tộc Chăm sản xuất giỏi. Chị Hồng đang cùng chồng chạy máy xay xát gạo. Xong việc, chị cho heo ăn và tiện vác cuốc đi làm cỏ mía. Một ngày của chị Hồng vẫn “luôn chân luôn tay” như vậy.
Chị Hồng chia sẻ: Ban đầu, tôi chỉ trồng mía, lúa nước và chăn nuôi, cuộc sống ổn định. Tôi mạnh dạn bàn với chồng mua máy cày, máy xay xát gạo về làm dịch vụ cho bà con vì nhà tôi nằm trên trục đường chính của xã, thuận lợi giao thông. Từ đó, tôi vừa có phụ phẩm cho chăn nuôi vừa có thêm thu nhập. Đến nay, gia đình tôi có 5ha mía, 5.000m2 lúa nước và đàn heo 20 con cùng 1 máy xay xát gạo, 1 máy cày đất. Thu nhập 1 năm từ 90-100 triệu đồng.
Với ông Bàn Nguyên An, người dân tộc Dao ở thôn Chư Blôi, xã Ea Bar (huyện Sông Hinh) cũng vậy. Mức thu nhập bình quân 200 triệu đồng/năm từ sản xuất nông nghiệp đã giúp gia đình ông có cuộc sống ấm no.
Ông An cho biết: Hiện gia đình tôi có 7,4ha đất sản xuất; trong đó, 5ha cao su, 2ha trồng rau màu và 0,4ha lúa nước. Tôi chọn cây cao su để đầu tư lâu dài và làm nguồn tích lũy vốn nên dành nhiều diện tích cho cây trồng này. Để lấy ngắn nuôi dài, tôi trồng lúa nước và rau màu kết hợp chăn nuôi bò (5 con), heo, gà. Ngoài ra, tôi còn sắm một máy cày phục vụ sản xuất gia đình và bà con.
Tiêu biểu trên các lĩnh vực khác
Để đồng bào yên tâm phát triển kinh tế đã có lực lượng công an, quân đội giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Một trong những cá nhân tiêu biểu trên lĩnh vực này là La Lan Hoàng, dân tộc Chăm, công tác tại Đội An ninh thuộc Công an huyện Đồng Xuân. Từ năm 2014 đến nay, La Lan Hoàng đã tham gia giải quyết nhiều vụ việc quan trọng, góp phần bảo vệ bình yên cho nhân dân.
La Lan Hoàng cho biết: Tôi thường xuyên bám địa bàn nắm chắc tình hình, kịp thời báo cáo, tham mưu lãnh đạo giải quyết ổn định các vụ tranh chấp, khiếu kiện đất đai hay xung đột giữa các nhóm thanh niên. Điển hình như vụ 103 hộ dân ở xã Phú Mỡ lấn chiếm đất rừng tại tiểu khu 72 của Công ty Nam Long; 28 hộ dân thôn Phú Hải, xã Phú Mỡ lấn chiếm trái phép đất lâm nghiệp thuộc xã Canh Liên, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định… Tôi còn phối hợp với chính quyền cơ sở vận động quần chúng tham gia Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tuyên truyền trong nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác với các thủ đoạn của những phần tử xấu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để kích động, lôi kéo…
Còn Oi Nguyên, người uy tín ở buôn Đức, xã Ea Trol (huyện Sông Hinh) đi đầu trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước tới đồng bào dân tộc thiểu số trong buôn. Theo Oi Nguyên, ông luôn tuyên truyền cho thế hệ trẻ và người dân thực hiện tốt các quy định như đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, sinh đẻ có kế hoạch, nuôi dạy con đúng cách, xóa bỏ các tệ nạn, hủ tục lạc hậu…
Ông Trương Văn Phương, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Những điển hình vùng đồng bào dân tộc thiểu số là lá cờ tiên phong trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh vùng miền núi. Đây là nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy các cá nhân, tổ chức khác vượt qua khó khăn, vươn lên thực hiện tốt công việc của mình. Việc vinh danh những điển hình này có ý nghĩa quan trọng trong nhân rộng những nhân tố tốt, hạn chế yếu tố chưa tốt để vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của tỉnh ngày càng phát triển.
MINH DUYÊN