Huyện Sơn Hòa là cửa ngõ phía tây của tỉnh Phú Yên, có quốc lộ 25 chạy qua, là cầu nối với các tỉnh Tây Nguyên, một mắt xích quan trọng của hành lang kinh tế Đông - Tây. Vì vậy, Sơn Hòa đã và đang đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng để thu hút đầu tư, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới.
Đột phá từ nông nghiệp
Sơn Hòa không những nổi tiếng là vùng đất kiên cường, anh dũng trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ Tổ quốc mà còn là địa phương luôn đi đầu trong các phong trào thi đua lao động, sản xuất.
Đặc biệt, hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, huyện Sơn Hòa luôn phát huy ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo; phát huy tiềm năng lợi thế, chủ động, tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học vào phát triển cây trồng, vật nuôi, tạo ra lượng hàng hóa có giá trị kinh tế cao, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực, đúng định hướng.
Với thế mạnh về sản xuất nông, lâm nghiệp và chăn nuôi, huyện Sơn Hòa từng bước hình thành các vùng chuyên canh, các nhà máy, cụm công nghiệp, các thị tứ, tạo điều kiện hình thành, liên kết phát triển dịch vụ, thương mại và du lịch trên địa bàn huyện. Về nông nghiệp, tổng diện tích gieo trồng năm 2018 gần 28.000ha, tăng 2,6 lần so với năm 1989.
Sản lượng lương thực có hạt trên 19.620 tấn, tăng 5,9 lần so năm 1989. Năm 1989, diện tích cây lúa nước chỉ trên dưới 100ha chủ yếu tưới bằng máy bơm, nước mạch suối khe; đến năm 2018 gần 1.800ha lúa được bơm tưới bằng các trạm bơm điện, hồ tự chảy..., từ đó hình thành những cánh đồng lúa nước có diện tích trên 100ha. Năng suất lúa bình quân từ 30 tạ/ha năm 1989 lên 65,25 tạ/ha năm 2018, góp phần đảm bảo lương lực tại chỗ.
Phát huy được thế mạnh của từng vùng, huyện đã chỉ đạo thực hiện tốt việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, hình thành một số vùng chuyên canh cây mía, sắn, cây lâm nghiệp…, mà trọng tâm là cây mía theo hướng sản xuất hàng hóa. Hiện nay, riêng diện tích cây mía trên địa bàn huyện gần 16.000ha, với gần 5.900 hộ trồng mía.
Trong đó, nhiều hộ dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong việc thâm canh tăng năng suất cây trồng. Năng suất mía bình quân đạt trên 71 tấn/ha; một số diện tích có đầu tư đạt trên 110-130 tấn/ha. Riêng niên vụ 2017-2018, lần đầu tiên, sản lượng mía thu hoạch của huyện đạt trên 1,1 triệu tấn mía cây.
Để tăng năng suất, giá trị cây trồng, huyện Sơn Hòa đã phối hợp với Công ty TNHH KCP Việt Nam tiếp tục thực hiện công tác khuyến nông, thử nghiệm, chuyển đổi những bộ giống mía có năng suất cao, chịu hạn, phù hợp với từng chân đất để đưa vào sản xuất; khuyến khích phổ biến, thực hiện thành công nhiều cánh đồng mía lớn; xây dựng vùng mía cao sản; tăng cường quản lý vùng nguyên liệu mía theo quy hoạch. Bên cạnh đó, địa phương cũng đẩy mạnh tiến độ thi công một số công trình thủy lợi, phục vụ nước tưới cho khoảng 800ha mía.
Ngoài ra, phát huy lợi thế khí hậu ôn hòa, cao nguyên mát mẻ, huyện đã thu hút sự đầu tư của Tập đoàn TH True Milk với dự án chăn nuôi bò sữa chất lượng cao tại vùng cao nguyên Vân Hòa. Dự án hứa hẹn mang đến nhiều lợi ích và diện mạo mới cho huyện, tạo việc làm cho lao động địa phương….
Ông Tô Phương Bắc |
Thu hút các nguồn lực
Từ các chương trình, dự án của Trung ương, của tỉnh, một số công trình quan trọng được đầu tư trên địa bàn như thủy điện Sông Ba Hạ, nâng cấp quốc lộ 25, đường trục dọc miền Tây, đường cứu hộ, cứu nạn, tránh lũ Tuy An - Sơn Hòa, cầu Sông Ba… Đến nay, lưới điện quốc gia đã được mở rộng đến 76/76 thôn, buôn, khu phố.
Trên địa bàn huyện có 95 doanh nghiệp, đặc biệt có 2 doanh nghiệp giữ vai trò chủ lực trong sản xuất công nghiệp là Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam và Công ty TNHH Rượu Vạn Phát. UBND tỉnh Phú Yên đã phê duyệt đề án Đầu tư mở rộng Cụm công nghiệp Ba Bản, giai đoạn 2 với diện tích 67ha, từ đó bộ mặt nông thôn của huyện từng bước hiện đại hơn.
Đặc biệt, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện góp phần từng bước thay đổi bộ mặt nông thôn. Hiện nay, 4 xã Sơn Nguyên, Sơn Hà, Sơn Định và Sơn Xuân đã đạt chuẩn nông thôn mới. Các chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi, dân tộc thiểu số được Trung ương, tỉnh quan tâm đầu tư, tạo sức bật mới, khởi sắc mới cho địa phương.
Các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt tập trung được đầu tư, đặc biệt đã xây dựng và đưa vào sử dụng Trạm bơm điện buôn Lé (xã Krông Pa); cống tự chảy xã Suối Trai phục vụ tưới tiêu cho 129ha cây lúa nước 2 vụ, góp phần thay đổi tập quán canh tác, đảm bảo lương thực tại chỗ cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số.
Công tác GD-ĐT, chăm sóc sức khỏe nhân dân chuyển biến tích cực. Mạng lưới y tế ngày càng được củng cố và phát triển, với trung tâm y tế cấp huyện và 14 trạm y tế xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia. Hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch có sự phát triển, thiết chế văn hóa ở huyện và các xã, thị trấn được quan tâm đầu tư xây dựng.
Công tác quản lý nhà nước về văn hóa, thông tin được tăng cường, góp phần đảm bảo môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh và an toàn. Địa phương thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm gắn với đào tạo cho lao động nông thôn.
Hàng năm giải quyết kịp thời, đúng chính sách cho 3.196 người thuộc các đối tượng thuộc diện trợ cấp xã hội, trợ cấp bảo hiểm xã hội, ưu đãi cho người có công... Thông qua các chương trình, dự án thoát nghèo, giảm nghèo bền vững đã xóa hàng ngàn nhà ở tạm, cho người nghèo vay hàng chục tỉ đồng để đầu tư sản xuất, chăn nuôi, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo hàng năm từ 2,5-3%.
Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được ổn định; các loại tội phạm, các tệ nạn xã hội khi phát sinh được điều tra, xử lý kịp thời, đúng pháp luật. Công tác quốc phòng được củng cố; công tác tuyển quân hàng năm đạt chỉ tiêu về số lượng và chất lượng tỉnh giao. Sự ổn định về an ninh chính trị tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội.
Phát triển bền vững
Phát huy những kết quả đạt được, Huyện Sơn Hòa tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng để thu hút các nhà đầu tư, nhằm tạo khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt các chương trình đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc sức khỏe và cải thiện đời sống nhân dân; thực hiện tốt các chế độ chính sách, đảm bảo an sinh xã hội.
Trong đó, tập trung thực hiện tốt đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng giá trị gia tăng và phát triển bền vững; chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ; đẩy mạnh thâm canh, ứng dụng giống mới, kỹ thuật canh tác, tưới tiêu khoa học...
Huyện Sơn Hòa sẽ tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trên địa bàn nói chung và Cụm công nghiệp Ba Bản mở rộng nói riêng để thu hút các nhà đầu tư, nhằm tạo khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới. Đẩy nhanh công tác lập đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị trấn Củng Sơn bảo đảm các điều kiện nâng cấp lên đô thị loại IV; tăng cường liên kết hợp tác phát triển nội vùng và các địa phương lân cận nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế cùng phát triển.
Đồng thời khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh; kêu gọi vốn đầu tư cho các điểm du lịch: Khu di tích lịch sử Nhà thờ Bác Hồ, thác Sơn Nguyên, thủy điện Sông Ba Hạ, khu bảo tồn thiên nhiên Krông Trai, hồ Suối Bùn, cao nguyên Vân Hòa…
Huyện Sơn Hòa luôn phát huy ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo; phát huy tiềm năng lợi thế, chủ động, tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học vào phát triển cây trồng, vật nuôi, tạo ra lượng hàng hóa có giá trị kinh tế cao, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực, đúng định hướng. |
TÔ PHƯƠNG BẮC
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện