Thứ Sáu, 27/09/2024 20:27 CH
Nỗ lực phát triển làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp
Thứ Hai, 09/09/2019 06:30 SA

Nhiều sản phẩm của các làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp được hỗ trợ trưng bày, tiêu thụ sản phẩm tại các cửa hàng đặc sản phục vụ du lịch. Ảnh: NGÔ XUÂN

Thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách nhằm củng cố, khôi phục và phát triển nghề, làng nghề truyền thống. Những chính sách này là cơ sở để các làng nghề phát huy tiềm năng, thế mạnh.

 

Khôi phục và phát triển làng nghề

 

Theo quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Phú Yên đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 29 làng nghề hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) và sản xuất nông nghiệp. Đến nay có 17/29 nơi sản xuất tập trung trên địa bàn tỉnh được UBND tỉnh công nhận làng nghề.

 

Trong thời gian tới, ngành Công thương định hướng phát triển các làng nghề CN-TTCN theo hướng đa dạng hóa sản phẩm; chú trọng phát triển những sản phẩm có chất lượng cao, mang tính truyền thống, đặc trưng của làng nghề, địa phương.

Đặc điểm chung của các làng nghề này là sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, không có điều kiện đầu tư đổi mới công nghệ. Sản phẩm sản xuất ra không đồng nhất về chất lượng; thị trường tiêu thụ hạn chế và chưa có sản phẩm xuất khẩu. Thêm vào đó, kết cấu hạ tầng nông thôn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Lao động của các làng nghề chủ yếu là người lớn tuổi, nên việc ứng dụng công nghệ mới còn rất hạn chế, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng, giá thành và tính cạnh tranh của sản phẩm.

 

Trước thực trạng trên, Sở Công thương đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ nhằm khôi phục và phát triển các cơ sở làng nghề CN-TTCN. Cụ thể, thông qua hoạt động khuyến công, Sở Công thương hỗ trợ các làng nghề xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất; tư vấn, thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm; đào tạo nghề, tham quan, học tập kinh nghiệm, du nhập nghề mới; bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, hội chợ triển lãm…

 

Nhờ vậy, một số làng nghề đã được khôi phục và ngày càng phát triển ổn định. Một số làng nghề cũng du nhập và phát triển thêm một số nghề mới như sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ cọng lá dừa, vỏ gáo dừa, gỗ mỹ nghệ, chế biến hải sản… Hoạt động của các làng nghề CN-TTCN góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn; tạo việc làm cho lao động nông nhàn, với thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/người/tháng.

 

Tiêu biểu, tại các làng nghề bánh tráng Hòa Đa, bánh tráng Đông Bình, chiếu cói Phú Tân, bún Định Thành, rượu Quán Đế, các cơ sở được hỗ trợ mua máy móc phục vụ hoạt động sản xuất. Việc đầu tư nhãn mác, bao bì sản phẩm cũng như xây dựng thương hiệu cũng được quan tâm hơn. Nhờ vậy, sản phẩm của làng nghề ngày càng được nâng cao về chất lượng và đa dạng về mẫu mã.

 

Chị Nguyễn Thị Phương, chủ một cơ sở dệt chiếu tại làng nghề chiếu cói Phú Tân, huyện Tuy An, cho hay: Trước đây, làng nghề chiếu cói gặp rất nhiều khó khăn về đầu ra khiến nhiều gia đình phải bỏ nghề dệt chiếu. Sau đó, địa phương đã định hướng, hỗ trợ gia đình tôi đầu tư máy dệt chiếu để nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm làng nghề. Đến nay, làng nghề đã có 5 hộ đầu tư máy dệt chiếu cùng nhiều loại máy móc phụ trợ khác. Nhờ vậy, làng nghề hoạt động ngày càng ổn định, bền vững hơn.

 

Nhờ được đầu tư máy móc hiện đại, các làng nghề CN-TTCN đang ngày càng phát triển ổn định hơn. Ảnh: NGÔ XUÂN

 

Hiện đại hóa làng nghề

 

Theo Sở Công thương, trong thời gian tới, ngành Công thương định hướng phát triển các làng nghề CN-TTCN theo hướng đa dạng hóa sản phẩm; chú trọng phát triển những sản phẩm có chất lượng cao, mang tính truyền thống, đặc trưng của làng nghề, địa phương. Để làm được điều đó, sở sẽ quan tâm, tạo điều kiện cho các cơ sở mở rộng sản xuất, đảm bảo vệ sinh môi trường; xác định những làng nghề, ngành nghề có ưu thế và triển vọng phát triển để lựa chọn hỗ trợ đầu tư thích hợp. Ngoài ra, đơn vị cũng định hướng hỗ trợ phát triển làng nghề theo hướng gắn kết sản xuất - tiêu thụ theo chuỗi giá trị liên kết để đảm bảo phát triển hiệu quả, bền vững.

 

Theo ông Võ Đình Hạnh, Phó Giám đốc Sở Công thương, sở sẽ khuyến khích các cơ sở, làng nghề sản xuất CN-TTCN tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất; ưu tiên cho các lĩnh vực bảo quản, chế biến nông lâm, thủy hải sản, hàng thủ công mỹ nghệ và các ngành nghề chủ lực có thế mạnh của tỉnh.

 

Trong đó, các cơ sở cần chú trọng lựa chọn công nghệ, quy trình giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, phát triển các làng nghề gắn với du lịch. Sở cũng đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị lữ hành phối hợp với các tỉnh bạn hình thành các tour du lịch làng nghề để tạo thị trường tiêu thụ tại chỗ và cũng là hướng để khôi phục và phát triển những làng nghề tại các địa phương có tiềm năng du lịch.

 

Bên cạnh đó, ngành Công thương cũng tích cực hỗ trợ các cơ sở xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại; tham gia các hội chợ quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm; liên kết thành lập các hợp tác xã hoặc các doanh nghiệp có uy tín để làm các dịch vụ phục vụ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm làng nghề.

 

NGÔ XUÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek