Dập dìu cùng nhịp trống đôi, cồng ba, chiêng năm là tiếng khung cửi dệt vải từ các buôn làng của người Chăm, Ba Na vọng ra tạo thành một bản hòa tấu đặc trưng của đồng bào miền núi. Về Xuân Lãnh hôm nay, không còn đường dốc đất đá và cái đói cái rét lẩn khuất trong từng ngôi nhà lưa thưa, thay vào đó là sự phồn thịnh của một trung tâm xã đô thị hóa cùng những buôn làng san sát, nhà xây kiên cố và đường giao thông nối buôn với xã và ra tận rẫy…
Năm nay là năm đáng nhớ nhất với So Minh Chuẩn, bởi anh đã thoát nghèo và có nhà mới khang trang. So Minh Chuẩn vui vẻ: Nhờ được hỗ trợ 40 triệu đồng, tôi phục hồi sản xuất, trồng 4ha keo, 2ha sắn. Tích lũy dần, tôi có của ăn của để, không còn đói nghèo, lại xây được nhà kiên cố. Trước chẳng dám nghĩ rồi mình có cuộc sống ấm no như hôm nay.
So Minh Chuẩn cũng như các hộ trong thôn Xí Thoại, cuộc sống ổn định hơn từ khi được định hướng phát triển sản xuất gắn với du lịch văn hóa. Qua buôn Da Dù, đời sống của đồng bào ở đây cũng thay đổi từng ngày. Mang Thị Út, Chi hội phó Hội LHPN buôn Da Dù, chia sẻ: Đồng bào giờ nhận thức thay đổi nhiều rồi, nhất là phụ nữ trong buôn. Chị em không sinh con thứ ba, không tảo hôn mà tập trung kinh tế cho con đi học; thực hiện khám sức khỏe định kỳ và quan tâm dọn vệ sinh từ trong nhà tới ngoài ngõ…
Ông Nguyễn Hữu Duy, Chủ tịch UBND xã Xuân Lãnh, cho biết: Bê tông giao thông nông thôn kéo tới 8/8 thôn, 100% hộ dân được sử dụng điện, tỉ lệ sử dụng nước sạch đạt 99%. 5 năm qua, cả xã xóa được 117 nhà tạm.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm giá trị nông nghiệp, tăng giá trị công nghiệp, dịch vụ (cơ cấu kinh tế nông nghiệp giảm từ 65% xuống còn 45%). Nông nghiệp từ sản xuất tự cung tự cấp sang hàng hóa có chất lượng, từng bước gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, mang lại giá trị kinh tế cao.
Hoạt động dịch vụ ngoài buôn bán nhỏ, du lịch văn hóa thì vận tải phát triển mạnh với 39 chiếc xe khách, xe tải, tăng 18 chiếc so với năm 2015, đảm bảo nhu cầu đi lại và vận chuyển nông sản của người dân. Tổng thu ngân sách xã từ năm 2014 đến nay trên 12 tỉ đồng, tăng 60% so với giai đoạn trước.
Ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, cho biết: 5 năm qua, xã Xuân Lãnh được đầu tư vốn từ các chương trình 135, 30a, nông thôn mới… Nhờ đó, hạ tầng cơ sở căn bản hoàn thiện với đường giao thông, nhà rông văn hóa, công trình nước, thủy lợi, trạm y tế…
Sản xuất được quan tâm đã giúp đồng bào ở đây chuyển dần từ tập quán canh tác cũ sang kỹ thuật tiên tiến cho năng suất, chất lượng cao. Từ đây, cuộc sống người dân ngày một ổn định, số hộ nghèo giảm rõ rệt, số hộ khá tăng với tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 64% (năm 2014) đến nay xuống còn 28,91%.
Xã Xuân Lãnh có 2.688 hộ với 1.082 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu dân tộc Chăm và Ba Na. Sản xuất ổn định trên diện tích 1.760ha, trong đó diện tích trồng lúa nước 196ha, mía 1.000ha, sắn từ 450-550ha. Về chăn nuôi, hiện đàn bò có 2.500 con, bò lai chiếm 60% tổng đàn, đàn heo 2.000 con, gia cầm 25.000 con. Trồng trọt và chăn nuôi vẫn đang mang lại nguồn thu nhập chính cho đồng bào dân tộc thiểu số ở đây.
Nguyễn Hữu Duy, Chủ tịch UBND xã Xuân Lãnh |
BẠCH VÂN