Chủ Nhật, 29/09/2024 20:31 CH
Gian nan vận động hộ kinh doanh lên doanh nghiệp:
Kỳ 1: 1001 lý do từ chối lên doanh nghiệp
Thứ Năm, 01/08/2019 11:00 SA

Ông Nguyễn Hữu Bách nêu lên những khó khăn khi chuyển từ hộ lên doanh nghiệp - Ảnh: VIỆT AN

Chuyển đổi hộ kinh doanh sang hoạt động theo loại hình doanh nghiệp là một chủ trương lớn không chỉ ở Phú Yên mà còn trên toàn quốc nhằm thực hiện mục tiêu phát triển doanh nghiệp cả về số lượng lẫn chất lượng theo Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên thời gian qua, việc vận động các hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh chuyển đổi lên doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

 

Sau 1 năm thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về chuyển đổi hộ kinh doanh sang hoạt động theo loại hình doanh nghiệp, mặc dù ngành Thuế cùng các địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động nhưng kết quả đạt được rất thấp.

 

Lý do các hộ kinh doanh đưa ra là chỉ hoạt động với quy mô nhỏ, không có nhu cầu lên doanh nghiệp, ngại thanh tra, kiểm tra, tăng chi phí thuê kế toán...

 

Thêm chi phí, kinh doanh không hiệu quả

 

Từ kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi theo mô hình hộ, năm 2011, gia đình ông Nguyễn Hữu Bách thành lập Công ty TNHH Bách Lan để hoạt động với quy mô lớn hơn. Tuy nhiên, hiện nay, ông Bách cho hay gia đình ông đã quay lại là hộ kinh doanh Bách Lan (phường 5, TP Tuy Hòa). Bởi theo ông Bách, khi hoạt động theo loại hình doanh nghiệp phải chịu rất nhiều chi phí, dẫn đến việc khó cạnh tranh.

 

Điển hình như đối với các đơn vị bán thức ăn chăn nuôi, nếu là hộ kinh doanh nhỏ lẻ, lấy công làm lời thì có thể bán một sản phẩm lãi 100 đồng/kg; nhưng nếu là doanh nghiệp lớn, để lãi được mức đó, giá bán phải cao hơn vì còn tốn chi phí vận chuyển, nhân công, và nhiều chi phí khác. Chưa kể, với các tập đoàn lớn, từ khâu nhập nguyên liệu về sản xuất thức ăn chăn nuôi, đưa vào nuôi, giết mổ, đến chế biến thức ăn thành phẩm chỉ đóng một loại phí. Còn với các đơn vị kinh doanh trong nước tham gia vào từng khâu, thì làm khâu nào đóng thuế khâu đó, khiến chi phí tăng lên.

 

“Khác với hộ kinh doanh, lên doanh nghiệp bắt buộc phải thuê kế toán. Đây cũng là một khoản chi phí mà nếu không tính toán kỹ, không có phương án kinh doanh hiệu quả để có lời thì sẽ trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay, chỉ cần gánh thêm một loại chi phí, doanh nghiệp sẽ càng khó khăn”, ông Bách nói.

 

Cũng từng từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp rồi lại xuống hộ, bà N.T.H.T, chủ hộ kinh doanh H.T ở phường Xuân Yên, TX Sông Cầu cho rằng khi lên doanh nghiệp phải thuê kế toán ghi hóa đơn đầu vào đầu ra, báo cáo các loại sổ sách khác nhau… nhưng lợi ích mang lại chẳng bao nhiêu. Trong khi, nếu chỉ là hộ kinh doanh sẽ không tốn chi phí và không cần làm những thủ tục, quy trình phức tạp như vậy.

 

Lớn tuổi, thiếu kiến thức, kỹ năng quản trị

 

Chưa thử lên doanh nghiệp nhưng ông Vũ Đình Tuân, chủ hộ kinh doanh điện máy Ngọc Tuân (phường 3, TP Tuy Hòa) cho biết lý do ông ngại lên doanh nghiệp vì không có chuyên môn, không rành sổ sách kế toán. “Tôi có thể thuê 3 kế toán một lúc để họ làm việc cho đơn vị nhưng tôi yêu cầu kế toán phải chịu trách nhiệm về công việc của mình thì họ không đồng ý. Trong khi kế toán làm đúng hay sai tôi không biết nên không kiểm soát được. Vì vậy, tôi đành chấp nhận nộp thuế khoán hàng tháng, khi xuất hóa đơn thì tiếp tục nộp thuế trên hóa đơn. Chi phí có thể nặng hơn các đơn vị khác một chút nhưng mình nhẹ đầu”, ông Tuân nói.

 

Còn bà Phạm Thị Huê, chủ hộ kinh doanh văn phòng phẩm Vạn Kim (phường 4, TP Tuy Hòa), dù nhiều lần được cán bộ thuế vận động chuyển đổi hoạt động sang loại hình doanh nghiệp nhưng bà vẫn từ chối. Bởi theo bà Huê, bà chỉ buôn bán nhỏ lẻ và đã lớn tuổi, con cái lại ở xa, không có người kế thừa việc kinh doanh nên không thể lên doanh nghiệp.

 

Trong khi đó, một trong những lý do “trói chân” hộ kinh doanh khiến họ khó có thể lên doanh nghiệp là quy định chồng chéo về mặt quản lý. Ông Nguyễn Công Hoan, chủ nhà thuốc Ngọc Ái (TP Tuy Hòa) cho hay: Bên ngành Y tế chỉ có công ty dược, nhà thuốc, quầy thuốc. Theo quy định của Bộ Y tế, nhà thuốc phải bán thuốc theo đơn nhưng thu nhập bình quân đầu người hiện nay của người dân trên địa bàn tỉnh còn thấp nên thực tế chưa thể làm được điều này. Nếu bán lẻ và xuất hóa đơn cuối ngày như các doanh nghiệp khác thì nhà thuốc làm sai quy định. Thêm nữa, nhà thuốc là do dược sĩ đứng tên, tôi là chủ nhà thuốc nhưng không thể đứng tên. Nếu nhà thuốc lên doanh nghiệp, thật tình, tôi cũng không biết phải làm sao.

 

Ngại thanh tra, kiểm tra

 

Theo ông Ngô Đa Thọ, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Phú Yên, hiện nay, tỉnh đang tuyên truyền, vận động hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp. Nhưng qua khảo sát, hầu hết hộ kinh doanh có tâm lý không muốn lên doanh nghiệp. Bởi các hộ cá thể ở tỉnh chủ yếu buôn bán nhỏ lẻ, theo tính chất gia đình nên không có kỹ năng quản lý cũng như nghiệp vụ chuyên môn. Trong khi đó, lên doanh nghiệp thì phải kê khai, viết hóa đơn, chứng từ..., bộ máy và nhân lực của họ không đáp ứng được. Chưa kể, lên doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với việc bị thanh tra, kiểm tra, họ rất ngại.

 

Đồng tình với ý kiến trên, bà N.T.Đ, chủ hộ kinh doanh C.Đ (phường 1, TP Tuy Hòa) cho rằng nộp thuế khoán năm sau cao hơn năm trước nhưng nộp xong rồi thôi, yên tâm làm ăn. Còn lên doanh nghiệp, bị thanh tra, kiểm tra thì rất phiền.

 

Toàn tỉnh hiện có khoảng 10.000 hộ kinh doanh thuộc diện nộp thuế. Thực hiện Kế hoạch 102/KH-UBND ngày 2/5/2018 của UBND tỉnh về chuyển đổi hộ kinh doanh sang hoạt động theo loại hình doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, Cục Thuế Phú Yên đã giao chỉ tiêu cụ thể cho từng chi cục thuế với tổng số doanh nghiệp được chuyển đổi từ hộ đến năm 2020 là 1.030 doanh nghiệp. Tuy nhiên, sau 1 năm thực hiện, toàn tỉnh chỉ có 115 doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh, trong đó có 95 doanh nghiệp ở TP Tuy Hòa, đạt 11,2% kế hoạch đề ra đến năm 2020.

 

Được biết, khi gặp áp lực phải chuyển đổi, nhiều hộ kinh doanh đối phó bằng cách thành lập doanh nghiệp mới song song với hộ kinh doanh. Mọi chi phí hoạt động kinh doanh đều đưa vào doanh nghiệp, còn nguồn thu chuyển sang hạch toán cho hộ. Tuy nhiên, theo ông Công Văn Lãnh, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Thuế Phú Yên thì khi thành lập doanh nghiệp nhưng vẫn giữ mô hình hộ kinh doanh hoạt động song song thì xem như là doanh nghiệp thành lập mới; và các doanh nghiệp này không được xem là chuyển đổi từ hộ.

 

Kỳ 2: Tìm lời giải cho “bài toán” khó

 

ÔNG NGÔ ĐA THỌ, CHỦ TỊCH HỘI DOANH NGHIỆP PHÚ YÊN: Phải giúp hộ kinh doanh thấy được lợi ích khi lên doanh nghiệp

 

Từ khi có chủ trương của tỉnh cũng như kế hoạch của Cục Thuế Phú Yên, chúng tôi đã ba lần tổ chức hội nghị tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh trên địa bàn chuyển đổi sang hoạt động theo loại hình doanh nghiệp nhưng kết quả chỉ có 1 doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ. Trong khi chỉ tiêu đơn vị được giao là 128 doanh nghiệp. Đây thực sự là một “bài toán” khó đối với chi cục.

 

ÔNG TRẦN DUY HỌC, CHI CỤC TRƯỞNG CHI CỤC THUẾ HUYỆN TÂY HÒA: Ba lần tuyên truyền, chỉ một hộ chuyển đổi

 

Để việc tuyên truyền, vận động hộ kinh doanh chuyển đổi sang hoạt động theo loại hình doanh nghiệp đạt được hiệu quả như mong muốn, theo tôi, trước hết, Cục Thuế tỉnh cũng như các sở, ngành, địa phương liên quan phải tích cực tư vấn cho hộ kinh doanh những thủ tục hành chính khi chuyển đổi lên doanh nghiệp để họ thấy đó là việc bình thường, nhẹ nhàng. Cơ quan chức năng phải chỉ cho họ thấy khi lên doanh nghiệp thì được lợi gì, không lên thì mất gì để họ cân nhắc. Và khi họ nhận thấy lợi ích nhiều hơn, họ sẽ sẵn sàng chuyển đổi.

 

VIỆT AN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek