Chủ Nhật, 29/09/2024 20:27 CH
Kê khai, đăng ký đất đai bắt buộc: Huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc
Thứ Năm, 01/08/2019 09:39 SA

Cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai (Sở TN-MT) đang giải quyết các hồ sơ để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất - Ảnh: ANH NGỌC

Qua 1 năm triển khai, việc kê khai, đăng ký đất đai bắt buộc trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng tiến độ còn rất chậm so với kế hoạch. Để đến cuối năm 2019 hoàn thành công tác này, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc.

 

Tỉ lệ rất thấp

 

Theo Sở TN-MT, sau 1 năm triển khai, công tác kê khai, đăng ký đất đai bắt buộc đối với người sử dụng đất và người được giao đất để quản lý trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng tiến độ còn rất chậm so với kế hoạch.

 

Ông Nguyễn Vũ Thụy, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai(Sở TN-MT), cho biết: Tính đến ngày 30/6/2019, tổng số đơn phát ra để kê khai, đăng ký trên địa bàn tỉnh là hơn 75.475 đơn; người sử dụng đất đã kê khai, nộp lại khoảng 68.975 hồ sơ. Trong đó, UBND cấp xã đã kiểm tra, họp xét và chuyển hơn 1.660 hồ sơ đến chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện; chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện đã giải quyết và tham mưu cấp giấy chứng nhận cho hơn 1.220 hồ sơ (chỉ đạt 3,05% so với kế hoạch và đạt 1,16% so với số thửa đất thực tế cần kê khai).

 

Ông Lê Ngọc Hải, Trưởng Phòng TN-MT huyện Sông Hinh, cho biết: Theo kế hoạch năm 2019, huyện sẽ triển khai công tác kê khai, đăng ký với khoảng 10.000 hồ sơ và cấp khoảng 7.500 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Trong 6 tháng đầu năm 2019, địa phương đã thực hiện được khoảng 25% kế hoạch. Trong quá trình triển khai, địa phương gặp phải một số vướng mắc, như số lượng thửa đất đã đo đạc địa chính có sự biến động rất nhiều, trong đó biến động lớn nhất là đất lâm nghiệp.

 

Các sở, ngành liên quan và địa phương khẩn trương khắc phục những khó khăn, tồn tại và huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để thực hiện xong việc kê khai, đăng ký, cấp GCNQSDĐ đối với các thửa đất đủ điều kiện trong năm 2019. 

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Chí Hiến

 

Theo quy định, khi đã đo đạc địa chính lần đầu, nếu có biến động thì người dân phải chịu kinh phí để đo đạc, chỉnh lý biến động, nhưng nhiều hộ dân không có điều kiện nên công tác kê khai, đăng ký, cấp GCNQSDĐ gặp khó khăn. Về dữ liệu đất đai, huyện Sông Hinh đang gặp khó khăn và chưa có giải pháp hiệu quả để rà soát lại các thửa đất đã được cấp và chưa cấp giấy chứng nhận. Một khó khăn khác là thiếu công chức địa chính cấp xã, mặc dù huyện có hỗ trợ kinh phí, yêu cầu làm thêm ngoài giờ nhưng cũng không giải quyết hết công việc.

 

Nếu so với nguồn nhân lực hiện nay thì mỗi năm huyện chỉ cấp được khoảng 3.000 GCNQSDĐ, nhưng nhờ làm thêm ngoài giờ mà thời gian qua, huyện đã cấp khoảng 7.500 GCNQSDĐ mỗi năm. Ngoài ra, các vướng mắc trong lĩnh vực đất đai vô cùng phức tạp, nhiều hồ sơ, vụ việc cần có sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh nhưng vẫn không thể giải quyết nếu không có cơ chế phù hợp để tháo gỡ.

 

Theo ông Phan Thế Lựu, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng TN-MT huyện Sơn Hòa, sau khi có kế hoạch của tỉnh, địa phương đã thành lập ban chỉ đạo, tổ công tác và quyết liệt triển khai việc kê khai, đăng ký đất đai bắt buộc đối với người sử dụng đất và người được giao đất trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, kết quả đến nay đạt rất thấp, gần 24% kế hoạch.

 

Ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa cho biết: Trong nhiều khó khăn mà huyện Sơn Hòa đang gặp phải trong việc kê khai, đăng ký đất đai bắt buộc thì có hai khó khăn lớn nhất, đó là sự biến động rất lớn về số thửa đất so với bản đồ địa chính trước đây và việc xác định ranh giới đất lâm nghiệp. Dự án đo đạc tổng thể năm 2012 trước đây do Sở TN-MT thực hiện cũng chủ yếu đo chỉnh lý, đến nay đã có sự biến động rất lớn, số thửa đất trên địa bàn huyện cũng tăng nhiều so với trước đây. Hiện nay, Sơn Hòa có trên 2.000 hồ sơ đăng ký đất đai bị vướng mà huyện đã xin ý kiến Sở TN-MT để có hướng giải quyết, trong đó có nhiều hồ sơ rất phức tạp. Một vấn đề khác là đến nay nhiều chủ rừng vẫn chưa đo đạc, triển khai cắm mốc sau kết quả rà soát 3 loại rừng năm 2017.

 

Phải hoàn thành trong năm nay

 

Theo UBND tỉnh, việc tổ chức kê khai, đăng ký đất đai bắt buộc nhằm tăng cường quản lý đất đai, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất; tạo điều kiện để cơ quan nhà nước cập nhật, hoàn chỉnh hồ sơ địa chính, góp phần phát huy quyền của người sử dụng đất, hạn chế tranh chấp, khiếu nại, lấn chiếm đất đai; chấn chỉnh công tác kiểm soát thủ tục hành chính và cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.

 

Ông Nguyễn Duy Dương, Giám đốc Sở TN-MT, cho biết: Theo kết quả thống kê đất đai năm 2016 của Bộ TN-MT, tổng số thửa, diện tích các loại đất phải thực hiện kê khai, đăng ký đất đai bắt buộc trên địa bàn tỉnh là khoảng 592.665 thửa, với diện tích hơn 445.080ha. Đến ngày 30/4/2018, toàn tỉnh đã cấp 552.580 GCNQSDĐ, với diện tích hơn 360.841ha, số thửa và diện tích còn lại phải tiếp tục kê khai, đăng ký đất đai bắt buộc là 40.084 thửa với diện tích khoảng 84.238ha.

 

Tuy nhiên, qua 1 năm, đa số địa phương chỉ mới thực hiện công đoạn hướng dẫn người sử dụng đất kê khai đăng ký. Việc luân chuyển hồ sơ, kết quả kê khai đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận của các huyện rất thấp và chưa đạt kế hoạch đề ra…

 

Ông Lê Ngọc Hải kiến nghị: UBND tỉnh nên dành một khoản kinh phí cho việc quản lý đất đai; trong đó có kinh phí để đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính, tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai ở từng địa phương. UBND tỉnh cần chỉ đạo các sở, ngành rà soát, bổ sung một số thủ tục hành chính nhằm đi đến thống nhất để áp dụng chung trên địa bàn toàn tỉnh. Sở TN-MT cũng cần tăng cường hỗ trợ cho các địa phương, thường xuyên mở các lớp tập huấn về lĩnh vực đất đai để nâng cao trình độ của cán bộ địa chính ở cơ sở.

 

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Chí Hiến yêu cầu các địa phương chủ động rà soát, khắc phục những khó khăn, tồn tại để đến cuối năm 2019 hoàn thành công tác kê khai đăng ký, cấp GCNQSDĐ đối với các thửa đất đủ điều kiện cần cấp giấy chứng nhận.

 

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh yêu cầu Sở Nội vụ rà soát, bổ sung biên chế hoặc có giải pháp tăng cường nguồn nhân lực ở cơ sở để hoàn thành kế hoạch kê khai, đăng ký đất đai bắt buộc mà UBND tỉnh đã đề ra; Sở TN-MT tăng cường hỗ trợ các địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ cơ sở. Các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về quyền lợi và nghĩa vụ kê khai đất đai bắt buộc.

 

ANH NGỌC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek