Thứ Hai, 30/09/2024 02:34 SA
Tăng vị thế cho sản phẩm địa phương
Thứ Hai, 29/07/2019 13:00 CH

UBND tỉnh đang tiến hành xây dựng nhãn hiệu chứng nhận tiêu Sơn Thành để tăng giá trị cho sản phẩm địa phương. Ảnh: THÁI HÀ

Ông Nguyễn Minh Đức, chuyên viên văn phòng đại diện Cục SHTT (Bộ KH-CN) tại Đà Nẵng cho biết như vậy tại chương trình tập huấn “Đăng ký, quản lý và phát triển SHTT cho các sản phẩm địa phương” do Sở KH-CN Phú Yên phối hợp với Cục SHTT tổ chức ở TP Tuy Hòa mới đây.

 

Bảo hộ SHTT để hội nhập

 

Tại chương trình tập huấn nói trên, các chuyên gia đã cung cấp cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh những thông tin cụ thể về việc đăng ký, xác lập quyền, xây dựng quy chế và quản lý sử dụng đối với nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý; qua đó giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của bảo hộ quyền SHTT đối với các sản phẩm.

 

Theo các chuyên gia Cục SHTT, đối với các sản phẩm địa phương, quyền SHTT có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội và đang dần trở thành mối quan tâm chung của người dân, tổ chức và các cơ quan quản lý nhà nước. Bởi, bảo hộ quyền SHTT đối với các sản phẩm địa phương chính là khẳng định sự thành công của thương hiệu, hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn, phát triển ngành nghề truyền thống và các dịch vụ du lịch vùng; tạo công ăn việc làm cho người dân; góp phần gìn giữ giá trị văn hóa, truyền thống.

 

Dẫn chứng về giá trị của việc có nhãn hiệu và không có nhãn hiệu, ông Đức nói: Cũng mớ rau nhưng ở chợ bán 5.000 đồng còn ở siêu thị bán 30.000 đồng vẫn có người mua. Vì sao? Vì rau ở siêu thị có nguồn gốc, xuất xứ, nhãn hiệu rõ ràng và tạo được niềm tin cho người tiêu dùng; còn rau ở chợ thì không có những điều đó. Trong thời điểm vấn đề an toàn thực phẩm là sự quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng thì chỉ những sản phẩm có nhãn hiệu rõ ràng, chất lượng đảm bảo, mẫu mã bắt mắt mới có thể xây dựng được thương hiệu trong lòng người sử dụng.

 

Chia sẻ về lợi ích từ việc bảo hộ SHTT mang lại, ông Phạm Văn Khải, chủ cơ sở nước mắm Tân Lập (TX Sông Cầu), nói: “Khi chưa được bảo hộ quyền SHTT, có thời điểm những cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường; sản phẩm chủ yếu bán lẻ cho người địa phương và khách vãng lai. Hiện nay, nhờ đăng ký nhãn hiệu nên chúng tôi thuận lợi trong việc giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường. Hiện, nước mắm Tân Lập đã có đại lý hầu khắp cả nước, sản phẩm bán ra nhiều hơn, doanh thu cao hơn”.

 

Đẩy mạnh xây dựng nhãn hiệu

 

Thực tế cho thấy, các sản phẩm sau khi có thương hiệu, giá bán thường tăng từ 15-20%; thị trường được mở rộng, thuận lợi cho việc tiếp thị cũng như cung ứng các sản phẩm cho các siêu thị, trung tâm thương mại trong và ngoài tỉnh. Chính vì vậy, bảo hộ quyền SHTT đối với sản phẩm địa phương là điều kiện tiên quyết để sản phẩm trụ vững trên thị trường và mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.

 

Bảo hộ quyền SHTT đối với sản phẩm địa phương là điều kiện tiên quyết để sản phẩm trụ vững trên thị trường và mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.

 

Song, theo bà Lâm Vũ Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở KH-CN Phú Yên, việc quản lý và phát triển sản phẩm địa phương hiện nay còn nhiều khó khăn, hạn chế. Bởi, không phải doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nào cũng quan tâm đến việc xây dựng, quản lý và phát triển quyền SHTT cho sản phẩm. Một phần của những hạn chế này xuất phát từ năng lực tài chính, năng lực quản lý của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Kế đó là do quy mô sản xuất nhỏ, nên nhiều đơn vị chưa chú trọng đến xây dựng thương hiệu và đăng ký quyền SHTT.

 

Theo ông Nguyễn Minh Đức, để thương hiệu đặc sản phát triển ổn định và bền vững, các tổ chức, cơ sở sản xuất đặc sản cần đầu tư và khai thác sản phẩm một cách hiệu quả. Trong đó, việc sử dụng nhãn hiệu cần phải để người tiêu dùng dễ nhận biết, dễ đọc, dễ nhớ, dễ truyền miệng, dễ phân biệt với sản phẩm khác trên thị trường. Muốn vậy, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đặc sản khi xây dựng logo cho sản phẩm phải mang dấu ấn riêng, đặc sắc. Song song với đó, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cần xây dựng quy chế quản lý, lựa chọn phương pháp và quy trình sản xuất bảo đảm chất lượng, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, quản lý để nâng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

 

Bà Lâm Vũ Mỹ Hạnh cho biết thêm, thời gian qua, Sở KH-CN luôn tăng cường hỗ trợ các cá nhân, tổ chức có nhu cầu lập thủ tục hồ sơ xác lập quyền bảo hộ SHTT đối với đặc sản địa phương. Đến nay, Phú Yên đã có 11 sản phẩm địa phương được đăng ký quyền SHTT gồm 1 chỉ dẫn địa lý, 1 nhãn hiệu chứng nhận và 9 nhãn hiệu tập thể. Hiện Phú Yên được Cục SHTT hỗ trợ xây dựng và đăng ký chỉ dẫn địa lý cho tôm hùm và tỉnh đang xây dựng nhãn hiệu cho hai sản phẩm là bò một nắng và tiêu Sơn Thành.

 

Dù gặp khá nhiều khó khăn trong việc xây dựng quyền SHTT cho sản phẩm địa phương nhưng bước đầu cho thấy nhận thức của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đã có chuyển biến tích cực, một số mô hình quản lý nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý cũng đã được hình thành.

 

Trong bối cảnh lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường ngày càng lớn, mức độ cạnh tranh cao thì chỉ những sản phẩm tạo được niềm tin cho người tiêu dùng mới có chỗ đứng trên thị trường. Mà muốn tạo được niềm tin thì điều kiện tiên quyết là sản phẩm phải được gắn với quyền sở hữu trí tuệ (SHTT). 

 

THÁI HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek