Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn Châu Phi (tả Châu Phi) đang bùng phát tại Trung Quốc và có nguy cơ cao lây nhiễm vào Việt Nam, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu các bộ, ngành liên quan, các tỉnh, thành phố tập trung triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm này. Báo Phú Yên trao đổi với ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y xung quanh việc phòng ngừa tả Châu Phi. Ông Lâm cho biết:
Ông Nguyễn Văn Lâm |
- Tả Châu Phi là bệnh truyền nhiễm do vi rút gây ra. Bản chất của vi rút gây bệnh này không tự lây lan, phát tán nhanh như các vi rút gây bệnh lở mồm long móng, lợn tai xanh hay dịch tả lợn thông thường. Hiện nay, tả Châu Phi lây lan chủ yếu do việc vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn bệnh, nghi mắc bệnh tả Châu Phi từ nơi này sang nơi khác. Loại vi rút gây bệnh này có tỉ lệ làm lợn chết rất cao nhưng hiện nay thế giới chưa có vắc xin, thuốc điều trị nên tả Châu Phi được xem là loại bệnh vô cùng nguy hiểm, nếu xảy ra sẽ gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế.
* Tả Châu Phi là loại bệnh mới nên hầu hết người dân còn thiếu kiến thức, kinh nghiệm.Vậy đâu là những dấu hiệu để có thể nhận biết lợn đang nhiễm bệnh tả Châu Phi?
- Lợn khi nhiễm bệnh tả Châu Phi sẽ phát ra ở 4 thể: Thể quá cấp tính lợn sẽ chết rất nhanh mà không có triệu chứng gì hoặc trước khi chết lợn nằm một chỗ, sốt cao. Ở thể cấp tính, lợn sốt từ 40-42oC, ủ rũ, nằm chồng đống chỗ có bóng mát và gần nước.
Ngoài ra, lợn còn có biểu hiện đau vùng bụng, lưng cong, một số vùng như vành tai, đuôi, cẳng chân, vùng dưới ngực, bụng da chuyển đỏ. Trước khi chết 1-2 ngày lợn thở gấp, đi không vững, ói, tiêu chảy... Ở thể này lợn sẽ chết trong vòng 6-20 ngày từ khi nhiễm vi rút. Thể á cấp tính thì lợn bị sốt nhẹ, lúc tăng, lúc giảm, sụt cân, khó thở do viêm phổi, di chuyển khó khăn do viêm khớp.
Các dấu hiệu này kéo dài từ 5-30 ngày. Khi bị nhiễm bệnh ở thể này tỉ lệ chết từ 30-70%. Riêng ở thể mãn tính lợn có nhiều triệu chứng khác nhau như giảm cân, sốt không ổn định, có triệu chứng hô hấp, hoại tử da, viêm loét da mãn tính, viêm khớp, viêm cơ tim, viêm phổi dính sườn, viêm các khớp khác nhau trong giai đoạn phát triển.
Triệu chứng bệnh kéo dài 2-15 tháng, có tỉ lệ tử vong thấp, lợn khỏi bệnh sau khi nhiễm vi rút gây nên bệnh sẽ trở thành dạng mãn tính. Tuy nhiên hầu hết các triệu chứng bệnh ở lợn nhiễm tả Châu Phi hầu như không khác biệt so với triệu chứng của bệnh dịch tả lợn thông thường. Do đó, việc chẩn đoán lâm sàng rất khó xác định, biện pháp hữu hiệu là lấy mẫu xét nghiệm để phát hiện vi rút tả Châu Phi.
Người chăn nuôi cần thận trọng khi chọn mua lợn giống trong thời điểm hiện nay - Ảnh: THỦY TIÊN |
* Để phòng ngừa dịch bệnh nguy hiểm này, hiện nay, các cơ quan chức năng đã làm gì, thưa ông?
- Mặc dù chưa xuất hiện tại Việt Nam, nhưng hiện nay theo báo cáo của Cục Thú y, tả Châu Phi xảy ra tại Trung Quốc từ tháng 8 đến nay đã có 20 ổ dịch xuất hiện ở 6 tỉnh, phải tiêu hủy hơn 50.000 con lợn và bệnh tả Châu Phi có nguy cơ cao xâm nhiễm vào Việt Nam.
Tại Phú Yên, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan chủ động triển khai các biện pháp ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh tả Châu Phi. Hiện nay, Sở NN-PTNT chủ động phối hợp cùng các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị, thành phố tăng cường công tác chống buôn lậu lợn. Tuyệt đối không cho phép buôn bán, vận chuyển lợn và sản phẩm của lợn bất hợp pháp, không rõ nguồn gốc ra vào địa bàn tỉnh.
Ngành Thú y tập trung kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y; tăng cường theo dõi, giám sát đàn lợn trên địa bàn để kịp thời phát hiện các trường hợp mua bán lợn trái phép và phát hiện bệnh để xử lý kịp thời. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã cấp 5.000 lít thuốc tiêu độc, sát trùng môi trường. Ngành Thú y đang phối hợp cùng các địa phương tổ chức cấp phát, phun tiêu độc, hạn chế mầm bệnh phát sinh, lây lan trong môi trường.
* Người dân cần phải làm gì để chung tay ngăn chặn hiệu quả bệnh tả Châu Phi?
- Bệnh tả Châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, gây thiệt hại lớn. Đặc biệt, vi rút gây bệnh tả Châu Phi có sức đề kháng cao trong môi trường, vật nuôi nhiễm bệnh sau khi khỏi triệu chứng lâm sàng vẫn có khả năng mang vi rút trong thời gian dài nên có thể trở thành vật chủ mang mầm bệnh suốt đời. Do vậy, nếu để xảy ra bệnh sẽ rất khó để loại trừ mầm bệnh. Hiện nay, bệnh này chưa có vắc xin và thuốc điều trị nên giải pháp phòng bệnh là chính.
Vì vậy, người dân đừng vì lợi ích nhỏ, trước mắt mà quên đi thiệt hại lâu dài. Người dân tuyệt đối không nhập lợn, các sản phẩm lợn từ vùng dịch hoặc các nơi khác mà chưa qua kiểm dịch; khi chọn mua con giống nên mua tại các cơ sở giống uy tín và thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm phòng các loại vắc xin và cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho đàn lợn để nâng cao sức đề kháng của vật nuôi. Trong trường hợp phát hiện lợn nghi nhiễm tả Châu Phi cần báo ngay cho cơ quan thú y, chính quyền địa phương gần nhất để được xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan.
* Xin cảm ơn ông!
THỦY TIÊN