Chính phủ vừa ban hành Nghị định 116/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Theo đó, tổ chức tín dụng cho vay không có tài sản đảm bảo ở mức tối đa 100 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và chủ trang trại cư trú ngoài khu vực nông thôn có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, tăng 50 triệu đồng so với quy định cũ (trừ trường hợp cá nhân, hộ gia đình đầu tư trồng cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm); tối đa 200 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn, tăng 100 triệu đồng so với quy định cũ.
Nghị định 116 cũng quy định tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm đối với khách hàng có dự án, phương án sản xuất kinh doanh trong khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với mức tối đa bằng 70% giá trị của dự án, phương án. Tổ chức tín dụng được nhận tài sản hình thành từ vốn vay của dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp và các tài sản khác làm tài sản bảo đảm...
Tại Phú Yên, việc cho vay phát triển nông nghiệp và nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP được các tổ chức tín dụng thực hiện khá tốt. Dư nợ cho vay lĩnh vực này đến nay xấp xỉ 10.000 tỉ đồng, chiếm gần 50% tổng dư nợ của các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, hiện dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn chưa phát sinh.
LÊ HẢO