Trước đây, ở vùng miền núi của tỉnh, cây ăn trái chỉ được trồng rải rác trong các hộ dân nên dù có thu nhập nhưng hiệu quả kinh tế chưa cao. Cùng với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, cây ăn trái đang được các địa phương quan tâm theo hướng quy hoạch vùng trồng gắn với các nhà máy chế biến. Điều này giúp đa dạng cây trồng, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.
Tăng thu nhập
Từ nhiều năm nay, nói tới trái bơ, nhiều người nghĩ ngay tới bơ trồng ở Sông Hinh và bơ Sơn Thành (thuộc hai xã miền núi Sơn Thành Đông và Sơn Thành Tây của huyện Tây Hòa). Chị Nguyễn Thị Thanh Tâm ở phường 9 (TP Tuy Hòa), cho biết: Bơ trồng ở Sơn Thành hay bơ sáp Sông Hinh đều dẻo mịn lại dày cơm, ăn vừa thơm vừa ngon. Năm nào cũng vậy, tới mùa bơ, tôi phải đặt trước mới mua được vài chục ký về làm quà. Bơ Đắk Lắk, Gia Lai về nhiều lắm, giá cũng thấp hơn, nhưng chất lượng không bằng bơ các vùng trên ở Phú Yên được.
Đến thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh), mọi người không thể bỏ qua trái cam ruột vàng của anh Võ Minh Tuấn. Cây cam đã giúp gia đình anh Tuấn đổi đời. Theo anh Tuấn, trước đây anh chỉ trồng mía, sắn, thu nhập ở mức đủ ăn; từ năm 2011, chọn trồng cây cam, thu nhập bình quân của gia đình anh đạt 300 triệu đồng/năm, đời sống vì thế cũng thay đổi hẳn.
Hiện vợ chồng anh đã xây được nhà kiên cố với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt. Vườn cam hơn 2ha cũng được anh đầu tư bài bản với giàn tưới nước, khu ươm giống, vườn cam trái. Khách hàng ở nhiều nơi, đi qua thị trấn Hai Riêng cũng ghé nhà anh mua vài ký cam làm quà.
Riêng ở 3 xã miền núi phía bắc của huyện Sơn Hòa là xã Sơn Định, Sơn Long, Sơn Xuân, đặc sản “mắm thơm ba xã” lại gắn liền với trái thơm. Theo ông Nguyễn Thiện Thuật ở xã Sơn Long, trong vườn của các hộ dân quanh đây nhà nào cũng trồng thơm, ít cũng hai chục khóm, nhiều tới cả héc ta. Họ trồng thơm vừa để ăn trái tươi, vừa để làm mắm, vừa bán cho thương lái.
Đặc biệt, một hai năm gần đây, hình ảnh những vườn cây đỏ ở cao nguyên Vân Hòa được mọi người truyền tai nhau như một điểm du lịch nổi tiếng. Ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, cho biết: Địa phương bắt đầu quan tâm phát triển cây ăn trái song song với cây mía chủ lực.
Hàng năm, huyện Sơn Hòa trồng mới 10-20ha cây ăn trái các loại, tập trung vào một số cây ăn trái cho giá trị kinh tế cao như cam, bơ, dừa xiêm, chuối… Huyện chú trọng tới vùng 3 xã phía bắc với mục tiêu xây dựng nơi đây thành vùng cây ăn trái gắn với du lịch nghỉ dưỡng.
Từng bước quy hoạch vùng sản xuất
Ông Trần Quốc Huy, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân, cho biết: Hiện diện tích trồng cây ăn trái trên địa bàn huyện là 28,7ha, gồm các loại cây mít, xoài, bơ, dừa, cam. Trước người dân trồng nhỏ lẻ trong vườn nhà theo hướng tự cung tự cấp, nay nhu cầu cây ăn trái trên thị trường ngày càng cao nên ở địa phương bắt đầu hình thành các mô hình trồng cây ăn trái tập trung với quy mô từ 1ha trở lên. Điển hình như xã Xuân Long trồng 20ha với chủ yếu là cây cam; xã Đa Lộc 6ha, gồm 3ha bơ và 3ha dừa; xã Xuân Quang 1 là 1,7ha các loại xoài, mít, bơ, chanh; xã Xuân Sơn Bắc 5ha dứa…
Nhà máy chế biến nông sản Phú Yên ở thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh) đã đi vào hoạt động, từ đây hình thành các vùng cây ăn trái tại huyện và các xã miền núi lân cận. Ông Đinh Ngọc Dạn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, cho biết: Hiện diện tích trồng cây ăn trái toàn huyện khoảng 810ha, tăng 251ha so với năm 2014.
Tuy nhiên, nguyên liệu vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu của nhà máy. Để hướng người dân trồng quy mô lớn theo quy chuẩn kỹ thuật, huyện Sông Hinh đã làm thí điểm mô hình 20ha cây ăn trái; tập trung vào 4 loại cây thế mạnh cho giá trị kinh tế cao là sầu riêng, bơ, xoài, ổi. Trong đó 12ha cho cây sầu riêng, 2ha cây bơ, 5ha xoài và 1ha ổi.
Địa phương thực hiện trồng rải rác tại 11 xã, thị trấn trên địa bàn toàn huyện, nhằm phát huy thế mạnh của tất cả các xã, tạo ra sự phát triển đồng bộ. Đây sẽ là mô hình điểm để thay đổi tập quán canh tác tự cung tự cấp, từng bước chuyển giao khoa học kỹ thuật theo hướng sản xuất gắn với công nghệ cao từ khâu giống đến khâu chăm sóc và thu hoạch, tạo ra những sản phẩm sạch theo chuẩn VietGAP.
Còn theo UBND xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa), được phép của UBND tỉnh, Công ty CP Phát triển nông nghiệp Thảo Nguyên sẽ thực hiện dự án trồng dứa nguyên liệu tập trung tại hai thôn Lạc Đạo và Đá Mài. Công ty này sẽ đầu tư khoảng 339 tỉ đồng vào trồng 340ha dứa theo hướng VietGAP, với thời hạn 50 năm, để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến tại Phú Yên. Dự án này đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân ở địa phương.
Theo ông La Văn Tỷ, Phó Ban Dân tộc tỉnh, cùng với điều kiện tự nhiên thuận lợi và các nhà máy chế biến được xây dựng, vùng miền núi đang từng bước trở thành vùng chuyên canh cây ăn trái của tỉnh. Điều này giúp người dân có thêm lựa chọn ngoài cây mía, sắn truyền thống, cũng như có thêm kênh tiêu thụ sản phẩm nông sản; hạn chế tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”, đời sống nhờ đó ngày một ổn định.
Thời gian tới, nếu vùng này xây dựng được thương hiệu cho những sản phẩm trái cây nổi tiếng thì thị trường tiêu thụ sẽ được mở rộng hơn và giá trị kinh tế mà trái cây mang lại còn cao hơn nữa.
MINH DUYÊN