Tình trạng thiếu cơ chế giám sát, hỗ trợ không đủ mạnh khiến việc quản lý cũng như thu hút đầu tư vào hạ tầng các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều vướng mắc.
Theo Quy hoạch mạng lưới CCN tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Phú Yên có tổng số 26 CCN với tổng diện tích 875ha. Hiện toàn tỉnh đã có 10 cụm được thành lập, trong đó 4 cụm được hình thành trước khi Quy chế quản lý CCN được ban hành theo Quyết định 105/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. |
Theo đánh giá của Sở Công thương, việc hình thành các CCN góp phần giải tỏa điểm nóng về mặt bằng sản xuất cho các cơ sở công nghiệp nông thôn, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, hiện việc phát triển CCN trên địa bàn tỉnh còn nhiều vướng mắc. Đa phần các CCN đều gặp khó trong đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng do không thu hút được doanh nghiệp. Việc xây dựng hạ tầng hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn ngân sách trong khi ngân sách của tỉnh khó khăn khiến vấn đề này gần như dậm chân tại chỗ.
Tình trạng trên xuất phát từ nhiều nguyên do. Đầu tiên, theo Luật Đầu tư năm 2014, CCN không được ngân sách tỉnh và Trung ương hỗ trợ đầu tư hạ tầng như các khu công nghiệp, khu chế xuất; trong khi UBND cấp huyện không cân đối được nguồn ngân sách đủ lớn để hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng. Hơn nữa, theo Quyết định 40/2015/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020, mỗi tỉnh được hỗ trợ không quá 1 CCN cho cả giai đoạn 2016-2020. Điều này cũng khiến triển vọng hoàn thiện hạ tầng CCN của tỉnh trong giai đoạn tới sẽ không khả quan. Ngoài ra, doanh nghiệp đầu tư thứ cấp vào CCN cũng không được hỗ trợ nhiều, nhất là về thủ tục hành chính; không có quy chế riêng để quản lý theo cơ chế đầu mối nên không khuyến khích được doanh nghiệp di dời vào cụm. Thực tế, không ít doanh nghiệp mất cả năm trời không hoàn thành được thủ tục đầu tư. Cũng do CCN chủ yếu phân bổ ở vùng nông thôn, điều kiện giao thông không thuận lợi, không hấp dẫn được doanh nghiệp đầu tư thứ cấp.
Tại Hội nghị công tác khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên tổ chức mới đây, đại diện Sở Công thương cho rằng: Để tháo gỡ những vướng mắc, nỗ lực của riêng địa phương là không đủ. Yếu tố quan trọng nhất là cần sửa đổi cơ chế chính sách sao cho đủ mạnh và phù hợp. Theo đó, Cục Công nghiệp địa phương cần nhanh chóng hoàn thiện dự thảo nghị định về quản lý, phát triển CCN, trong đó dành nhiều ưu đãi cho phát triển hạ tầng; bổ sung cơ chế quản lý đầu mối, một cửa đối với doanh nghiệp đầu tư thứ cấp. Hỗ trợ tối đa kinh phí khuyến công quốc gia cho thực hiện nhiệm vụ quy hoạch chi tiết và đầu tư kết cấu hạ tầng CCN tại địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn của tỉnh.
Theo ông Ngô Quang Trung, Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương, việc hỗ trợ phát triển hạ tầng CCN trên địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn được thực hiện theo Quyết định 40 của Thủ tướng Chính phủ, cả nước có 41 địa phương đủ điều kiện. Tuy nhiên, chương trình này thuộc đầu tư trung hạn do vậy phải mất nhiều thời gian xây dựng, hoàn hiện hồ sơ theo quy trình. Bộ Công thương sẽ sớm tổng hợp nhu cầu chuyển Bộ KH-ĐT bố trí kinh phí.
Với đề nghị hỗ trợ hạ tầng và lập quy hoạch chi tiết CCN từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia cũng khá khó khăn. Ngân sách dành cho khuyến công quốc gia chỉ vài chục tỉ đồng/năm trong khi đầu tư hạ tầng CCN đòi hỏi vốn lớn, rất khó bố trí. Riêng dự thảo nghị định về quản lý và phát triển CCN, ông Ngô Quang Trung cho biết, đã trình lên Thủ tướng Chính phủ chờ phê duyệt.
Theo Báo Công Thương