Thứ Bảy, 20/04/2024 16:42 CH
Phát huy tín dụng chính sách “gỡ” khó cho dân nghèo
Thứ Sáu, 23/01/2015 07:30 SA

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Ẩn (thứ hai từ trái qua) cùng cán bộ Hội Nông dân TX Sông Cầu kiểm tra, giám sát dự án vay vốn làng nghề tại xã Xuân Hòa - Ảnh: L.HẢO

Với mô hình tổ chức, quản lý tín dụng đặc thù, qua 12 năm hoạt động, Ngân hàng Chính sách xã hội (VBSP) chi nhánh Phú Yên đã mở rộng mạng lưới đến từng xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi, góp phần giải quyết việc làm, cải thiện đời sống, tiến đến giảm nghèo bền vững. Hiện UBND tỉnh triển khai Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, nhằm phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách đối với công cuộc xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.

 

VỐN VAY GÓP PHẦN ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI

 

Hầu hết số hộ mạnh dạn vay vốn đều có chuyển biến tích cực về nhận thức, học hỏi được những cách làm ăn hiệu quả để phát triển kinh tế gia đình. Điển hình như hộ Y Bình ở thôn Suối Cau, xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa; hộ Đào Thị Luyện ở thôn Mỹ Thành, xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa; hộ Trần Thị Lệ ở thôn Diêm Hội, xã An Hòa, huyện Tuy An; hộ Trần Trung ở thôn Bình Nông, xã Xuân Lâm, TX Sông Cầu; hộ Hồ Văn Thuân ở thôn Tân An, xã Ea Bar, huyện Sông Hinh...

 

Bên cạnh chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, các chương trình khác như cho vay học sinh sinh viên, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, giải quyết việc làm, cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn đã giúp cho những hộ khó khăn về tài chính, ở vùng sâu, vùng xa có vốn sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập. Anh Nguyễn Văn Quang ở thôn Phú Xuân B, xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) cho biết, trước đây, gia đình anh là hộ nghèo có mã số, làm ăn đắp đổi qua ngày. Năm 2006, thông qua Hội Nông dân xã, anh Quang vay 15 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo của VBSP để mua 2 con bò về nuôi, làm vốn thu mua nhôm nhựa, nông sản để bán kiếm lời. Đến năm 2009, đàn bò của gia đình anh Quang phát triển được 8 con; anh đem bán 2 con, trả hết nợ gốc cho ngân hàng, 6 con còn lại thì tiếp tục chăn nuôi, làm vốn. Nhờ đó, gia đình anh thoát khỏi diện nghèo. Thấy được tác dụng của đồng vốn chính sách, năm 2012, anh Quang tiếp tục vay 30 triệu đồng từ chương trình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Còn ông Lê Tấn Ngọc ở thôn Phú Thạnh, xã An Chấn (huyện Tuy An) cho hay: “Gia đình khó khăn, bản thân tôi lại bị tật nguyền không làm được việc gì để có thu nhập kinh tế. Tuy nhiên, nhờ vốn vay chính sách, tôi trang trải lo cho 2 con trai ăn học đàng hoàng. Hiện cả hai đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng, kiếm được việc làm. Hàng tháng, 2 con đều gửi tiền về quê giúp ba mẹ trả nợ vay và phát triển kinh tế gia đình”.

 

Ngoài tác dụng giảm nghèo, vốn của VBSP còn mang lại tác động kép, giúp kích cầu ở nông thôn, làm tiền đề định hướng cho các ngành kinh tế địa phương phát triển. Ngân hàng đã lồng ghép chương trình tín dụng với các chương trình xây dựng nông thôn mới, đặc biệt ưu tiên cho 20 xã thí điểm về xây dựng nông thôn mới. Theo bà Cao Thị Hà, Phó chủ tịch UBND xã Sơn Hà (huyện Sơn Hòa), nhờ được vay vốn tín dụng ưu đãi, các hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác không những có điều kiện đầu tư vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, mà còn tham gia các hoạt động xã hội. Khi đời sống của người dân được chăm lo, cải thiện, xã cũng dễ dàng huy động toàn dân tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới, hạn chế tệ nạn xã hội ở địa phương.

 

Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân vốn vay cho người nghèo - Ảnh: L.HẢO

 

TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI TÍN DỤNG CHÍNH SÁCH

 

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Ẩn: “Bên cạnh nguồn vốn tín dụng ưu đãi của VBSP, các sở, ngành, địa phương, hội đoàn thể liên quan cần lồng ghép các chương trình khuyến nông, lâm, ngư, chuyển giao kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chế biến hàng nông sản đạt chất lượng cao; định hướng cho người dân trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả, tìm được đầu ra ổn định, nâng cao giá trị sản phẩm. Có như vậy, việc giảm nghèo mới bền vững, đời sống của người dân mới thực sự được cải thiện”.

Theo Giám đốc VBSP Phú Yên Đào Thái Hòa, mặc dù hoạt động đạt được nhiều kết quả phấn khởi, nhưng hiện ngân hàng vẫn còn đối mặt với một số khó khăn. Cụ thể, nguồn vốn cho vay một số chương trình còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân, nhất là cho vay giải quyết việc làm, sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn. Công tác kiểm tra giám sát của một số hội đoàn thể cấp cơ sở chưa thường xuyên, chất lượng chưa cao. Công tác xử lý nợ tham ô, chiếm dụng mặc dù đã được quan tâm nhưng một số chính quyền địa phương chưa chỉ đạo quyết liệt nên số tiền và số vụ giảm chưa đạt kế hoạch đề ra. Chất lượng họp giao ban một số xã, phường tại điểm giao dịch chưa đạt yêu cầu, công tác chuẩn bị còn hạn chế. Chất lượng tổ tiết kiệm và vay vốn chưa đồng đều, một số tổ hoạt động ít hiệu quả nhưng không được củng cố kiện toàn kịp thời; có tổ chưa tổ chức sinh hoạt định kỳ, ít tham gia huy động tiết kiệm hàng tháng. Một số nơi cấp ủy, chính quyền xã, phường chưa thật sự quan tâm chỉ đạo hoạt động nên ngân hàng gặp khó trong việc cho vay và quản lý nợ. Một số địa phương vẫn chưa quan tâm đến công tác tuyên truyền, chưa thực hiện thường xuyên liên tục nên hộ nghèo và các đối tượng chính sách chưa hiểu đầy đủ chính sách tín dụng ưu đãi…

 

Nhằm phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội, cuối năm 2014, Ban Bí thư Trung ương đã ban hành Chỉ thị 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Trong chỉ thị, Ban Bí thư Trung ương yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội. MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội nâng cao trách nhiệm trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Các cơ quan từ Trung ương đến địa phương tập trung nguồn lực và hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội; trong đó có việc HĐND, UBND các cấp tiếp tục dành một phần nguồn vốn từ ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn cho vay các đối tượng chính sách trên địa bàn. Nhà nước cần ưu tiên đảm bảo các nguồn vốn cho VBSP, cấp bổ sung vốn điều lệ, cấp bù chênh lệch lãi suất để cải thiện cơ cấu nguồn vốn ưu đãi thời hạn dài, lãi suất thấp để cải thiện cơ cấu nguồn vốn theo hướng ổn định; nâng cao hiệu quả phương thức ủy thác các tổ chức chính trị - xã hội, tăng cường các điểm giao dịch cấp xã, phát triển sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ đem lại tiện ích cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác…

 

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Ẩn, Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương thể hiện quyết tâm rất lớn của Đảng đối với công cuộc xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Khi các cấp, ngành, địa phương vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, Chỉ thị 40-CT/TW sẽ tạo ra bước đột phá quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cũng như các chính sách xã hội khác.

 

ÔNG NGUYỄN HỒNG THÁI, PHÓ CHỦ TỊCH UBMTTQ VIỆT NAM TỈNH: Vận động người dân nâng cao trách nhiệm khi sử dụng vốn vay

 

Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương xác định rõ trách nhiệm của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội là phát huy vai trò tập hợp lực lượng, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến với các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Thực hiện chỉ thị này, UBMTTQ Việt Nam tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo MTTQ các cấp tuyên truyền, vận động, giúp người dân hiểu về các chương trình tín dụng ưu đãi. Bên cạnh quyền được vay vốn phát triển sản xuất, người dân phải có trách nhiệm sử dụng vốn hiệu quả, trả nợ đầy đủ khi đến hạn để ngân hàng xoay vòng vốn cho các hộ khác vay. Chúng tôi cũng sẽ vận động toàn dân tham gia giám sát công tác này; đồng thời mở rộng cuộc vận động vì người nghèo để huy động sự đóng góp của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, cá nhân bổ sung nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hội.

 

BÀ ĐÀO BẢO MINH, CHỦ TỊCH UBND TP TUY HÒA: Xem xét bố trí các nguồn vốn phù hợp để ủy thác VBSP cho vay

Ngay cả khi Ban Bí thư Trung ương chưa ban hành Chỉ thị 40-CT/TW, chúng tôi đã tích cực tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Mới đây, sau khi nghe quán triệt Chỉ thị 40 của Ban Bí thư, chúng tôi sẽ lồng ghép, triển khai chỉ thị này trong buổi tổng kết hoạt động năm 2014, triển khai nhiệm vụ 2015 của UBND TP Tuy Hòa. Chỉ thị này góp phần nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong quá trình quản lý đối với chính sách tín dụng của VBSP, vì vậy, thành phố sẽ quyết liệt thực hiện ngay trong những tháng đầu năm 2015. Hiện nay, mặc dù địa phương vẫn còn nhiều khó khăn trong việc cân đối ngân sách nhưng chúng tôi sẽ xem xét, bố trí các nguồn vốn phù hợp để ủy thác VBSP Phú Yên cho vay. Đây cũng là một cách để góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

 

LÊ HẢO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek