Chủ Nhật, 24/11/2024 00:15 SA
Đóng tàu vỏ sắt: Cần đồng bộ và có trọng điểm
Thứ Năm, 03/07/2014 08:20 SA

Việt Nam là một trong những nước có lợi thế về biển, có nguồn lợi hải sản dồi dào, song nghề cá nước ta vẫn là nghề cá truyền thống, quy mô nhỏ, phương tiện đánh bắt thủ công. Đến nay, cả nước có 118.000 tàu cá các loại nhưng chỉ 23% trong số đó có công suất lớn hơn 90CV (28.000 chiếc) và có đến 99% là tàu vỏ gỗ. Điều này cho thấy nghề cá nước ta vẫn là nghề cá quy mô nhỏ.

 

Trong tình hình mới, Nhà nước đã quyết định cho vay ưu đãi hàng chục nghìn tỉ đồng sẵn sàng hỗ trợ cho ngư dân đóng tàu vỏ sắt để đánh bắt xa bờ. Vấn đề đặt ra là khai thác bằng tàu vỏ sắt làm sao để có hiệu quả? Ngư dân có trả được nợ vay và có cải thiện được đời sống hay không? Nhất là trong bối cảnh ngư dân đi biển trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, mưa bão thất thường, sản lượng đánh bắt không ổn định, giá cả bấp bênh, gặp nhiều rủi ro, chịu nhiều tổn thất do thiên tai, địch họa.

 

Để đầu tư đồng bộ cho phát triển nghề cá xa bờ đòi hỏi nguồn vốn đầu tư phải lớn hơn nhiều so với đóng tàu vỏ sắt. Vì vậy, theo người viết, trước mắt cần tập trung giải quyết, đầu tư cho vay ưu đãi có trọng tâm, trọng điểm và cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:

 

Một là, do nguồn vốn có hạn, trước hết ưu tiên cho các đối tượng: Ngư dân có kinh nghiệm khai thác trên các ngư trường ở Hoàng Sa và Trường Sa; ngư dân đánh bắt theo các mô hình tổ đội sản xuất, các hợp tác xã, các nghiệp đoàn, các hiệp hội, các nghề đánh bắt có sản lượng cao, cho vay ưu đãi đóng mới các tàu dịch vụ hậu cần trên biển, cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu ở các ngư trường trọng điểm…

 

Hai là, ngư dân và doanh nghiệp đóng tàu cùng đồng hành với nhau trong việc đóng tàu vỏ sắt, cùng bàn bạc từ khâu thiết kế đến thi công, giám sát trong quá trình đóng tàu, cũng như việc chọn lựa các thiết bị, ngư lưới cụ và cả trong quá trình đánh bắt thí nghiệm, bảo dưỡng, sửa chữa…

 

Ba là, đóng mới, nâng cấp, cải hoán các loại tàu vỏ gỗ có thể triển khai cho vay ưu đãi ở tất cả các tỉnh theo yêu cầu của ngư dân, nhưng đối với đóng mới các tàu vỏ sắt nên triển khai ở các tỉnh miền Trung, gắn liền với xây dựng, nâng cấp các trung tâm nghề cá, bao gồm khu neo đậu tàu thuyền tránh gió bão, các cảng cá, bến cá, chợ cá, kho bảo quản, cơ sở chế biến dịch vụ, cung ứng vật tư hàng hóa, đóng mới, sửa chữa, bảo dưỡng tàu thuyền...

 

Bốn là, triển khai công tác quy hoạch sắp xếp lại ngư trường, tổ chức lại sản xuất theo mô hình chuỗi liên kết gắn liền sản xuất trên biển và trên bờ như mô hình tàu mẹ, tàu con; bảo quản, vận chuyển, tổ chức chế biến tại các trung tâm nghề cá, tránh thất thoát sau thu hoạch, đảm bảo sản phẩm có chất lượng để xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.

 

Năm là, củng cố các trường công nhân kỹ thuật, trung cấp, cao đẳng, đại học hiện có trong lĩnh vực đào tạo kỹ sư khai thác hải sản, cơ khí đóng sửa chữa tàu thuyền, thuyền trưởng, máy trưởng, lao động có tay nghề.

 

Sáu là, mở rộng hợp tác quốc tế, mời chuyên gia các nước có nghề cá tiên tiến để chuyển giao công nghệ cho ngư dân, đồng thời cử ngư dân đi tập huấn ở nước ngoài để tiếp thu công nghệ mới.

 

Đề nghị Nhà nước cho phép liên doanh đánh bắt ở các vùng biển kinh tế đặc quyền và vùng biển quốc tế với một số nước có nghề cá tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc… (phía nước ngoài góp vốn bằng con tàu, ngư lưới cụ, cử chuyên gia và bao tiêu sản phẩm; lao động đánh bắt là ngư dân Việt Nam). Đây chính là giải pháp hữu hiệu để nghề cá Việt Nam khắc phục yếu kém, phát triển theo kịp với các nước trong khu vực và trên thế giới.

 

Theo Chinhphu.vn

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek