Chủ Nhật, 24/11/2024 00:17 SA
Nhận rõ khó khăn, quyết tâm đưa Phú Yên phát triển(*)
Thứ Năm, 03/07/2014 08:24 SA

Chế biến thủy sản tại một doanh nghiệp ở Phú Yên- Ảnh: P.V

(Tham luận của đồng chí Nguyễn Thành Quang, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên tại hội thảo Phú Yên 25 năm trưởng thành và phát triển)

 

Một phần tư thế kỷ đã đi qua, kể từ ngày tái lập tỉnh đến nay (1/7/1989-1/7/2014). Những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của tỉnh trong 25 năm qua đã được phản ánh rất đầy đủ trong báo cáo tổng kết của UBND tỉnh. Dựa vào tài liệu cơ bản ấy để phân tích, suy ngẫm, rút ra những điều bổ ích, mong góp phần làm phong phú thêm những bài học kinh nghiệm thực tiễn của địa phương.

 

Nhớ lại những ngày đầu khi mới tái lập tỉnh, khó khăn muôn trùng. Bộ máy của tỉnh di chuyển từ TP Nha Trang về TP Tuy Hòa, cơ quan thiếu chỗ làm việc, cán bộ, công nhân viên thiếu chỗ ăn ở, phải che tạm lều, ngủ dưới tán cây. TX Tuy Hòa, đường phố xập xệ ổ voi, ổ gà, xuống cấp nghiêm trọng, (Ban phân vùng quy hoạch tỉnh Phú Khánh có phương án xếp hạng Tuy Hòa là thị trấn). TX Tuy Hòa không có hệ thống cấp, thoát nước. Trạm phát điện bằng diezen không đủ cấp điện cho nhu cầu thắp sáng, sinh hoạt. Những công trình được coi là lợi thế phát triển như quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh xuống cấp nghiêm trọng. Đường sắt Bắc - Nam không có ga dừng đón trả hành khách. Quốc lộ 25 chưa được đầu tư thông tuyến nối với tỉnh Gia Lai, cảng Vũng Rô chưa được đầu tư, sân bay Đông Tác chưa mở đường bay.

 

Nền kinh tế của tỉnh chủ yếu là nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ chưa phát triển. Nguồn thu ngân sách chủ yếu từ thuế nông nghiệp. Tổng thu ngân sách nhà nước địa phương chỉ đáp ứng 1/3 tổng chi ngân sách địa phương.

 

Thời điểm tái lập tỉnh Phú Yên đúng vào thời điểm đất nước ta rơi vào đỉnh điểm khủng hoảng kinh tế. Hệ thống xã hội chủ nghĩa tan rã, trong đó có Liên Xô đã đẩy nước ta rơi vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Tiếp theo là cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới tác động mạnh, ảnh hưởng toàn diện đến nền kinh tế nước ta, có lúc tưởng như không thể vượt qua.

 

Thiên tai, bão, lũ, hạn hán liên miên đã gây tổn thất lớn đến tài sản, tính mạng của Nhà nước và nhân dân. Đặc biệt, hai cơn đại hồng thủy xảy ra năm 1993 và năm 2011 đã gây nên thảm họa thật khủng khiếp.

 

Khái quát bức tranh toàn cảnh của Phú Yên ở thời điểm xuất phát cách nay 25 năm để chúng ta có cơ sở so sánh một cách khách quan.

 

Cảm nhận lớn nhất của 25 năm qua là chặng đường đầy khó khăn gian khổ, những thành tựu đạt được trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh - quốc phòng của tỉnh là to lớn.

 

Có thể chia chặng đường 25 năm qua thành 2 chặng. Chặng đầu 10 năm (từ 1989 đến 1999). Tập trung phát triển nông nghiệp, coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, ra sức đầu tư thủy lợi, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, xóa đói, giảm nghèo, nhất là các huyện miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số để ổn định đời sống người dân phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh - quốc phòng.

 

Chặng tiếp theo là giai đoạn 2000-2015. Nhiệm vụ, mục tiêu của chặng này là tập trung phát triển hạ tầng, thúc đẩy phát triển công nghiệp.

 

Đầu tư kết nối hạ tầng, kết nối vùng, phá thế “ốc đảo” vừa là yêu cầu cấp thiết, vừa có tính chiến lược để Phú Yên phát triển bền vững. Mở đầu là tỉnh Phú Yên cùng với tỉnh Bình Định đầu tư mở tuyến đường Quy Nhơn - Sông Cầu. Con đường này hoàn thành, tạo lợi thế để khai thác vùng đông bắc TX Sông Cầu. Cùng với tỉnh Đắk Lắk mở đường kết nối ĐT645 của Phú Yên với ĐT633 của Đắk Lắk (nay là quốc lộ 29), cùng với tỉnh Gia Lai nâng cấp quốc lộ 25, cùng với tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Bộ GTVT đầu tư hầm đường bộ qua đèo Cả, kết nối vùng kinh tế nam Phú Yên với Khu kinh tế Văn Phong, Bắc Khánh Hòa. Đề xuất với Bộ GTVT và Chính phủ cho nghiên cứu dự án Đường sắt từ Tuy Hòa đi Tây Nguyên.

 

Trong nội tỉnh, tỉnh đầu tư trục động lực ven biển, nhất là đoạn từ Tuy Hòa đến Vũng Rô (trục động lực phát triển). Trục giao thông dọc miền Tây cũng được đầu tư, tạo tiền đề để miền núi phát triển. Ngoài ra, tỉnh đầu tư cảng Vũng Rô, mở đường bay từ Tuy Hòa - TP Hồ Chí Minh và Tuy Hòa - Hà Nội, nhà ga sân bay được đầu tư mới khang trang, đẹp. Ga đường sắt Tuy Hòa được dừng đón trả khách. Quốc lộ 1 qua Phú Yên cũng được nâng cấp; TX Tuy Hòa được nâng cấp lên thành phố loại 3, nay lên loại 2. Với sự nỗ lực không mệt mỏi ấy đã tạo nên thành quả to lớn giảm thiểu khó khăn, khắc phục điểm yếu về hạ tầng, bước đầu làm hài lòng các nhà đầu tư. Chính nhờ kết quả xác định đúng mục tiêu và đầu tư có hiệu quả tuyến “động lực”: Tuy Hòa - Vũng Rô đã thu hút được dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô; tạo thêm sức thu hút các nhà đầu tư mới vào Khu công nghiệp Hòa Hiệp.

 

Phát huy truyền thống tự lực, tự cường, tinh thần cách mạng tiến công, dám nghĩ, dám làm, không lùi bước trước những khó khăn, thách thức; chọn hướng đi đúng, đồng thời biết tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ, chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương là nhân tố tăng thêm nguồn lực phát triển cho tỉnh.

 

Xây dựng cơ chế, xin Trung ương, Chính phủ cho cơ chế để huy động nguồn lực, Điển hình như dự án đường Hùng Vương, tỉnh không có kinh phí đầu tư dự án này nên phải xin Chính phủ cho cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng” và tỉnh chỉ đạo thực hiện thành công dự án này.

 

Trong công tác huy động sức mạnh toàn dân, điển hình là 3 chương trình lớn do Tỉnh ủy chủ trương, phát động. Chương trình đưa ánh sáng Bác Hồ về nông thôn, nội dung của chương trình này là huy động sức mạnh tổng hợp: Nhà nước - hợp tác xã - nhân dân góp vốn đầu tư lưới điện đưa điện về điện khí hóa nông thôn. Kết quả nông thôn được điện khí hóa. Chương trình thứ 2 là: bê tông hóa đường làng, hẻm phố. Nội dung của chương trình này là Nhà nước hỗ trợ, nhân dân đóng góp, nhân dân tham gia xây dựng và giám sát. Kết quả, hàng trăm ki-lô-mét đường nông thôn được xây dựng từ chương trình này. Ngày nay, nhiều xã vùng nông thôn đã bê tông hóa xong đường làng đến cửa ngõ nhà dân, khang trang, sạch, đẹp. Chương trình thứ 3 là xây dựng nhà rông văn hóa, hay là nhà sinh hoạt cộng đồng cho từng buôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong bối cảnh bọn fullrô, tin lành đề ga tăng cường hoạt động chống phá Đảng và Nhà nước ta, chương trình này có ý nghĩa to lớn về chính trị, văn hóa, đời sống thiết thực với đồng bào miền núi.

 

Tập trung phát triển công nghiệp với sự nỗ lực cao độ. Từ một tỉnh thuần nông, lại ở vị trí địa kinh tế được coi là vùng sâu, vùng xa thì việc thu hút đầu tư phát triển công nghiệp là điều cực kỳ khó khăn. Nhưng với tinh thần nỗ lực cao độ, cách làm sáng tạo, Phú Yên là tỉnh đầu tiên ở miền Trung được phép thành lập khu công nghiệp và ban hành cơ chế, chính sách địa phương thu hút đầu tư. Sự nỗ lực xúc tiến đầu tư với nhiều biện pháp có kết quả. Trang thông tin điện tử (website) Khu công nghiệp Phú Yên ra đời sớm, một số nhà đầu tư nhờ tiếp cận thông tin qua trang mạng này mà họ đã tìm đến Phú Yên tìm hiểu kỹ và quyết định đầu tư ở Phú Yên.

 

Ngoài những dự án tập trung vào các khu công nghiệp, những dự án độc lập được coi trọng, đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Điển hình như nhà Máy bia Sài Gòn - Phú Yên đã tạo ra nguồn thu ngân sách lớn. Nhà máy đường Tuy Hòa, Nhà máy đường KCP Sơn Hòa, Đồng Xuân - những nhà máy này đã tạo ra sự liên kết công nông bền vững.

 

Ngành công nghiệp của Phú Yên tuy còn non trẻ nhưng phát triển đúng hướng, làm chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập người dân, tăng thu ngân sách.

 

Chúng ta đang nỗ lực hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô sớm ra đời với hy vọng sẽ tạo ra “cú hích” làm đột biến tốc độ tăng trưởng và hiệu quả của nền kinh tế tỉnh nhà.

 

Các ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng, thương mại, viễn thông, khách sạn, nhà hàng, du lịch so với trước đây đã có sự phát triển vượt bậc.

 

Ngành nông nghiệp (bao gồm thủy sản, lâm nghiệp) đang phát triển ở trình độ cao. Hàm lượng khoa học kỹ thuật thâm nhập, chiếm tỉ trọng ngày càng cao trong nhiều sản phẩm cây trồng, vật nuôi. Trình độ thâm canh cao, cơ giới khâu làm đất và khâu thu hoạch, giải phóng sức lao động ở nông thôn. Do bình quân diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên đầu người thấp nên tình trạng ở nông thôn thừa lao động, thiếu việc làm còn số lượng lớn, đòi hỏi lãnh đạo cần có giải pháp chỉ đạo giải quyết.

 

Xét tổng thể, cơ cấu nền kinh tế của tỉnh đã dịch chuyển trọng tâm từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ. Trong nhiều năm qua, nền kinh tế tỉnh đã tăng trưởng ở mức trên 10%, tuy nhiên điểm xuất phát thấp cho nên so với mặt bằng chung của cả nước hiện nay thì Phú Yên vẫn còn là tỉnh nghèo, kinh tế phát triển chưa bền vững.

 

Một thực trạng khác đang tồn tại, cần tìm giải pháp tháo gỡ, đó là vì sao nhiều năm gần đây không thu hút được nhà đầu tư mới? Mặc dù lãnh đạo tỉnh đã có nhiều biện pháp, trong đó có biện pháp buộc nhà đầu tư phải đóng tiền ký quỹ (tiền đặt cọc) dự án.

 

Con người là yếu tố quyết định. Các thế hệ đi trước và hiện tại đã xây dựng lên một Phú Yên như ngày nay. Tiếp tục nâng cao trình độ dân trí, đào tạo nhân tài là chìa khóa của thành công. Tin tưởng rằng thế hệ hiện tại và tương lai với tài trí và sức trẻ, phát huy truyền thống anh hùng của quê hương sẽ làm nên nghiệp lớn.

------------

 

(*) Tựa đề do tòa soạn đặt.

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek