Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng, hiện các doanh nghiệp đầu mối lớn như Petrolimex, PVOil... đã chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở vật chất cho việc bán xăng sinh học E5 tại 7 tỉnh thành phố, riêng tỉnh Quảng Ngãi sẽ thực hiện sớm trước 3 tháng. Do vậy, lộ trình thực hiện bán xăng sinh học trên phạm vi toàn quốc chắc chắn sẽ được thực hiện đúng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Thông tin trên được Thứ trưởng khẳng định tại buổi tọa đàm trực tuyến "Đẩy mạnh tiêu thụ và sử dụng xăng sinh học E5" do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng 2/7.
Theo dự thảo năm 2012 do Bộ Công Thương soạn thảo trình Chính phủ thì từ ngày 1/12/2013 tại 7 tỉnh thành phố gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ áp dụng tỉ lệ pha trộn xăng E5 cho phương tiện cơ giới đường bộ, sau đó sẽ chính thức sử dụng trên toàn quốc từ 1/6/2015.
Tuy nhiên, trong Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì lộ trình trên đã phải lùi lại một năm do thói quen tiêu dùng và nhu cầu của thị trường với sản phẩm nhiên liệu sinh học còn thấp. Bên cạnh đó, các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học hoạt động chưa hiệu quả, chưa chủ động đầu tư vùng nguyên liệu và đặc biệt là chưa có chế tài khuyến khích các doanh nghiệp tham gia thị trường này.
Đến thời điểm này, cả nước mới có 3 trong số 10 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu tham gia kinh doanh xăng E5 với tổng số 169/13.000 cây xăng trong cả nước. Ước tính, mức tiêu thụ xăng E5 trong thời gian qua của doanh nghiệp này cũng chỉ bằng một phần tám so với xăng truyền thống.
Một trong những khó khăn chính dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư cho hệ thống cửa hàng xăng sinh học, theo ông Nguyễn Sinh Khang, Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là do chi phí đầu tư cửa hàng để chuyển đổi sang bán xăng E5 khá tốn kém, mất khoảng 400 triệu đồng chưa kể chi phí kinh doanh xăng E5 theo giá nguyên liệu, vận chuyển… hiện cao hơn vài trăm đồng/lít so với kinh doanh xăng truyền thống.
Do vậy, ông Khang kiến nghị Chính phủ và Bộ Công Thương cần có chính sách dài hạn cho doanh nghiệp đầu tư vào nhiên liệu sinh học như miễn thuế nhập khẩu đối với thiết bị vật tư tồn trữ, vận chuyển, pha chế, phân phối nhiên liệu sinh học trong nước chưa sản xuất được. Đồng thời xem xét miễn thuế, phí môi trường đối với phần xăng nền để pha chế xăng E5; giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng E5 đưa vào lưu thông...
Đánh giá của Bộ Công Thương cũng cho thấy, hiện giá thành sản xuất xăng E5 không thấp hơn so với xăng thông thường do chi phí để đầu tư khá lớn. Tuy nhiên về lâu dài, nhờ sử dụng nguồn nguyên liệu đầu vào khá thấp cộng với những chính sách ưu đãi về thuế và phí đang được Chính phủ xem xét sẽ giúp xăng sinh học có khả năng cạnh tranh hơn so với xăng truyền thống.
Về năng lực sản xuất xăng sinh học, Bộ Công Thương cho biết, đến đầu năm 2013 cả nước đã có 6 nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học đi vào hoạt động với công suất thiết kế đạt 535 triệu lít ethanol/năm. Như vậy, với công suất hiện có, hoàn toàn các nhà máy sản xuất ethanol có khả năng thay thế 100% và vượt toàn bộ nhu cầu tiêu dùng xăng cả nước đến năm 2015 với tỉ lệ phối trộn 5%.
"Hiện tại xăng E5 và xăng thông thường có giá thành như nhau vì tuân theo nguyên tắc thị trường, nhưng Chính phủ sẽ xem xét để hỗ trợ về thuế và phí cho xăng sinh học", thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho biết.
Theo Vietnam+