Tại Hà Nội, với sự đồng hành của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Bộ Y tế vừa phối hợp với các đối tác quốc tếtổ chức Tuần lễ nâng cao nhận thức về kháng thuốc từ ngày 18-24/11. Năm nay, WHO đưa ra chủ đề “Giáo dục, vận động, hành động ngay” nhằm đẩy nhanh các nỗ lực nâng cao nhận thức và hành động đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng của kháng thuốc.
Theo WHO, kháng thuốc xảy ra khi vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng không còn đáp ứng với các thuốc kháng vi sinh vật. Do kháng thuốc, kháng sinh và các thuốc khác trở nên không hiệu quả và việc điều trị nhiễm trùng trở nên khó khăn hoặc không thể, tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong.
Tại Việt Nam, kháng thuốc đã trở thành một vấn đề y tế công cộng đáng quan tâm. Theo kết quả giám sát kháng thuốc gần đây, tỉ lệ kháng kháng sinh cao đã được ghi nhận ở các vi khuẩn thông thường, đặc biệt trong bệnh viện. Việc sử dụng sai mục đích và lạm dụng kháng sinh trong y tế và nông nghiệp là nguyên nhân chính gây ra kháng thuốc.
Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng để hạn chế kháng thuốc. Năm 2023, Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chiến lược này tăng cường sự phối hợp giữa các ngành: Y tế, Nông nghiệp, Môi trường và Công Thương, bao gồm các nhà hoạch định chính sách, người cung cấp dịch vụ sức khỏe, doanh nghiệp, nông dân và cá nhân trong phòng, chống kháng thuốc.
QUỲNH NHƯ