Bộ GD-ĐT vừa ban hành Kế hoạch phát triển công tác xã hội trong ngành Giáo dục giai đoạn 2021-2025. Mục đích của kế hoạch nhằm tiếp tục phát triển công tác xã hội trong ngành Giáo dục phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của từng giai đoạn; hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về công tác xã hội; đẩy mạnh xã hội hóa, phát triển dịch vụ công tác xã hội trong các cơ sở giáo dục.
Công tác xã hội trong trường học được nhiều trường quan tâm trong thời gian gần đây. Bởi trong trường học có nhiều vấn đề mà các thầy cô giáo không đủ thời gian để bao quát, phát hiện và phòng ngừa, đặc biệt là vấn đề bạo lực học đường hiện đang là mối quan tâm của toàn xã hội. Do đó, bên cạnh việc hỗ trợ tâm lý cho học sinh, mô hình công tác xã hội trường học góp phần xây dựng trường học an toàn, thân thiện. “Học sinh, sinh viên hiện nay gặp nhiều vấn đề, thách thức trong cuộc sống khiến việc học tập của các em bị ảnh hưởng. Nhiều trường hợp cần hỗ trợ vật chất, tinh thần để không phải bỏ học giữa chừng. Với trường hợp đặc biệt khó khăn, bộ phận hỗ trợ người học còn phải tìm hiểu, nắm rõ hoàn cảnh của từng em để có biện pháp hỗ trợ đúng người, đúng phương pháp”, một thành viên của Bộ phận Chăm sóc người học (Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung) chia sẻ.
Nếu như trước kia, công tác xã hội trong trường học được thực hiện tự phát, do đó khi các em gặp khó khăn thì không biết nên tìm đến đầu mối hỗ trợ nào, thì nay hầu như trường học nào cũng có mô hình công tác xã hội. Khi các em tìm đến thầy cô sẽ được hỗ trợ một cách có hệ thống chứ không phải rời rạc và theo kinh nghiệm như trước kia. Bên cạnh đó, các trường đã thành lập các câu lạc bộ, tổ, nhóm làm công tác xã hội với nòng cốt là các đoàn viên, đội viên trong trường, lớp để trợ giúp các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt được tham gia một cách bình đẳng hoạt động giáo dục tại trường học và cộng đồng; hướng dẫn các đoàn viên, đội viên phát huy vai trò tự quản, chủ động tích cực tham gia hoạt động công tác xã hội trong trường học. Ngoài ra, các trường còn phối hợp với cơ quan, ban ngành, chính quyền địa phương cũng như gia đình học sinh, sinh viên để tổ chức tuyên truyền, giáo dục nhằm phòng ngừa, hạn chế nguy cơ người học rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, bị xâm hại, bị bạo lực, bỏ học, vi phạm pháp luật…
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Thuận, chuyên gia đến từ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, xã hội càng phát triển, đời sống xã hội cũng càng trở nên phức tạp và trong nhiều tình huống, các vấn đề xã hội sẽ được học sinh mang theo vào trường học, trở thành rào cản khiến các em khó có thể tiếp thu được lợi ích của tiến trình giáo dục. Để các hoạt động can thiệp, trợ giúp trong trường học tiếp tục phát huy hiệu quả, rất cần có các tổ chức công tác xã hội hoạt động chuyên nghiệp để hỗ trợ người học, giúp các em có thể vượt qua các rào cản để có thể tiếp thu được lợi ích của tiến trình giáo dục.
MẠNH THÚY