Kỳ thi tốt nghiệp THPT dù vẫn nhằm hai mục tiêu là xét tốt nghiệp và lấy kết quả xét tuyển đại học, song năm nay, nhiều trường đại học lại dành rất ít chỉ tiêu tuyển sinh từ kết quả của kỳ thi này, nhất là các trường đại học top trên nên thí sinh cần phải tính toán kỹ trong học và thi.
Năm 2022, các trường thành viên Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh dành nhiều chỉ tiêu xét tuyển từ kỳ thi đánh giá năng lực của đại học này. Trong ảnh: TS Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) tư vấn cho thí sinh Phú Yên năm 2021. Ảnh: THÚY HẰNG |
Nhiều trường sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực
Theo đề án tuyển sinh đang được các trường công bố, năm 2022, chỉ tiêu xét kết quả thi tốt nghiệp THPT không còn được các trường dành nhiều như mọi năm. Có những trường chỉ dành 10-15% chỉ tiêu. Chẳng hạn như Trường đại học Kinh tế quốc dân năm nay xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT từ 10-15%; Trường đại học Bách khoa Hà Nội dành 10-20% chỉ tiêu; Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) dành từ 10-50% chỉ tiêu tuyển sinh tùy theo từng nhóm ngành… Điều này khác hoàn toàn với những năm trước, khi các cơ sở giáo dục đại học dành phần lớn chỉ tiêu tuyển sinh để xét tuyển từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Thay cho việc giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, các trường đưa ra nhiều phương án tuyển sinh riêng như: xét học bạ, tổ chức thi đánh giá năng lực, tuyển học sinh giỏi ở các trường chuyên… Khi đồng thời có nhiều phương thức tuyển sinh thì thí sinh sẽ vất vả hơn vì phải vừa ôn thi tốt nghiệp THPT vừa phải có phương thức học phù hợp để dự tuyển vào các trường đặt nguyện vọng.
Em Lê Bảo An, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Huệ (TP Tuy Hòa) cho biết: Em dự định xét tuyển vào Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh). Theo đề án vừa công bố thì năm 2022, trường này có 5 phương thức xét tuyển. Trong đó, phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức năm 2022 cho khoảng 40-60% tổng chỉ tiêu. Em sẽ tìm hiểu kỹ về phương thức này để ôn luyện, tham gia đánh giá năng lực.
Trước Trường đại học Kinh tế - Luật, nhiều trường thành viên khác thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã công bố phương án tuyển sinh năm 2022. Trong đó, nhiều phương thức mới được nhiều trường áp dụng cho một phần chỉ tiêu như: xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực, kết hợp xét tuyển các tiêu chí hoạt động xã hội và văn nghệ, thể thao...
Xu thế tất yếu
Hiện có hơn 80 trường đại học quyết định sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức để xét tuyển. Tại Phú Yên, các trường đại học Phú Yên, đại học Xây dựng Miền Trung cũng sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của đại học này để xét tuyển. Đối với các trường thuộc khu vực phía Bắc, cũng đã có 50 trường sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội để xét tuyển. Năm nay, ngoài kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, khu vực phía Bắc còn có kỳ thi đánh giá tư duy của Trường đại học Bách khoa Hà Nội. 8 trường đại học khối kỹ thuật đã công bố hợp tác tổ chức, sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển, bên cạnh những phương thức truyền thống như dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT, học bạ THPT, xét kết hợp chứng chỉ quốc tế...
Việc các trường giảm chỉ tiêu xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT và tăng cường sử dụng chung kết quả thi tuyển sinh là xu hướng tất yếu. Điều này vừa giúp các trường tiết kiệm được chi phí nhưng vẫn đảm bảo chất lượng đầu vào, đồng thời giúp thí sinh không phải tham dự quá nhiều kỳ thi như giai đoạn trước năm 2002, khi mỗi trường đại học đều tự tổ chức thi riêng. Tuy nhiên, với sự nở rộ của các kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh lo lắng khi vừa phải ôn thi tốt nghiệp vừa phải chuẩn bị cho các kỳ thi riêng. Tuy nhiên, lãnh đạo các trường đại học khẳng định các kỳ thi này không làm tăng áp lực cho thí sinh. Bởi bài thi đánh giá năng lực là đánh giá năng lực tổng thể, do đó, thí sinh không cần lo lắng nhiều khi tham gia.
Qua các bài thi đánh giá năng lực của các trường những năm qua cho thấy, cấu trúc đề thi không khuyến khích học tủ, học lệch, học thêm. Bài thi có tính phân loại cao, đánh giá học sinh theo các nhóm năng lực chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông; có tương quan với kết quả thi tốt nghiệp nhưng độ khó, tính phân loại cao hơn ở góc độ kiểm tra đánh giá năng lực học sinh với ngành nghề đào tạo.
THÚY HẰNG