Hiện nay, nhiều học sinh phổ thông lười học văn vì cho rằng học văn khó và không thực tế. Để học trò hứng thú và yêu môn Ngữ văn, Nhà giáo ưu tú Đặng Thị Xuân Hương, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, đã không ngừng sáng tạo trong quá trình giảng dạy nhằm thắp lửa tình yêu văn chương trong học trò.
“CHỐNG” BUỒN NGỦ CHO HỌC SINH
Là một người mẫu mực, có chuyên môn giỏi, cô Đặng Thị Xuân Hương là một trong những nhân tố “chủ lực” của trường trong việc phát hiện và bồi dưỡng những học sinh có năng khiếu văn chương để tham gia các kỳ thi học sinh giỏi các cấp. Cô luôn quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ bạn bè đồng nghiệp. Lớp giáo viên trẻ của trường luôn yêu mến, học tập lòng yêu nghề, sự tận tụy với học sinh và tinh thần vươn lên, nuôi dạy con tốt của cô Hương. Thạc sĩ Huỳnh Tấn Châu, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh |
Những năm gần đây, một trong những vấn đề khiến nhiều giáo viên dạy văn trăn trở, đó là tình trạng học trò chán học văn, nếu có học thì cũng rất miễn cưỡng với: nghe, chép, trả bài theo kiểu rất máy móc. Để những giờ giảng của mình không rơi vào tình trạng này, cô Hương cho biết: “Phần quan trọng nhất của các tác phẩm văn học thường không dừng lại ở kiến thức tác phẩm mà là ở những giá trị tư tưởng, thẩm mỹ, những thông điệp nghệ thuật nhà văn muốn gửi gắm trong tác phẩm. Để đi tới những giá trị và thông điệp này, đòi hỏi sự dẫn dắt của người thầy và sự tiếp nhận tích cực của học trò”.
Theo cô Hương, có quá nhiều khoảng cách giữa tác phẩm văn chương với học trò - đó là khoảng cách giữa hiện thực và văn chương, giữa văn và đời; giữa bối cảnh sáng tác và thực tế sống của học trò… Những khoảng cách này là nguyên nhân đưa đến những hàng rào tâm lý trong quá trình học văn của học sinh. Học trò thường có cảm giác buồn ngủ vì những điều phải nghe nhưng không liên quan gì đến các em. Hiểu rõ về điều này, cô Hương luôn tạo điều kiện cho học trò được thăng hoa trong quá trình học bằng cách bày tỏ chính kiến, suy nghĩ của mình qua cách phân tích, bình luận các tác phẩm văn chương. Cô Hương bảo, cho đến bây giờ cô vẫn còn giữ hai bài bình luận về hai tác phẩm “Màu tím hoa sim”, “Hương thầm” của hai học trò cũ là Nguyễn Quốc Khương, Trịnh Phương Trà. Hai bài bình luận này làm cô thật sự ấn tượng về sự sắc sảo, đầy cảm xúc của các học trò. Tuy nhiên, một học trò làm cô Hương “ám ảnh” nhất trong quá trình bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia đó là Đào Trung Uyên - đạt giải nhất học sinh giỏi quốc gia. Vốn kiến thức về thơ Tố Hữu của cô Hương “đầy một bụng” nhưng trong quá trình bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, nhiều lần cô học trò Đào Trung Uyên làm cô “chới với”, vì những câu hỏi “xoáy” đầy sự sáng tạo về thơ Tố Hữu của Uyên. Từ “áp lực” của học trò, cô Hương biến nó thành động lực cho bản thân, đó là không ngừng nâng cao trình độ, cũng như nghiên cứu thêm các tài liệu để bồi dưỡng cho chính bản thân mình nhằm đáp ứng yêu cầu của học sinh.
Nhiều học sinh cho rằng văn chương là bộ môn không thực tế, khó xin việc nên không thích. Vậy người thầy có vai trò như thế nào trong việc truyền cảm hứng cho học trò? Nghe tôi hỏi vậy, cô Hương trải lòng: Trong thực tế giảng dạy, tôi thấy học sinh vẫn rất thích những tác phẩm đề cập tới những vấn đề các em quan tâm hoặc những vấn đề nằm trong tầm hiểu biết của các em, phù hợp với tâm lý thời đại các em đang sống... Văn bây giờ rất mở nên thầy cô giáo cũng phải mở. Chẳng hạn với một đề mở như: “Em nghĩ gì về nội dung Truyện Kiều?”, nếu học sinh trả lời Truyện Kiều có giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo thì rõ ràng câu trả lời này đúng theo sách vở. Nhưng có một học sinh trả lời rằng: “Đọc Truyện Kiều em nhận thấy có nhiều mảng màu khác nhau. Màu vàng em nghĩ đến những nỗi buồn…, màu xanh em nghĩ đến cuộc sống “Cỏ non xanh rợn chân trời”, màu đỏ em nghĩ đến những giây phút thăng trầm của Kiều … Nhiều giáo viên không đồng tình với cách trả lời này. Riêng cô Hương đánh giá cao sự sáng tạo theo tư duy toán học của em này. Vì theo cô, mỗi mảng màu thích ứng với giá trị của Truyện Kiều. Do đó, câu trả lời của học sinh này quá sáng tạo, quá mở, văn bây giờ phải hướng tới sự sáng tạo, không thể khuôn sáo được. “Nếu những thông điệp trong tác phẩm chỉ là thứ lý thuyết đơn thuần sách vở thì rất ít sức thuyết phục với học trò. Và một khi những giá trị ấy khó tiếp nhận, khó chia sẻ thì học trò sẽ không tìm thấy điều các em muốn tìm khi học văn”, cô Hương chia sẻ.
Em Trần Thị Đinh Huệ, lớp 11 Văn, Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh bày tỏ: “Cô Hương đã đem lòng yêu nghề của mình để truyền lửa cho chúng em. Cô đã lý giải cái hay, cái đẹp trong từng tác phẩm để gieo vào tâm hồn chúng em. Nhờ vậy mà tại các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp khu vực, em đều đạt giải cao môn Ngữ văn”. Đinh Huệ và các bạn của em còn nói rằng, các em ngưỡng mộ, mê cái cách đọc thơ, truyền thụ kiến thức văn học của cô Hương nên rất mê các giờ giảng của Nhà giáo ưu tú này. Thế mới thấy, việc truyền cảm hứng môn học cho học sinh của giáo viên đóng vai trò hết sức quan trọng.
DẠY VĂN DẠY NGƯỜI
Cô Đặng Thị Xuân Hương (sinh năm 1962), bước vào nghề giáo năm 1984. Nơi đầu tiên cô giảng dạy là Trường THPT Nguyễn Huệ - mái trường cô theo học ở bậc THPT nên không gặp nhiều bỡ ngỡ đối với một cô giáo trẻ. Năm 1989, tỉnh Phú Yên được tái lập. Năm 1990, UBND tỉnh quyết định thành lập Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh. Buổi ban đầu, Sở GD-ĐT Phú Yên rút một số cán bộ, giáo viên giỏi của Trường THPT Nguyễn Huệ sang làm lực lượng nòng cốt của trường chuyên. Trong số hơn 10 thầy cô giáo thì có cô Hương.
Trong sự nghiệp giảng dạy của mình, cô Hương nhớ nhất là năm 2002, cô cùng ba giáo viên khác của Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh đạt giải Viên phấn vàng tại Hội giảng giáo viên giỏi cấp tỉnh do Sở GD-ĐT tổ chức. Liên tục từ năm 1994 đến nay, cô Hương luôn được Sở GD-ĐT chọn là giáo viên dạy bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia. Không thể kể tên hết những học sinh giỏi văn đã đạt giải trong các kỳ thi cấp tỉnh, cấp quốc gia, nhưng điều làm nhiều người nhớ về cô đó là cô đã có công rất lớn trong việc phát hiện, bồi đắp những học sinh có năng khiếu về môn học này và chắp cánh để các em phát huy sở trường cũng như sự đam mê văn chương của các em.
Biết bao học sinh do cô và đồng nghiệp giảng dạy rời trường phổ thông vào giảng đường đại học và nay đã thành đạt, cứ vào Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hay lễ tết lại quây quần bên cô hoặc tri ân cô bằng những đóa hoa thắm đượm tình thầy - trò. “Dạy văn dạy nghĩa dạy tình/ Dạy văn là cũng dạy mình, dạy ta”, cô Hương chân tình đọc câu thơ mà cô rất tâm đắc và xem đấy là phương châm trong sự nghiệp trồng người của mình.
Còn nhớ Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm 2010, người viết bài này được gặp cô Hương và hai nữ nhà giáo khác là cô Hiền (Trường THPT Nguyễn Huệ), cô Hoa (Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh) khi các cô được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Nhà giáo ưu tú. Từ đó đến nay, sự hăng say, tâm huyết, tận tụy với công việc thầm lặng mà cao quý vẫn còn nguyên vẹn trong cô. Và để giữ được sự nguyên vẹn ấy như ngày nào, cô Hương thổ lộ: Những ngày mới vào nghề, chồng cô là cán bộ địa chất thường đi công tác xa nên mọi việc trong gia đình đều một tay cô quán xuyến. Tuy vất vả nhưng cô tự hào vì mình không chỉ hoàn thành tốt vai trò là một nhà giáo mà còn đảm đang khi làm vợ làm mẹ. Sự vượt khó ấy giúp cô tự tin hơn khi đối mặt với khó khăn. Các con của cô đều đi ra từ “lò” đào tạo học sinh trường chuyên, hiện đang công tác và học tập tại TP Hồ Chí Minh. Với cô, các con là niềm tự hào, gia đình là điểm tựa, còn học sinh là mục tiêu để cô luôn phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
“Em không nhớ cụ thể từng bài văn, bài thơ cô đã dạy, nhưng lại không quên được rất nhiều những thông điệp, ý nghĩa từ các tác phẩm mà cô đã nói hồi ấy!”, lời tri ân của một học trò cũ gửi cô Hương qua facebook nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 như món quà vô giá giúp cô tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp trồng người.
Năm học nào, Phú Yên cũng có đội tuyển học sinh giỏi tham gia các kỳ thi cấp khu vực, quốc gia. Trong xu hướng ngày càng ít học sinh “theo đuổi” môn Ngữ văn - một môn thi bắt buộc đối với học sinh trong Kỳ thi THPT quốc gia, nên ngành GD-ĐT rất cần những nhà giáo tâm huyết, hết lòng với học sinh như Nhà giáo ưu tú Đặng Thị Xuân Hương. Kỳ thi chọn học sinh giỏi THPT cấp quốc gia năm học 2015-2016 sẽ diễn ra vào tháng 1/2016, tôi hy vọng với sự nỗ lực, sáng tạo trong giảng dạy, cô Hương và các đồng nghiệp tiếp tục giúp học sinh Phú Yên giành được giải nhất như năm nào. Tiến sĩ Phạm Văn Cường, Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên |
THÚY HẰNG