Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp lần thứ 4 của Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC chiều 14/11 - Ảnh: VOV
Chiều qua (14/11), kỳ họp lần thứ 4 của Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC4) đã chính thức khai mạc tại Hà Nội với sự tham dự của gần 200 đại biểu đến từ 21 nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương APEC. Đây là kỳ họp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chủ trì với tư cách là Chủ tịch ABAC 2006, là một trong những sự kiện quan trọng trong Tuần lễ cấp cao APEC Việt Nam 2006, là cơ hội lớn để cộng đồng doanh nghiệp đối thoại với các nhà lãnh đạo APEC về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư-kinh doanh. Kỳ họp diễn ra trong ba ngày với bốn chủ đề: Tiến bước trên lộ trình Busan tiến tới mục tiêu Bogor, Cùng xây dựng một cộng đồng thịnh vượng – Tăng cường hợp tác kinh tế và kỹ thuật, Cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư, Thúc đẩy liên kết - gắn kết cộng đồng APEC.
APEC CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ, KINH DOANH
Theo TTXVN, phát biểu tại phiên khai mạc, Chủ tịch nước Việt Nam- Chủ tịch Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh: “Với mức đóng góp gần 50% tổng kim ngạch thương mại, 60% tổng sản phẩm toàn cầu và khoảng 40% dân số, APEC đã trở thành một khu vực tăng trưởng năng động bậc nhất thế giới. Mặc dầu chịu ảnh hưởng bởi sự bất ổn của thị trường dầu lửa, các nền kinh tế APEC vẫn đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn mức trung bình của kinh tế toàn cầu. Điều đó chứng tỏ thuận lợi hóa và tự do hóa thương mại và đầu tư thực sự là động lực thúc đẩy phát triển và đem lại sự thịnh vượng cho cả khu vực APEC nói chung và từng nền kinh tế thành viên nói riêng”. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng cho biết: “Khu vực APEC cũng đang phải đối mặt với một loạt các thách thức, như sự cách biệt về trình độ phát triển, sự cạnh tranh gay gắt, giá cả biến động phức tạp, thiên tai dịch bệnh liên tiếp, những biểu hiện của chủ nghĩa bảo hộ gây khó khăn cho việc lưu chuyển nguồn vốn, dịch vụ, công nghệ và lao động. Điều đó đòi hỏi các nền kinh tế APEC phải thắt chặt hơn nữa sự hợp tác trong các lĩnh vực then chốt như cải thiện môi trường kinh doanh, khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn nhiên liệu hóa thạch, khuyến khích việc nghiên cứu và chuyển giao công nghệ mới, giải quyết các vấn đề gặp phải khi dân số đang dần già đi trong khi dân số trong độ tuổi lao động giảm”.
Thay mặt Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết đánh giá cao đóng góp tích cực và hiệu quả của Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC). Chủ tịch nước nhấn mạnh tầm quan trọng Báo cáo của Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC) bao gồm các khuyến nghị gửi các nhà lãnh đạo kinh tế APEC tập trung vào việc thúc đẩy vòng đàm phán Doha, bình ổn thị trường năng lượng, phát huy các thỏa thuận thương mại minh bạch và thúc đẩy thuận lợi hóa và tự do hóa thương mại và đầu tư trong khu vực.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng nhấn mạnh: “Quý vị tới Việt
Theo VOV, trong ba ngày làm việc, ABAC sẽ có phiên họp của Ủy ban điều phối liên lạc, Ủy ban điều phối chương trình hành động; các phiên thảo luận của Nhóm tự do hoá thương mại, Nhóm tài chính, Nhóm xây dựng năng lực, Nhóm công nghệ. Những phiên họp này tập trung bàn thảo về các vấn đề tự do hoá thương mại, đầu tư, tài chính, xây dựng năng lực, công nghệ và một số nội dung khác. Liên quan đến kỳ họp ABAC4 còn diễn ra một số sự kiện như: Diễn đàn Kinh doanh Việt
ABAC được các nhà lãnh đạo kinh tế APEC thành lập tháng 11/1995 với mục tiêu tư vấn cho các nhà lãnh đạo về những vấn đề quan trọng liên quan tới hoạt động kinh doanh trong khu vực. ABAC gồm đại diện của 21 nền kinh tế thành viên APEC, mỗi nền kinh tế được chỉ định tối đa 3 đại diện, lựa chọn từ các khu vực kinh tế tư nhân. Trên cơ sở chủ đề chính và lĩnh vực ưu tiên của năm APEC 2006, ABAC Việt Nam cùng các thành viên ABAC đã xác định chủ đề cho hoạt động ABAC trong năm 2006 là “Vươn tới một cộng đồng APEC thịnh vượng và hài hoà”.
CSOM NHẤT TRÍ VỀ MỌI VẤN ĐỀ QUAN TRỌNG
Trước đó, tại phiên họp cuối cùng ngày 13/11, Hội nghị các quan chức cao cấp Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (CSOM) đã thông qua báo cáo tổng kết cuối năm của các ủy ban Thương mại và Đầu tư, Hợp tác kinh tế-kỹ thuật, Kinh tế và Quản trị-Ngân sách. Báo cáo của Ủy ban Thương mại và Đầu tư (CTI) trình các Bộ trưởng nêu rõ các thành viên nhất trí thông qua chương trình hành động thuận lợi hóa thương mại (TFAP) nhằm giảm 5% chi phí giao dịch trong giai đoạn 2006-2010.
Các thành viên đã xem xét 9 điều khoản tham chiếu về xây dựng khu vực thương mại tự do song phương và khu vực (RTAs/FTAs), dự kiến một số điều khoản sẽ sớm được nhất trí để trình các bộ trưởng trong vài ngày tới. Các đại biểu nhất trí trình các bộ trưởng sáng kiến người tìm đường về các nguyên tắc lựa chọn công nghệ. Các quan chức cao cấp cũng thông qua báo cáo tóm tắt của Chủ tịch SOM về những tiến bộ trong kế hoạch hành động riêng lẻ (IAP) của các thành viên năm 2006. Hội nghị nhất trí về thành phần nhóm đánh giá IAP của Trung Quốc, Hàn Quốc và Niu Dilân.
Trong lĩnh vực an ninh con người, các đại biểu nhất trí đề nghị các bộ trưởng và các lãnh đạo thông qua báo cáo về kết quả diễn tập trên máy tính khả năng ứng phó với đại dịch trong APEC. CSOM đã thảo luận và thông qua báo cáo hoạt động hợp tác APEC trong năm 2006 để trình các bộ trưởng và lãnh đạo các nền kinh tế APEC thông qua. Các lĩnh vực được thảo luận bao gồm kinh tế, thương mại, đầu tư, an ninh con người, chống khủng bố, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, hợp tác văn hóa và du lịch, chống tham nhũng và cải cách APEC.
HOÀI THƯƠNG