Thứ Hai, 30/09/2024 04:24 SA
Dấu ấn Việt Nam trong tiến trình APEC
Thứ Ba, 14/11/2006 09:30 SA

Quan chức cấp cao các nền kinh tế thành viên APEC cho rằng APEC 2006 đã mang đậm dấu ấn Việt Nam với những đóng góp quan trọng của nước chủ nhà.

 

Kết thúc Hội nghị Quan chức cấp cao APEC (CSOM), các thành viên đều thông qua hầu hết các sáng kiến của VN như kế hoạch hành động Hà Nội, gói cải cách APEC và dự kiến tuyên bố riêng của các nhà lãnh đạo APEC về vòng đàm phán Doha, Chủ tịch CSOM, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Công Phụng cho biết.

 

061114--Cap-cao-APEC.jpg
Phiên họp của các quan chức cấp cao APEC - Ảnh: TTXVN

 

LÃNH ĐẠO APEC SẼ TUYÊN BỐ RIÊNG VỀ VÒNG ĐÀM PHÁN DOHA

 

Một trong những nội dung quan trọng mà các quan chức cấp cao APEC thống nhất là các nhà lãnh đạo APEC sẽ ra tuyên bố riêng, trong đó kêu gọi sớm nối lại vòng đàm phán về Nghị trình Phát  triển Doha của WTO tại Hội nghị Lãnh đạo Kinh tế APEC diễn ra vào ngày 18 -19/11 tới.

Ông Phụng cho biết, tuyên bố này sẽ thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo APEC trong việc thúc đẩy vòng đàm phán Doha.

Cũng theo Chủ tịch CSOM, các nền kinh tế thành viên APEC coi đây là một đóng góp quốc tế quan trọng ngay sau khi Việt Nam gia nhập WTO.

Ông Rupert Holborow, Trưởng đoàn New Zealand tham dự phiên CSOM cho rằng trong việc phối hợp với các nền kinh tế thành viên APEC khác nhằm nối lại các cuộc thương lượng của vòng đàm phán Doha, Việt Nam đã hoàn thành công việc một cách rất tốt đẹp cho dù chỉ vài ngày trước đây, Việt Nam vẫn chưa phải là thành viên của WTO.

"Điều đó tạo thêm một thách thức nhưng Việt Nam đã xử lý rất tốt", ông Holborow nói. "Tất cả các nền kinh tế thành viên APEC đều hoan nghênh việc Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của WTO."

Với động thái ra tuyên bố trên, các nhà lãnh đạo APEC hy vọng sẽ tạo thêm động lực để khởi động lại vòng đàm phán Doha đã đổ vỡ cách đây vài tháng.

Tuy chỉ có 21 thành viên nhưng diễn đàn APEC có tiếng nói khá mạnh mẽ trên thế giới cũng như trong WTO.  21 nền kinh tế thành viên APEC chiếm khoảng 47% dân số thế giới, chiếm trên 55% GDP thế giới, và 50% kim ngạch thương mại toàn cầu.

XEM XÉT Ý TƯỞNG KHU VỰC MẬU DỊCH TỰ DO APEC

Một nội dung quan trọng khác, theo Thứ trưởng Phụng là các nhà lãnh đạo APEC lần đầu tiên sẽ bàn thảo về việc thành lập Khu vực Mậu dịch tự do APEC (FTAs). Ông Phụng cho biết, các thành viên cho rằng sự hình thành của những FTAs trong khu vực (đàm phán mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc, ASEAN – Nhật Bản, ASEAN - Ấn Độ…) và trên thế giới cho thấy nhiều cơ sở để có thể xây dựng một Khu vực Mậu dịch Tự do Châu Á – Thái Bình Dương về lâu dài.

Tuy nhiên, Chủ tịch CSOM nói việc xem xét ý tưởng xây dựng khu vực Mậu dịch Tự do Châu Á – Thái Bình Dương không ảnh hưởng tới WTO và Nghị trình Phát triển Doha.

CSOM cũng đã thông qua Kế hoạch Hành động Hà Nội, một sáng kiến của Việt Nam nhằm cụ thể hóa lộ trình Busan hướng tới mục tiêu Bogor.

Năm 1994, các thành viên APEC đã thống nhất mục tiêu Bogor xây dựng một khu vực thương mại và đầu tư tự do vào năm 2010 đối với các nước phát triển và vào năm 2020 đối với các nước đang phát triển. Hội nghị APEC 13 tại Busan, Hàn Quốc năm 2005 đã thông qua được Lộ trình Busan và với APEC 2006, Việt Nam đã cụ thể hóa lộ trình này bằng Kế hoạch Hành động Hà Nội, bao gồm các chương trình hành động chi tiết trong từng lĩnh vực, được gắn với thời gian triển khai và hoàn tất cụ thể.

“Các nền kinh tế thành viên APEC coi Kế hoạch Hành động Hà Nội không chỉ là cơ sở và kim chỉ nam cho các hoạt động hợp tác kinh tế thương mại trong APEC 15 năm tới để hoàn thành mục tiêu Bogor vào năm 2020 mà còn tăng cường và hoàn thiện các cơ chế hợp tác của APEC”, Chủ tịch CSOM nói.

Kế hoạch hành động Hà Nội là một trong những thành quả quan trọng nhất của năm APEC Việt Nam 2006 sẽ được các nhà lãnh đạo APEC thông qua tháng 11-2006.

DẤU ẤN VIỆT NAM TRONG CẢI CÁCH APEC

CSOM cũng đã thông qua Gói cải cách APEC với quyết sách nhằm giúp APEC năng động hơn, hiệu quả hơn trong một thế giới mới.

Trong các hội nghị SOM trước đó, Việt Nam đã đưa ra 3 hướng cải cách APEC là tăng cường “hiệu quả hoạt động, liên kết hoạt động và năng động hoạt động” của APEC.

 Trong nội dung này các thành viên đã thống nhất 5 kết quả chính: tăng cường nguồn lực và củng cố hoạt động của Ban Thư ký APEC quốc tế; đổi mới phương thức hoạt động của cơ chế SOM; nâng cao hiệu quả và tính liên kết hoạt động trong APEC; xây dựng chương trình nghị sự mang tính trọng tâm; tăng cường sự phối hợp giữa tiến trình SOM với tiến trình Bộ trưởng Tài chính, Hội đồng tư vấn doanh nhân ABAC, thúc đẩy hợp tác giữa APEC và các bên hưởng lợi như ASEAN, các tổ chức quốc tế và giới nghiên cứu trong khu vực.

Ông Phụng cho biết, các thành viên APEC “đánh giá rất cao sự khéo léo và linh hoạt của VN trong điều hành thảo luận và đưa ra được những điểm thống nhất trong một lĩnh vực rất nhạy cảm và rất khó đạt được đồng thuận.

Theo VNN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek