Thứ Hai, 30/09/2024 06:31 SA
Quốc hội thảo luận về các Dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân; Luật phòng, chống bạo lực gia đình
Thứ Sáu, 10/11/2006 10:38 SA

Các vấn đề chính gồm thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm, đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, giảm trừ gia cảnh… được gần 40 đại biểu quan tâm phát biểu ý kiến trong phần thảo luận về Dự án Luật thuế thu nhập cá nhân.

061110--QH.jpg
Đại biểu phát biểu tại hội trường - Ảnh: TTXVN

Hôm qua (9/11), tại Hội trường Ba Đình, các đại biểu Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu điều khiển phiên làm việc.

VẪN CÒN NHIỀU Ý KIẾN KHÁC NHAU VỀ DỰ ÁN LUẬT THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN

Về sự cần thiết phải ban hành Dự án Luật, phần lớn các đại biểu đều nhất trí với tờ trình của Chính phủ. Đóng góp ý kiến tại Hội trường, đại biểu Lê Văn Cuông (đoàn Thanh Hoá), Đặng Thị Phượng (đoàn Tây Ninh), cho rằng, đây là một loại thuế trực thu, góp phần quan trọng trong nguồn thu của ngân sách Nhà nước, giúp cho Nhà nước điều tiết hợp lý thu nhập, hạn chế sự chênh lệch quá lớn giữa các tầng lớp dân cư, góp phần giải quyết tốt hơn các vấn đề xã hội, tăng cường công tác kiểm soát thu nhập.

Đại biểu Đặng Như Lợi (đoàn Cà Mau) nhấn mạnh, khi người dân thực hiện tốt việc nộp thuế thu nhập cá nhân là phát huy quyền làm chủ của mình, nâng cao trách nhiệm hoạt động giám sát bộ máy Nhà nước tốt hơn. Đồng thời, sự ban hành Luật này sẽ tạo điều kiện để mọi công dân thể hiện quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất nước, từng bước làm quen với cách thức quản lý kinh tế tiên tiến.

Trái với các ý kiến trên, một số đại biểu cho rằng, việc đưa ra Dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân lúc này là cần thiết, đại biểu Trần Mạnh Đĩnh (đoàn Nam Định) và một số đại biểu đề nghị chưa nên đưa ra Dự án Luật Thuế thu nhập vào thời điểm này. Bảo vệ quan điểm của mình, đại biểu Trần Mạnh Đĩnh cho rằng, mấu chốt để giải quyết vấn đề chính là quản lý về thu nhập cá nhân. Trong Dự án Luật này chưa xác định được quản lý thu nhập của cá nhân bằng cách nào mà đưa ra các phương án thuế thì chưa có cơ sở và không khả thi.

LÃI TIẾT KIỆM THUỘC DIỆN CHỊU THUẾ: VẪN CHƯA NGÃ NGŨ

Về thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm, một số đại biểu băn khoăn việc Dự án Luật quy định thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân. Các đại biểu Vũ Ngọc Cừ (đoàn Lào Cai), Tào Hữu Phùng (đoàn Hà Tây), Đặng Thị Phượng (đoàn Tây Ninh) cho rằng, quy định như vậy sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng, hạn chế việc huy động tiền tạm thời nhàn rỗi của nhân dân cho đầu tư phát triển, trong khi đất nước đang cần huy động tối đa các nguồn lực của xã hội để đầu tư, phát triển kinh tế và kiểm soát lạm phát.

Cũng theo đại biểu Tào Hữu Phùng (đoàn Hà Tây), tâm lý của người gửi tiết kiệm ở nước ta, thường xem đó là khoản tiền để dành để tăng thêm thu nhập cho chi tiêu sinh hoạt hàng ngày. Khi số tiền đó bị đánh thuế dù ít hay nhiều cũng đều tạo tâm lý không tốt dẫn đến việc người dân chuyển sang đầu tư vàng cất trữ hoặc mua sắm các tài sản khác hoặc người gửi sẽ lách luật bằng cách chia nhỏ số tiền, gửi ở nhiều ngân hàng khác nhau hoặc để người thân của mình đứng tên để tránh phải nộp khoản thuế này.

Không đồng quan điểm với nhiều đại biểu trong buổi thảo luận sáng cho rằng, không nên quy định thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân, đại biểu Lê Quốc Dung (đoàn Thái Bình), Nguyễn Đức Dũng (đoàn Kon Tum) và một vài ý kiến cho rằng, phải đánh thuế thu nhập từ tiền gửi tiết kiệm. Đại biểu Nguyễn Đức Dũng giải thích rằng, với lãi suất ngân hàng như hiện nay, khi người dân phải đánh thuế tiền gửi tiết kiệm chứng tỏ họ đã có một số tiền không dưới 700 triệu đồng gửi ở ngân hàng. Đây là những đối tượng rất nhiều tiền vì thế việc phải nộp thuế là cần thiết. Và nếu không đánh thuế nguồn tiền gửi này thì Nhà nước sẽ bỏ phí một nguồn thu lớn.

THỰC HIỆN TỐT VIỆC NỘP THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN LÀ PHÁT HUY QUYỀN LÀM CHỦ CỦA CÔNG DÂN

Về đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân, đại biểu Đặng Như Lợi (đoàn Cà Mau) và nhiều đại biểu cho rằng, đối tượng kê khai và nộp thuế không phân biệt độ tuổi, cứ có thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân và trên ngưỡng tính thuế thì phải kê khai và nộp thuế; đối với người ở tuổi vị thành niên thì Bố, mẹ hoặc người giám hộ kê khai, nộp thuế thay theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Đại biểu còn đề nghị, kể cả người nước ngoài có thu nhập phát sinh ở Việt Nam thì đều bị đánh thuế thu nhập.

Về thu nhập không thuộc diện chịu thuế nhiều ý kiến cho rằng, nếu nhất quán quan điểm phải bảo đảm bình đẳng, công bằng giữa Nhà nước với các tổ chức, cá nhân thì cần rà soát, cân nhắc để đưa một số khoản thu nhập như: thu nhập từ tiền lãi trái phiếu Chính phủ, tín phiếu, trái phiếu kho bạc Nhà nước, trái phiếu đô thị và các loại trái phiếu do địa phương phát hành được ngân sách trung ương bảo lãnh, thu nhập từ kiều hối vào diện thu nhập chịu thuế. Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng, các nguồn vốn trên đang rất cần thiết phải thu hút để gia tăng đầu tư phát triển đất nước; nếu đưa vào thu nhập chịu thuế thì e rằng các nguồn vốn này sẽ giảm đáng kể.

Đóng góp về vấn đề này, đại biểu Vũ Ngọc Cừ (đoàn Lào Cai) cho rằng, đối với các khoản phụ cấp đã nêu trong Dự án Luật, nên đưa thêm phụ cấp khu vực và phụ cấp thu hút. Vì những người công tá ở những vùng có điều kiện khó khăn mới được Nhà nước quy định cho hưởng phụ cấp khu vực, nếu đưa phụ cấp này vào diện chịu thuế là không hợp lý. Tương tự như vậy, nếu đưa phụ cấp thu hút vào diện chịu thuế cũng không thu hút được cán bộ về công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

CẦN TÍNH NGƯỠNG NỘP THUẾ HỢP LÝ ĐỂ ĐẢM BẢO SINH HOẠT CỦA NGƯỜI DÂN

Về giảm trừ gia cảnh, theo dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân, mức giảm trừ gia cảnh gồm 2 phần, phần đối với người nộp thuế và phần đối với những người phụ thuộc mà người nộp thuế có trách nhiệm nuôi dưỡng, dự kiến 2 phương án: Phương án 1 là 4 triệu đồng/tháng (48 triệu đồng/năm); Phương án 2 là 5 triệu đồng/tháng (60 triệu đồng/năm) là ngưỡng bắt đầu chịu thuế.

Theo đại biểu Đặng Thị Phượng (đoàn Tây Ninh), đối tượng đóng thuế thu nhập sẽ tập trung ở khu vực đô thị, thành phố, bởi vì khu vực nông thôn ít có người đạt được. Nếu lấy chi tiêu và thu nhập bình quân đầu người cả nước là không hợp lý. Phải tính đến đảm bảo sinh hoạt và đời sống cho người dân. Đại biểu đề nghị phải có khảo sát lại kỹ hơn để xác định rõ hơn đối tượng được giảm trừ gia cảnh và mức chịu thuế.

Cũng trong buổi thảo luận hôm nay, các đại biểu đã cho ý kiến về tên gọi của Dự án Luật. Đa số đại biểu nhất trí với tên gọi của Luật là Luật thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, đại biểu Đặng Thị Phượng (đoàn Tây Ninh), Vũ Ngọc Cừ (đoàn Lào Cai) và một số đại biểu khác cho rằng, do chọn ngưỡng thu nhập để tính thuế thu nhập cá nhân, thực chất là quy định đối với người có thu nhập cao, không phải là cứ có thu nhập dù ít hay nhiều là phải chịu thuế thu nhập cá nhân, do đó tên gọi của Luật là Luật thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao thì mới đúng nội dung của dự án Luật. 

BẠO LỰC GIA ĐÌNH ĐÃ TRỞ NÊN BỨC XÚC TRONG XÃ HỘI

Cùng ngày, tại Hội trường 37 Hùng Vương, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật phòng, chống bạo lực gia đình. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phúc Thanh điều khiển phiên làm việc. Tại buổi thảo luận, đại biểu Triệu Thị Bình (đoàn Yên Bái), Trần Thanh Khiêm (đoàn Cà Mau), Néang Kim Cheng (đoàn An Giang)  và đa số đại biểu nhất trí với sự cần thiết phải ban hành Luật phòng, chống bạo lực gia đình. Theo các đại biểu, bạo lực gia đình là một vấn đề mang tính xã hội, vi phạm quyền của công dân, quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự và gắn với nhân thân của từng người. Bạo lực gia đình xảy ra ở nhiều nơi, ở nhiều lĩnh vực, xảy ra ở nhiều đối tượng có trình độ nhận thức khác nhau. Đây là 1 bức xúc trong xã hội, cho nên việc ban hành một luật về phòng, chống bạo lực trong gia đình là cần thiết, góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức trách nhiệm cũng như thái độ ứng xử của mỗi cá nhân, mỗi gia đình trong cộng đồng dân cư và cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội góp phần bảo vệ hạnh phúc, sự phát triển lành mạnh của mỗi gia đình.

Theo đại biểu Dương Ngọc Ngưu (đoàn Thanh Hoá), vấn đề bạo lực trong gia đình có liên quan đến nhiều lĩnh vực đã được quy định trong văn bản đã và sắp ban hành. Ví dụ: Luật Hôn nhân gia đình, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Pháp lệnh Người cao tuổi... Do đó, vấn đề đặt ra là khi quy định trong dự án luật này phải tránh được việc trùng lặp với các văn bản pháp luật đã quy định.

Về xử lý hành vi vi phạm, đại biểu Néang Kim Cheng (đoàn An Giang) đề nghị, phải hết sức tế nhị với phương châm là “Hàn gắn” và lấy giáo dục thuyết phục là chủ yếu để giữ gìn hạnh phúc gia đình, vợ, chồng, con cái.

Về trách nhiệm cơ quan quản lý Nhà nước, đại biểu Tô Minh Giới (đoàn Cần Thơ) đề nghị, cần quy định hết sức cụ thể ở từng cấp, từng thôn ấp xóm, khu vực đến xã phường, thị trấn, quận huyện, thành phố, tỉnh v.v... trách nhiệm như thế nào, quy định cụ thể phạm vi quyền hạn cho rõ hơn để dễ tiến hành trong việc phân công, phân cấp trách nhiệm.

Về nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình, đại biểu Nguyễn Kim Cúc (đoàn Long An) và một số đại biểu cho rằng, quy định như dự thảo luật còn chung chung, chưa rõ trách nhiệm tham gia của cá nhân, gia đình, cộng đồng về phòng, ngừa bạo lực gia đình trước khi bạo lực gia đình xảy ra, nhằm ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình. Đại biểu đề nghị, ngoài việc thông tin, tuyên truyền giáo dục phòng, chống bạo lực gia đình, cần thiết phải có điều, khoản khuyến khích người đang có nguy cơ bạo lực gia đình thổ lộ với người có trách nhiệm của các đoàn thể mà người đó là hội viên, đoàn viên để giúp đỡ. Trách nhiệm của những người xung quanh trong cộng đồng, của những người đứng đầu chi hội, chi đoàn ở cơ sở, các khu phố tham gia vào giải quyết những mâu thuẫn, xung đột có nguy cơ đưa đến bạo lực gia đình. Dự thảo luật cần tạo ra cơ chế cho nhân dân ở cơ sở có thể tham gia ngăn chặn bạo lực gia đình, đồng thời có trách nhiệm phát hiện, báo cáo những vụ việc mâu thuẫn trong gia đình cho người có trách nhiệm, để cùng nhau bàn bạc, giải quyết xung đột trước khi những hành vi bạo lực gia đình xảy ra.

Hôm nay (10/11), Quốc hội tiếp tục chia hai Hội trường để thảo luận các Dự án Luật Tương trợ tư pháp; Luật phòng, chống các bệnh truyền nhiễm.

 

(Theo VOV)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek