Các công trình phúc lợi xã hội góp phần xây dựng, cải tạo bộ mặt nông thôn mới. Trong ảnh: Công viên 25 Tháng 2 (thị trấn Hai Riêng) Ảnh: N.CƯỜNG |
Trên lĩnh vực nông-lâm nghiệp, diện tích gieo trồng hàng năm đạt 18.000 ha. Cơ cấu cây trồng tiếp tục chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ. Giá trị trên một đơn vị diện tích được nâng lên. Cùng với phát triển, đầu tư thâm canh tăng năng suất các loại cây công nghiệp ngắn ngày, như sắn 6.000 ha (tăng 3.026 ha); mía 2.500 ha (tăng 815 ha so với năm 2005), cung cấp ổn định vùng nguyên liệu bảo đảm cho các nhà máy hoạt động, Sông Hinh đã và đang từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung cây công nghiệp dài ngày như: cà phê 1.500 ha (tăng 702 ha), cao su 2.050 ha (tăng 1.050ha so với năm 2005). Hầu hết các loại cây trồng đều được thay thế giống mới có năng suất và chất lượng cao hơn. Trong đó, năng suất lúa nước tăng 5,5tạ/ha; mía tăng 8,4 tấn/ha so với năm 2005. Tổng sản lượng lương thực hàng năm 14.000 tấn, đạt 77% kế hoạch, góp phần bảo đảm ổn định lương thực cho nhân dân trong huyện.
Phát huy lợi thế của huyện trong chăn nuôi đại gia súc, huyện đã đề ra nhiều giải pháp, như ưu tiên đầu tư để phát triển chăn nuôi bò, đồng thời xác định chăn nuôi bò hàng hóa là ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỉ trọng chủ yếu trong cơ cấu nông nghiệp. Khuyến khích các mô hình chăn nuôi vừa và nhỏ. Chú trọng nâng cao chất lượng đàn bò trên cơ sở chăn nuôi thâm canh và lai tạo giống. Một số mô hình chăn nuôi theo hướng trồng cỏ, dự trữ thức ăn, nuôi bò vỗ béo; mô hình nuôi heo rừng, nhím, cá nước ngọt có hiệu quả kinh tế cao đã và đang được nhân rộng. Công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng được chú trọng. Bình quân hàng năm toàn huyện trồng mới trên 600ha rừng, nâng tổng số rừng trồng tập trung trên toàn huyện hiện nay 5.134ha (tăng 2.900ha so với năm 2005). Tỉ lệ độ che phủ rừng đạt 39,75%.
Cùng với nông – lâm nghiệp, những năm qua huyện Sông Hinh luôn thực hiện chủ trương, chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến nông, lâm sản, vật liệu xây dựng nhằm khai thác triệt để các thế mạnh của địa phương. Theo thống kê, giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng tốc độ tăng bình quân 5 năm (2005-2010) đạt 20,39%, chiếm tỉ trọng đáng kể trong cơ cấu kinh tế địa phương.
Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, nâng cấp, nhất là các công trình phúc lợi xã hội, đã góp phần xây dựng, cải tạo bộ mặt nông thôn mới. Hệ thống giao thông từ huyện đến các xã và thôn, buôn, khu phố được nâng cấp và kiên cố hóa bảo đảm giao thông thông suốt. Đến nay, bình quân mỗi xã có 4,1 km đường nhựa hoặc bêtông ximăng, đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra; trụ sở làm việc của các cơ quan Đảng, Chính quyền và các tổ chức đoàn thể từ huyện đến cơ sở hầu hết được xây dựng kiên cố, khang trang. Điện lưới quốc gia đã phủ hết 100% thôn, buôn; số hộ dân sử dụng điện đạt 97% (tăng 17% so với năm 2005). Hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung đã được xây dựng và đưa vào hoạt động, từng bước đáp ứng nhu cầu cho người dân ở 8/11 xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân. Giá trị ngành thương mại - dịch vụ có mức tăng trưởng khá, đến năm 2010 đạt 85,584 tỉ đồng, tốc độ tăng bình quân hàng năm (2005-2010) đạt 15,1%.
100% các xã có bưu điện văn hóa, mạng lưới viễn thông. Hầu hết các khu vực dân cư được phủ sóng phát thanh truyền hình, tất cả các xã, thị trấn có hệ thống truyền thanh. Phần lớn các xã đã xây dựng được chợ hoặc khu vực buôn bán nhỏ. Chương trình kiên cố hóa trường học được đẩy mạnh, các xã đều có trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, một số vùng đồng bào dân tộc có trường bán trú. Đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được nâng lên.
Mục tiêu tổng quát của Đảng bộ và nhân dân trong huyện 5 năm 2010-2015 là: Phát huy dân chủ, trí tuệ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; quyết tâm xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; giữ vững an ninh-quốc phòng; đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; đưa huyện Sông Hinh vững bước tiến lên. Phấn đấu đến năm 2020, thị trấn Hai Riêng phát triển thành đô thị loại 4; đưa huyện Sông Hinh phát triển nhanh, mạnh, vững chắc; nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
LẠC VIỆT
CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU CỦA NHIỆM KỲ 2010 – 2015 -Tốc độ tăng trưởng một số ngành sản xuất chính bình quân hàng năm đạt 19,17%. Trong đó, nông - lâm nghiệp tăng 18,25%; công nghiệp - xây dựng tăng 19,5%; thương mại - dịch vụ tăng 20,25%. Phấn đấu tỉ trọng trong cơ cấu giữa các ngành chính: nông-lâm nghiệp chiếm 32,76%; công nghiệp - xây dựng chiếm 55,73%; thương mại - dịch vụ 11,51%. -Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2015 đạt 17 triệu đồng/người/năm. - Mở rộng diện tích có tưới lên 1.600-1.800ha; nâng diện tích cao su lên 5.000ha, trồng mới 1.000ha ca cao. Phát triển chăn nuôi bò theo hướng thâm canh, nâng tỉ lệ bò lai chiếm 40-50% tổng đàn. - Hàng năm trồng mới 600ha rừng tập trung, nâng độ che phủ rừng lên 45%. - Thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 13,2% - 17,4%/năm; đến năm 2015 phấn đấu thu ngân sách từ 35 - 40 tỉ đồng. - Giảm tỉ lệ hộ nghèo hàng năm từ 3-4%; 99% hộ gia đình được sử dụng điện; 90% hộ dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. - Phấn đấu có 2-3 xã, thị trấn đạt phổ cập Trung học phổ thông; 30% trường học đạt chuẩn quốc gia; trên 90% phòng học được kiên cố hóa. - Phấn đấu có 100% trạm y tế có bác sỹ; mỗi năm xây dựng được 2 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; giảm tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi 2%/năm; giảm tỉ lệ gia tăng dân số tự nhiên 0,02%/năm. - Xây dựng một xã đạt chuẩn nông thôn mới. - Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh nông thôn; giảm các loại tội phạm và tai nạn giao thông; giao quân hàng năm đạt 100%. - Phấn đấu không có tổ chức cơ sở Đảng yếu kém. Hàng năm phát triển đảng viên mới tăng 7% so với tổng số đảng viên toàn Đảng bộ.