Thứ Bảy, 30/11/2024 01:28 SA
Nguyễn Văn Linh là như thế!
Thứ Năm, 01/07/2010 09:00 SA

Khoảng năm 1987, tôi đang làm Tổng Biên tập Báo Lao Động. Báo chí ngày ấy đang khởi sắc trong phong trào nhìn thẳng vào sự thật, nói lên sự thật, cùng nhân dân tìm đường thoát ra khỏi cơ chế bao cấp quan liêu đang kìm hãm con đường tiến lên của toàn dân tộc.

 

Được sự cổ vũ của mục báo hằng ngày “Những việc cần làm ngay” ký tên N.V.L (Báo Nhân Dân), chúng tôi mạnh bạo đưa lên báo những vấn đề nóng bỏng trong thời cuộc, những hiện tượng trong đời sống chính trị - xã hội mà trước năm 1986 không bao giờ được đưa lên mặt báo. Ngày ấy ai cũng biết N.V.L chính là bút danh của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.

 

nvl100701.jpg

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tại TP Hồ Chí Minh tháng 10/1990 - Ảnh: TƯ LIỆU

 

BÀI BÁO CỰC HAY

 

Nhà cách mạng lão thành Lê Giản gửi đến chúng tôi một bài báo nêu lên một vấn đề thời sự: Trong tất cả những hiện tượng tiêu cực đang diễn ra trong xã hội ta, có một loạt hiện tượng đang xảy ra ở các cấp Trung ương, các lãnh đạo trong hệ thống quản lý của Đảng và Nhà nước. Bằng giọng văn chân thực, tâm huyết, ông đưa ra một số hiện tượng làm ví dụ mà ai cũng thấy ngay đó là sự thật, chỉ có điều nói ra hay không mà thôi. Cuối bài báo, ông kết bằng câu: “Khi cái mái nhà nó đã dột thì việc quét tước ở dưới là vô ích”.

 

Bài báo cực hay. Chúng tôi rất kính trọng ông nhưng câu kết bài báo thì cũng hơi gờn gợn. Thời điểm đó tôi phải đi họp Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn lao động (TLĐLĐ) Việt Nam  nên bảo thư ký tòa soạn: “Tôi đi họp về sẽ bàn với cụ sửa sang tí chút rồi hãy đăng”.

 

Nhưng hai ngày sau, khi tôi đang ngồi họp ở Hải Phòng (nơi đăng cai cuộc họp) thì thấy số báo có đăng bài của Lê Giản đặt trên bàn. Thì ra ở nhà, anh Phạm Văn Nhàn, Phó Tổng Biên tập, đã trực tiếp gặp Lê Giản và tác giả bảo không đồng ý sửa một chữ. Thời ấy rất khó liên lạc nên anh Nhàn quyết định in bài báo lên trang nhất, ở vị trí trang trọng nhất. Sau khi bài báo đăng, chúng tôi đã nhận được sự phản hồi tâm đắc và nể trọng của bạn đọc.

 

ĐỪNG LÀM ANH EM NHỤT CHÍ

 

Khoảng một tuần sau, tôi được triệu tập đến phòng họp của Trung ương. Nguyên do là Bộ Chính trị đang chuẩn bị bản dự thảo Chỉ thị về đổi mới báo chí trong thời kỳ mới. Toàn thể Ban Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam - trong đó có tôi - được mời đến tham gia ý kiến.

 

Cuộc họp ấy có đông đủ các đồng chí trong Bộ Chính trị và Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là người chủ trì. Thế rồi giờ phút nghiêm trọng nhất trong đời làm báo của tôi đã đến. Một đồng chí trong Bộ Chính trị (tôi xin phép không nêu tên) đứng lên giơ cao tờ Lao Động có đăng bài của Lê Giản, tôi liếc thấy đầy những dòng gạch đỏ.

 

Ông nói (đại ý): Đổi mới báo chí là thế này đây. Cơ quan ngôn luận của TLĐLĐ  Việt Nam đăng một bài báo của nhà cách mạng lão thành Lê Giản ngay trên trang nhất, với kết luận: “Khi cái mái nhà nó đã dột thì việc quét tước ở dưới là vô ích”. Nói như thế thì có khác gì một lời kêu gọi. Còn lời kêu gọi gì thì ai cũng biết”.

 

Phòng họp im phăng phắc. Những ý kiến tiếp theo đằng sau những đóng góp vào dự thảo Chỉ thị đổi mới báo chí đều có nhắc đến Báo Lao Động, tôi nghe nhiều giọng nói nghiêm khắc. Không khí vô cùng căng thẳng. Bỗng Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đứng dậy.

 

Ông nói giọng giản dị, từ tốn: “Bây giờ tôi xin phép Bộ Chính trị đi chữa răng, vì tôi đã hẹn với bác sĩ. Tôi xin nói trước mấy ý kiến về bản dự thảo”. Ông thong thả nói về sự cần thiết phải đổi mới báo chí và “những việc cần làm ngay” trong đổi mới báo chí. Sau đó, ông dừng lại vài giây và nhìn về phía ông Phạm Thế Duyệt, Tổng Thư ký Tổng LĐLĐ Việt Nam, rồi mắt ông tìm về phía tôi.

 

Ông nói: “Còn về Báo Lao Động, các đồng chí làm báo phải lắng nghe ý kiến phê bình của Trung ương. Nhưng về phía Trung ương thì tôi xin đề nghị thế này. Báo chí đang thời kỳ mạnh bạo đổi mới, không tránh khỏi những sai sót, lỡ lời, đụng chạm. Nếu nhân việc này Trung ương làm nghiêm khắc quá thì không khỏi làm cho anh em nhụt chí, rất không có lợi cho đổi mới, cho cách mạng. Tôi đề nghị dừng vụ Báo Lao Động ở đây. Anh Đỗ Mười thay tôi điều khiển cuộc họp”. Nói xong ông chào mọi người, chào các đồng chí trong Ban Thư ký Hội Nhà báo VN, nhẹ nhàng rời khỏi phòng họp.

 

Ông Đỗ Mười mời mọi người giải lao 15 phút. Ở cửa phòng họp, ông vỗ vai tôi, bảo: “Tổng biên tập phải nhớ nhé, thế nào là tổng biên tập”. Vào giây phút ấy, bát chè xanh ăn nhẹ trong giờ nghỉ đối với tôi trở nên ngon lành hơn bao giờ hết. Nguyễn Văn Linh là như thế. Bây giờ mỗi lần đi trên đường Nguyễn Văn Linh, trong tôi lại hiện lên cái không khí phòng họp hôm đó, những giọng nói như đinh đóng, như dao chém, cái trang báo đầy những gạch đỏ đánh dấu. Nhưng bao trùm lên trên hết là giọng nói từ tốn, hiền dịu, nhân hậu và đầy uy lực của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh...

 

XUÂN CANG - (NLĐ)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek