I. KHÁI LƯỢC VỀ THÂN THẾ VÀ SỰ NGHIỆP CỦA ĐỒNG CHÍ TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN VĂN LINH
Đồng chí Nguyễn Văn Linh, tên thật là Nguyễn Văn Cúc (còn gọi là Mười Cúc), sinh ngày 01/7/1915 tại Hà Nội (quê gốc làng Yên Phú, xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Xuất thân trong một gia đình yêu nước, sớm giác ngộ cách mạng, thấu hiểu cảnh đau khổ của đất nước lầm than, nô lệ, năm 1929, đồng chí tham gia phong trào Học sinh đoàn của Hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh thăm và làm việc tại nhà máy công cụ số 1 ngày 13/3/1987
Năm 1930, đồng chí bị địch bắt. Mặc dù chưa đến tuổi thành niên, đồng chí vẫn bị chính quyền thực dân đưa ra xét xử, kết án tù chung thân, đày đi Côn Đảo. Năm 1936, Chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp lên cầm quyền, đồng chí được trả tự do, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Ngay sau khi ra tù đồng chí tiếp tục hoạt động, tích cực tham gia khôi phục phong trào cách mạng, lập lại Thành ủy Hải Phòng và được bầu làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng.
Năm 1939, đồng chí được Trung ương Đảng cử vào tham gia Thành ủy Sài Gòn. Đầu năm 1941, đồng chí được Trung ương điều động ra Trung kỳ chắp nối lại phong trào cách mạng, chuẩn bị lập lại xứ ủy, đến Vinh (Nghệ An) đồng chí bị địch bắt, kết án 5 năm tù và đày ra Côn Đảo lần thứ hai.
Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí được Trung ương Đảng phân công tham gia chiến đấu ở Nam Bộ và từ đó gắn bó cuộc đời hoạt động cách mạng của mình với đồng bào miền Nam trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đồng chí lần lượt được Đảng giao các trọng trách: Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn (1946-1947), Bí thư đặc khu ủy Sài Gòn - Gia Định, quyền Bí thư Xứ ủy Nam Bộ (1957-1960). Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (1960), đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được chỉ định làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam và sau đó là Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam.
Năm 1976, đồng chí là Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh. Đại hội Đảng khóa IV, khóa V đồng chí được bầu là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng và đảm nhiệm các chức vụ: Trưởng ban Cải tạo xã hội chủ nghĩa Trung ương, Trưởng ban Dân vận và Mặt trận Trung ương, Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam.
Tháng 12/1981, đồng chí được Trung ương Đảng phân công trở lại làm Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh. Tháng 3/1982, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tháng 6/1985, tại Hội nghị Trung ương 8, đồng chí được bầu vào Bộ Chính trị, tiếp tục làm Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh. Tháng 6/1986, đồng chí được phân công tham gia Ban Bí thư Trung ương Đảng và giữ cương vị Thường trực Ban Bí thư.
Tháng 12/1986, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng - đại hội mở đầu thời kỳ đổi mới, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, VIII của Đảng đồng chí được cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đồng chí Nguyễn Văn Linh mất ngày 27/4/1998 tại TP Hồ Chí Minh, hưởng thọ 83 tuổi.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Linh thật oanh liệt và phong phú, trải rộng trên cả ba miền của đất nước, trong đó phần lớn thời gian gắn bó máu thịt với miền Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cuộc đời cách mạng của đồng chí gắn liền với những chặng đường cam go, gian khổ, hào hùng của Đảng và dân tộc ta. Dù ở trong hoàn cảnh nào, với nhiệm vụ gì, đồng chí đều hoàn thành xuất sắc và có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng. Đồng chí đã được tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Đảng, Nhà nước ta và nhiều nước trên thế giới.
II.NHỮNG CỐNG HIẾN TO LỚN CỦA ĐỒNG CHÍ TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN VĂN LINH ĐỐI VỚI SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG CỦA ĐẢNG, CỦA DÂN TỘC
1. Đồng chí Nguyễn Văn Linh, một người cộng sản kiên cường, bất khuất; một nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo
Đồng chí Nguyễn Văn Linh mồ côi cha mẹ từ nhỏ, tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm. Mới 15 tuổi đồng chí đã bị thực dân Pháp kết án tù chung thân, hai lần bị địch bắt và đày ra Côn Đảo. Hơn 10 năm bị địch giam cầm tại địa ngục trần gian - Côn Đảo, kẻ thù đã dùng mọi cực hình, đòn roi tra tấn, nhưng đồng chí vẫn nêu cao khí phách anh hùng, kiên cường, bất khuất, giữ vững khí tiết cách mạng, cùng các đồng chí trong chi bộ đảng nhà tù tổ chức các lớp học tập chính trị, văn hóa, ngoại ngữ, biến nhà tù thực dân, đế quốc thành trường học cộng sản. Ngay sau khi được ra tù, đồng chí lại lao vào hoạt động cách mạng, không sợ hy sinh, gian khổ, được Đảng tin cậy cử đến hoạt động ở những nơi phong trào cách mạng gặp khó khăn. Đồng chí là một trong những người đề xuất thực hiện hợp nhất hai tổ chức Việt Minh: Bộ Việt Minh Sài Gòn và Ủy ban Việt Minh Chợ Lớn, lập ra Thành ủy lâm thời thành phố Sài Gòn - Gia Định. Trong thời kỳ gay go nhất và cũng oanh liệt nhất của cách mạng miền Nam, kẻ thù dùng luật 10/59 dìm cách mạng miền Nam trong biển máu và thời kỳ hàng triệu quân Mỹ - ngụy càn quét tìm diệt lực lượng cách mạng, đồng chí không lúc nào xa rời quần chúng, luôn luôn gắn bó với phong trào cách mạng của miền Nam để xây dựng Đảng. Với trách nhiệm Phó Bí thư, Bí thư Trung ương Cục đồng chí đã chủ trì và cùng các đồng chí Trung ương Cục lãnh đạo và phát động quần chúng nổi dậy phá ách kìm kẹp của địch, xây dựng căn cứ địa cách mạng, phát triển chiến tranh du kích, xây dựng lực lượng quân giải phóng, đánh bại các chiến lược chiến tranh cục bộ, chiến tranh đặc biệt và Việt Nam hóa chiến tranh của đế quốc Mỹ và bọn tay sai, tổng tiến công nổi dậy Tết Mậu Thân (1968), giành toàn thắng trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (1975).
Đất nước thống nhất, với cương vị là Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí đã trăn trở, tìm tòi các giải pháp nhằm đẩy mạnh công cuộc xây dựng thành phố theo định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với điều kiện của thành phố đã quen với nền kinh tế thị trường. Đồng chí luôn khuyến khích, cổ vũ những người dám tìm tòi, dám “xé rào”, cổ vũ các đồng chí của mình dũng cảm, sáng tạo, thay đổi cách nghĩ, cách làm khi cơ chế, chính sách ở cấp vĩ mô chưa thay đổi kịp. Đồng chí nói: “Phải tự cứu lấy mình, trước khi trời cứu”. Trong tìm tòi bước đi đổi mới, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã có những lời tâm huyết như: “Mình phải chặt chẽ với mình. Khi thấy mình đúng, có ý thức xây dựng thì phải kiên quyết bảo vệ chân lý, phải dũng cảm”; “Đổi mới là cuộc cách mạng sâu sắc, triệt để: đổi mới tư duy, đổi mới chính sách, đổi mới tổ chức, đổi mới cán bộ... Người lãnh đạo mà bảo thủ, sai lầm, không chấp nhận đổi mới thật sự thì không thể lãnh đạo được”.
Những tìm tòi thử nghiệm, những mô hình mới ở TP Hồ Chí Minh và một số địa phương khác trong cả nước đã góp phần quý báu giúp Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị quyết định xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, thực hiện cơ chế mới, mở ra công cuộc đổi mới - bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử cho cách mạng Việt Nam. Đồng chí đã đề xướng và kiên trì thực hiện đổi mới có nguyên tắc - đổi mới nhưng luôn luôn giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện nghiêm túc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Trong bối cảnh quốc tế cực kỳ phức tạp, công cuộc cải tổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu phạm sai lầm về chiến lược; đất nước ta bị chủ nghĩa đế quốc bao vây, cấm vận, cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội diễn ra nghiêm trọng, đời sống của cán bộ và nhân dân gặp nhiều khó khăn, niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước bị giảm sút. Với tinh thần kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng, trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cùng tập thể Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng vững vàng, chủ động, sáng tạo lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, vượt qua thử thách, kiên trì đường lối đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, với những bước đi và cách làm phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam: Tập trung đổi mới kinh tế, đồng thời từng bước đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị, kiên quyết không chấp nhận đa nguyên, đa đảng; coi trọng phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo của đồng chí Nguyễn Văn Linh, công cuộc đổi mới của đất nước ta đã đạt được thành tựu quan trọng: từ một nước thiếu triền miên về lương thực chúng ta đã đảm bảo an ninh về lương thực và có lượng gạo xuất khẩu lớn; từ một nước làm không đủ ăn, thu không đủ chi, xuất khẩu không đủ nhập khẩu chúng ta đã phấn đấu ra khỏi nhóm nước chậm phát triển và đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, cải thiện đời sống của nhân dân, mở rộng quan hệ đối ngoại và nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế.
Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới đất nước, thuộc về toàn Đảng, toàn dân ta, trong đó có công lao đóng góp quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.
2. Đồng chí Nguyễn Văn Linh - một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Nguyễn Văn Linh không thường xuyên làm việc bên cạnh Bác Hồ, nhưng đồng chí luôn quán triệt sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trải qua nhiều vị trí lãnh đạo khác nhau ở địa phương và cơ quan Trung ương, dù ở đâu, làm việc gì, đồng chí cũng đem hết trí tuệ, sức lực để cống hiến cho Đảng và nhân dân, đặt lợi ích chung của cách mạng lên trên lợi ích cá nhân. Hơn 10 năm bị địch giam cầm, tra tấn trong ngục tù Côn Đảo, 30 năm gian khổ trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ ở miền Nam, đến khi trở thành Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí luôn phát huy phẩm chất kiên cường của người cộng sản, thể hiện cao đẹp đức tính liêm khiết, khiêm tốn, cuộc sống giản dị, mẫu mực, là tấm gương sáng về phẩm chất của người cộng sản “tận trung với nước, tận hiếu với dân” theo gương Bác Hồ.
Nét nổi bật trong phong cách của đồng chí Nguyễn Văn Linh là tác phong tỉ mỉ, cụ thể, dân chủ. Đồng chí thường xuyên đi xuống cơ sở, gặp gỡ cán bộ và nhân dân, khơi gợi một cách dân chủ để mọi người phát biểu, tranh luận, đề xuất; lắng nghe ý kiến của nhân dân, nhất là những ý kiến trái ngược, để suy nghĩ, cân nhắc, giải quyết phù hợp và có hiệu quả nhất; mỗi quyết sách của đồng chí đều là kết quả tìm tòi trên cơ sở tập hợp trí tuệ của quần chúng.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh rất chú trọng công tác tổng kết thực tiễn. Mỗi khi hoạch định, ban hành đường lối, chính sách mới, đồng chí đều xuất phát từ thực tiễn, từ tình hình cụ thể của đất nước. Trước những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, đồng chí thường lấy thực tiễn để thuyết phục, kết luận. Đồng chí thường xuyên nhắc nhở cấp ủy đảng và cán bộ các cấp phải đi sâu, đi sát cuộc sống của nhân dân, tổng kết thực tiễn để hoàn chỉnh chủ trương, đường lối đã đề ra. Đồng chí nói: “Mọi vấn đề đều có thể tranh luận quyết liệt, nhưng đã quyết thì phải theo đa số, rồi thực tiễn sẽ là ông thầy phán xét”. Đường lối đổi mới của Đảng ta hình thành và phát triển từ tổng kết thực tiễn sáng tạo của nhân dân, trong đó có cống hiến của đồng chí Nguyễn Văn Linh. Trên trọng trách Tổng Bí thư khóa VI, đồng chí đã cùng tập thể Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhạy bén, chủ động, sáng tạo, khôn khéo chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua những bước hiểm nghèo, đẩy mạnh công cuộc đổi mới và thu được những thành tựu rất quan trọng, tạo tiền đề cơ bản để đất nước phát triển nhanh trong những giai đoạn tiếp theo.
Là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn luôn nêu cao đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, tận trung với nước, tận hiếu với dân, sống trung thực, thẳng thắn, chan hòa, gần gũi mọi người, ghét thói phô trương, hình thức. Đồng chí nhận thấy bệnh tham nhũng, lãng phí, quan liêu có thể trở thành nguy cơ đe dọa sự sống còn của chế độ xã hội chủ nghĩa, những bài báo “Những việc cần làm ngay” đăng trên báo Nhân Dân, ký tên N.V.L vào năm đầu thời kỳ đổi mới, tạo ra luồng sinh khí mới trong xã hội, đã thể hiện sự trăn trở và tinh thần quyết tâm của người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ lợi ích và quyền làm chủ của nhân dân. Tại Đại hội lần thứ VII của Đảng (tháng 6/1991), mặc dù còn đủ sức khỏe để tái cử, đồng chí vẫn xin phép toàn Đảng, toàn dân thôi giữ chức Tổng Bí thư. Trên cương vị Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí tiếp tục đem hết sức lực, trí tuệ của mình để tham gia nhiều ý kiến quan trọng với lãnh đạo Đảng, Nhà nước về thực hiện và hoàn thiện đường lối đổi mới và những vấn đề lớn của đất nước.
III. NOI GƯƠNG ĐỒNG CHÍ TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN VĂN LINH, TOÀN ĐẢNG, TOÀN DÂN, TOÀN QUÂN TIẾP TỤC KIÊN ĐỊNH, SÁNG TẠO ĐẨY MẠNH SỰ NGHIỆP CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC
Ở vào thời điểm nhạy cảm, cam go, tình hình thế giới diễn biến khó lường, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu lâm vào khủng hoảng, đổ vỡ; đất nước gặp muôn vàn khó khăn, thách thức, đồng chí Nguyễn Văn Linh là một tấm gương kiên định, vững vàng, chiến đấu không mệt mỏi cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, sự nghiệp đổi mới của Đảng.
Qua gần 25 năm đổi mới, sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta đã giành được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Thành tựu đó khẳng định một cách mạnh mẽ đường lối đổi mới do Đảng ta lãnh đạo là phù hợp với quy luật khách quan của lịch sử và nguyện vọng thiết tha của nhân dân, trong đó có đóng góp to lớn, quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.
Hiện nay toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang ra sức thi đua chào mừng đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Trong khi khẳng định những thành tựu và tiến bộ đạt được, chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật, nhận rõ những khuyết điểm, hạn chế và những thách thức mới đang đặt ra cho sự nghiệp đổi mới, hội nhập, phát triển đất nước. Nước ta chỉ mới bước đầu ra khỏi nhóm nước đang phát triển có thu nhập thấp; nền kinh tế còn nhỏ, sức cạnh tranh còn hạn chế. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị còn nhiều yếu kém; tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa tốc độ tăng trưởng và chất lượng phát triển; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; việc huy động và sử dụng nguồn lực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc chưa tương xứng với tiềm năng; tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tội phạm, tệ nạn xã hội, suy thoái đạo đức, lối sống… chưa bị ngăn chặn, đẩy lùi. Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chưa được phát huy đầy đủ. Một số mặt công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa còn chuyển biến chậm, hiệu quả thực tế chưa cao. Còn tiềm ẩn nhân tố gây mất ổn định chính trị, xã hội.
Để thực hiện thành công công cuộc đổi mới, chúng ta phải đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh.
Ôn lại cuộc đời và sự nghiệp, công lao và cống hiến to lớn của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, chúng ta trân trọng tự hào và biết ơn người cộng sản kiên cường, bất khuất, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí để lại bài học quý báu về lãnh đạo và chỉ đạo: giữ vững nguyên tắc trong quan điểm, đồng thời linh hoạt trong sách lược, luôn gắn bó với thực tiễn đất nước, đồng cảm với đồng bào, chiến sĩ. Chúng ta học tập ở đồng chí Nguyễn Văn Linh - tấm gương của một người cộng sản kiên cường, bất khuất, trước khó khăn không lùi bước, trước kẻ thù không khuất phục, dũng cảm vượt qua mọi thử thách. Đồng thời chúng ta học tập và noi gương đồng chí Nguyễn Văn Linh ở tác phong làm việc tỉ mỉ, cụ thể, dân chủ, chú trọng tổng kết thực tiễn, trước các vấn đề còn có ý kiến khác nhau lấy thực tiễn là “ông thầy phán xét”; học tập phẩm chất đạo đức trung thực, thẳng thắn, ghét thói phô trương, hình thức. Noi gương đồng chí Nguyễn Văn Linh, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, quyết tâm thực hiện thật tốt Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, kiên quyết khắc phục bằng được các yếu kém, khuyết điểm, chủ động nắm bắt thời cơ, đẩy lùi nguy cơ, thách thức đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Mỗi cán bộ, đảng viên cần nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ; có bản lĩnh vững vàng, trong sáng về đạo đức, lối sống, có sức chiến đấu cao; hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, đẩy mạnh chống tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác; kiên định, sáng tạo, chủ động hội nhập quốc tế, quyết tâm thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới của Đảng, xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
(*) Đầu đề do Báo Phú Yên đặt
BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG