Thứ Sáu, 29/11/2024 15:28 CH
Bác Hồ trong lòng nhân dân Sơn Hòa
Thứ Sáu, 19/05/2006 07:55 SA

Vào một ngày nắng rất gay gắt, chúng tôi, đoàn cán bộ đã về hưu hăm hở theo ĐT 643 ngược lên phía tây thăm lại vùng căn cứ địa của cách mạng ở huyện Sơn Hoà, thăm Nhà thờ Bác Hồ ở xã Sơn Định.

 

060519-tho-Bac-Ho.jpg

Các tầng lớp nhân dân Phú Yên đến viếng nhà thờ Bác Hồ tại xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa) - Ảnh: M. Ký

 

Bác Nguyễn Hữu Ái – nguyên Tỉnh ủy viên, thành viên Ban tổ chức lễ tang Bác Hồ hồi đó, năm nay đã 86 tuổi bồi hồi nhớ lại: “Giữa lúc quân và dân Phú Yên giành được thắng lợi bước đầu chống chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ ngụy, thì Đài tiếng nói Việt Nam phát đi từ Thủ đô Hà Nội tin: Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam từ trần ngày 3-9-1969. Tin như tiếng sét chấn động tâm hồn và trái tim mọi người, từ cán bộ, chiến sĩ đến nhân dân; từ thị xã, thị trấn đến nông thôn, núi rừng. Tất cả đều bàng hoàng xúc động.

 

Trong vùng căn cứ giải phóng, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vây quanh máy thu thanh lắng nghe từng thông báo của Ban chấp hành Trung ương Đảng và Di chúc của Bác Hồ.

 

Vùng địch kiểm soát, nhiều gia đình công khai mở máy thu thanh để nghe đài Hà Nội. Trong nhà tù, trại giam đồng bào yêu nước và chiến sĩ cách mạng công khai thông báo cho nhau tin Bác Hồ từ trần. Mọi người luyến tiếc, nhớ thương, thở than đau buồn. Ai cũng đều thấy rằng Bác Hồ mất đi là một tổn thất lớn lao cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc ta.

 

Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức cuộc họp bất thường vào sáng ngày 4-9-1969 tại Hòn Dung, nơi cơ quan Tỉnh ủy đóng, phía Tây Nam vườn Trần Thành, thuộc thôn Cao Phong, xã Sơn Long. Đồng chí Trần Suyền – Bí thư Tỉnh ủy chủ trì cuộc họp bàn kế hoạch chung cho toàn tỉnh tổ chức tang lễ Bác Hồ thật trọng thể, thật chu đáo để tỏ lòng thành kính và thương tiếc vô hạn đối với Bác Hồ của Đảng bộ và nhân dân Phú Yên.

 

Tỉnh ủy ra Lời kêu gọi toàn Đảng bộ, toàn dân, toàn quân trong tỉnh biến đau thương thành hành động cách mạng đánh bại các cuộc “Bình định nông thôn”, “Bình định cấp tốc” và âm mưu giành dân, lấn đất của địch, giữ vững vùng căn cứ, vùng giải phóng; tổ chức cuộc sinh hoạt cho toàn Đảng bộ học tập và làm theo Di chúc của Bác, phát động phong trào thi đua giết giặc lập công, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược; chống tư tưởng ngại gian khổ, ác liệt, hy sinh; đóng góp sức người, sức của phục vụ kháng chiến thắng lợi. Tại cuộc họp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy có 2 ý kiến đề nghị địa điểm cất Nhà thờ Bác Hồ để làm lễ truy điệu là tại giếng Quán Lê hoặc khu rừng rậm chòm cây dẻ ở Hòa Bình. Sau khi bàn bạc, cân nhắc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhận định: Tổ chức ở giếng Quán Lê trống trải. Máy bay trinh sát của địch dễ phát hiện đánh phá, Nhà thờ Bác Hồ không để lâu được. Vả lại gần cơ quan, không đảm bảo sẽ bị lộ bí mật. Đồng chí quyết định chuyển lên khu rừng rậm; bóng mát của các chòm cây dẻ có thể che mắt được máy bay của địch. Địa điểm này lại nằm trên trục đường số 6 thuộc thôn Hòa Bình, xã Sơn Định, thuận lợi cho cán bộ, bộ đội và nhân dân đi lại thăm viếng và thắp hương cho Bác. Lực lượng thi công Nhà thờ là công an vũ trang. Nhiệm vụ này giao cho đồng chí Bảy Hạnh (tức Trương Dương) chỉ huy. Không khí làm việc rất khẩn trương, đảm bảo đến ngày 7-9-1969 phải hoàn thành.

 

Nhà thờ Bác Hồ được dựng với cột gỗ, tranh tre, lá ké và lá song mây của núi rừng dưới chòm cây dẻ sum suê. Trước Nhà thờ Bác Hồ có con đường số 6 đi qua (nay là ĐT643).

 

Tang lễ Bác Hồ được tổ chức đúng ngày, giờ với thủ đô Hà Nội (ngày 9-9-1969) Đến dự lễ có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh, Ủy ban Mặt trận giải phóng tỉnh, lực lượng vũ trang và cán bộ, đồng bào 3 xã Sơn Long, Sơn Định, Sơn Xuân.

 

Đồng chí Trần Suyền – Bí thư Tỉnh ủy, kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh, Trưởng ban tổ chức lễ tang trân trọng đọc Di chúc của Bác. Đến đoạn: “Sau khi tôi qua đời chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân…”, mọi người đều nghẹn ngào, nước mắt tuôn trào, ngậm ngùi, đau xót nhớ công lao to lớn của Bác Hồ.

 

Tôi hỏi:

 

- Nhà thờ Bác Hồ hôm nay có phải được xây dựng trên nền đất của Nhà thờ Bác Hồ hồi năm 1969?

 

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Tựa, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa nói:

 

- Qua nhiều cuộc hội thảo về việc xây dựng Nhà thờ Bác Hồ, mọi người đều nhất trí xây dựng Nhà thờ Bác Hồ mới ngay trên nền đất của Nhà thờ Bác Hồ hồi Bác mới qua đời. Suốt hơn 30 năm kể từ lúc xây dựng Nhà thờ Bác Hồ để làm lễ truy điệu Bác vào tháng 9-1969, Đảng bộ và nhân dân huyện Sơn Hòa luôn luôn tu sửa Nhà thờ để cho nhân dân đến tưởng niệm và thắp hương. Còn Nhà thờ Bác Hồ mới được xây dựng hoàn thành vào ngày 2-9-2003.

 

Chúng tôi được biết hầu hết những nguyên vật liệu để làm Nhà thờ Bác Hồ (và cả ngày công nữa) đều do nhân dân các xã trong huyện đóng góp. Bốn chiếc cột cái bằng gỗ ké, mỗi chiếc to một người ôm không giáp vòng, cao hơn 6 mét và hàng chục cột phụ xung quanh hàng hiên cũng toàn bằng gỗ quý hiếm phải lặn lội khắp núi cao, rừng rậm mới tìm về được.

 

Ngôi Nhà thờ Bác Hồ thật giản dị và khang trang trên một khuôn viên rộng rãi, thoáng mát, phía sau là dãy núi cao sừng sững phía trước là trục lộ ĐT643 tấp nập người qua lại.           

 

Rất nhiều đoàn đại biểu của các huyện bạn, tỉnh bạn về đây để dâng hương lên Bác Hồ. Hàng ngàn ý kiến thật xúc động trân trọng viết vào sổ vàng.

 

Dâng hương ở Nhà thờ Bác Hồ, lòng chúng tôi vô cùng xúc động, càng hiểu ý nghĩa sâu sắc về tấm lòng của bà con các dân tộc ở huyện Sơn Hoà đối với Bác Hồ muôn vàn kính yêu.

 

TÔ PHƯƠNG

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek