Đúng 11 giờ 15 tối 14-5 chuyến bay đưa Trưởng đoàn đàm phán về việc VN gia nhập WTO -Thứ trưởng Bộ thương mại Lương Văn Tự đã hạ cánh xuống sân bay Nội Bài.
Ông Lương Văn Tự (phải)- Trưởng đoàn đàm phán về việc VN gia nhập WTO cười rất tươi với nhà báo tại sân bay. |
Mệt mỏi sau những ngày đàm phán căng thẳng và sau một chuyến đi dài nhưng trên khuôn mặt vị trưởng đoàn này vẫn ánh nên niềm vui chiến thắng.
Chia sẻ với phóng viên báo chí ngay sau khi vừa bước ra khỏi phòng chờ ở sân bay Nội Bài, Trưởng đoàn đàm phán Lương Văn Tự cho biết, thành công của phiên đàm phán này là nỗ lực rất lớn của cả phía Hoa Kỳ và phía VN và hai bên đã đi đến một thỏa thuận tương đối là công bằng đáp ứng lợi ích lâu dài của cả hai phía. Trong 4 ngày và 2 đêm làm việc đã giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn tại còn lại cả về mặt kỹ thuật và nội dung trong đàm phán song phương về việc gia nhập WTO giữa VN và Hoa Kỳ.
“Đây là một trong những phiên đàm phán căng thẳng nhất trong 12 phiên đàm phán với Hoa Kỳ bởi vì tất cả những vấn đề khó khăn nhất đều phải kết thúc trong phiên này. Hai đêm đàm phán cuối cùng (11 và 12-5) chúng ta đàm phán gần như suốt cả đêm”, ông Tự nói trong nỗi vui mừng.
. Phóng viên: Thưa thứ trưởng phiên đàm phán này đã chính thức là phiên kết thúc đàm phán song phương về việc đàm phán gia nhập WTO giữa VN và Hoa Kỳ chưa?
- Thứ trưởng Lương Văn Tự: Phiên đàm phán này đã kết thúc về mặt nguyên tắc tất cả các vấn đề kỹ thuật có liên quan (gồm câu chữ và hoàn thiện văn bản).
. Thời gian sắp tới đoàn đàm phán sẽ phải tiếp tục giải quyết vấn đề gì?
Việc đầu tiên là chúng ta phải hoàn tất việc ký kết chính thúc giữa VN và Hoa Kỳ để đi tới việc thông báo chính thức kết thúc đàm phán song phương với 28 đối tác. Hai bên đang thu xếp để lễ ký kết này có thể diễn ra trước Hội nghị Bộ trưởng các nước APEC khoảng đầu tháng 6-2006 tại TP HCM. Thứ hai chúng ta tiếp tục đàm phán đa phương để hoàn thiện báo cáo của đoàn công tác về vấn đề ra nhập WTO.
. Ông có thể nói một vài nét cơ bản về nội dung của phiên đàm phán vừa qua?
Về vấn đề dệt may, khi gia nhập WTO VN sẽ không chịu hạn ngạch dệt may. Vấn đề công nhận nền kinh tế thị trường, hiện nay có rất nhiều nước đã là thành viên của WTO nhưng vẫn chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường vì vậy VN cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, VN là một nước nhỏ nên thời gian chưa được công nhận là nước có nền kinh tế thị trường sẽ ngắn hơn so với một số nước.
. Vấn đề nào được coi là căng thẳng nhất khiến thời gian đàm phán phải kéo dài hơn dự kiến?
Dệt may, trợ cấp là những vấn đề “nhạy cảm” và đàm phán vô cùng căng thẳng. Tuy nhiên, cả hai bên đều cố gắng nghĩ ra những sáng kiến để cố gắng kết thúc được vấn đề theo đúng mong muốn của cả hai phía.
Trước đó phiên đàm phán này, Bộ trưởng Bộ thương mại Trương Đình Tuyển cũng đã có những chuyến công cán “con thoi” đến Mỹ để gặp các Bộ trưởng, các nhà ngoại giao để kêu gọi họ tiếp tục quá trình đàm phán. Phía Hoa Kỳ cũng có một số đoàn nghị sỹ Quốc hội sang VN để tìm hiểu.
. Phiên đàm phán đa phương tiếp theo sẽ chính thức được triển khai khi nào?
Theo lịch trình là cuối tháng 6 đầu tháng 7-2006 VN lại bắt đầu tiếp tục phiên đàm phán đa phương về việc VN ra nhập WTO tại Giơnevơ-Thụy Sỹ.
. Ông nhận định thế nào về khả năng vào WTO trong năm 2006 của VN ?
Tôi cho rằng kết thúc đàm phán với Hoa Kỳ sẽ tạo cho chúng ta một niềm tin tương đối vững chắc về khả năng gia nhập WTO trong năm 2006 của VN.