Chiều 13/6, Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nữ ĐBQH, HĐND tỉnh tổ chức sinh hoạt định kỳ. Tham dự buổi sinh hoạt có đại diện thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy, các ban HĐND tỉnh, Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh... Bà Đặng Thị Hồng Nga, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh - Chủ nhiệm câu lạc bộ và bà Lê Đào An Xuân, Chủ tịch Hội LHPN, ĐBQH đồng chủ trì buổi sinh hoạt.
Nội dung sinh hoạt thường kỳ lần này với chủ đề: “Phát huy vai trò của nữ ĐBQH và HĐND trong tham gia tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của cử tri”.
Tiếp công dân là nhiệm vụ quan trọng trong các hoạt động của Đảng, Nhà nước và các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị ở nước ta; là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm đón tiếp để lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo phản ánh, kiến nghị của công dân. Qua đó giải thích, hướng dẫn cho công dân về việc thực hiện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, đảm bảo quyền tự do, dân chủ, quyền khiếu nại, tố cáo của công dân, của con người đã được Hiến pháp, pháp luật quy định. Tiếp công dân cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của đại biểu dân cử, trong đó có nữ ĐBQH, HĐND; là một biện pháp thiết thực nhằm tăng cường mối quan hệ, củng cố lòng tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước.
Tại buổi sinh hoạt, Phó Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Trần Đình Toản trao đổi, thông tin, chia sẻ một số kinh nghiệm trong công tác chuẩn bị, phục vụ việc tiếp công dân của Thường trực Tỉnh ủy. Các đại biểu và thành viên câu lạc bộ cùng trao đổi về vai trò của nữ ĐBQH và HĐND trong tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo trong thời gian qua, nhất là xử lý đơn thư liên quan đến vấn đề tranh chấp đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, môi trường… Các ý kiến đều cho rằng, hoạt động tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đóng vai trò rất quan trọng trong việc gắn chặt mối quan hệ giữa Nhân dân với cơ quan nhà nước, Quốc hội, HĐND nói chung và với ĐBQH, đại biểu HĐND nói riêng. Kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã và đang phát huy có hiệu quả; tinh thần, trách nhiệm của người đại biểu dân cử ngày càng được nâng cao… Bên cạnh đó, công tác này vẫn còn một số hạn chế, chủ yếu chỉ dừng lại ở việc theo dõi, giám sát; việc tham gia tiếp công dân của một số đại biểu nữ chưa duy trì thường xuyên, chịu nhiều áp lực, nắm bắt thông tin còn hạn chế; kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo có lúc chưa tới nơi tới chốn... Vì vậy cần nêu cao hơn nữa vai trò của nữ đại biểu dân cử trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
VĂN LANG