Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, ngày 25/5, các ĐBQH thảo luận tại tổ. Đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên được phân công làm Tổ trưởng Tổ 9 với 26 đại biểu, gồm đoàn ĐBQH các tỉnh: Phú Yên, Quảng Ninh, Quảng Ngãi và Bến Tre. Tham gia thảo luận Tổ 9 có các đồng chí: Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội; Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Đồng chí Phạm Đại Dương gợi ý những nội dung trọng tâm để các ĐBQH thảo luận tại tổ vào ngày 25/5. Ảnh: QUỐC LUÂN |
Phát biểu tại thảo luận tổ, đồng chí Phạm Đại Dương gợi ý những nội dung trọng tâm để định hướng các ĐBQH thảo luận sát với yêu cầu đặt ra.
Thứ nhất, về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023. Bước sang năm 2023, bối cảnh thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi, suy giảm cầu tiêu dùng ở các nền kinh tế lớn kéo theo suy giảm sản xuất kinh doanh, đầu tư, thương mại toàn cầu; lạm phát thế giới có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng vẫn ở mức cao. Bên cạnh đó, những nguy cơ rủi ro về an ninh năng lượng, an ninh lương thực, tài chính, tiền tệ, nợ công, thiên tai, biến đổi khí hậu… vẫn được nhiều nước quan tâm, theo dõi chặt chẽ.
Trước bối cảnh đó, Chính phủ đã chủ động, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các bộ, ngành kịp thời nắm bắt tình hình, triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy giải ngân đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, bảo đảm an sinh xã hội. Với sự nỗ lực, cố gắng trong chỉ đạo, điều hành, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đạt được các kết quả khá tích cực.
Đồng chí Phạm Đại Dương, Tổ trưởng Tổ 9 điều hành nội dung thảo luận. Ảnh: quochoi.vn |
Đồng chí Phạm Đại Dương đề nghị các ĐBQH tập trung thảo luận việc đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023, đặc biệt là các giải pháp trọng tâm trong thời gian đến để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra theo kết luận của trung ương về kinh tế - xã hội năm 2023, Kết luận 46-KL/TW của Bộ Chính trị về kinh tế vĩ mô, phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo nghị quyết của Quốc hội.
Thứ hai, về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, đồng chí Phạm Đại Dương đề nghị các ĐBQH tập trung thảo luận, đánh giá một số nội dung trọng tâm như: công tác xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật liên quan tới thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; định mức, tiêu chuẩn, chế độ là cơ sở để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, đầu tư công; thực hiện Nghị quyết 43/2022 của Quốc hội, các dự án quan trọng và 3 chương trình mục tiêu quốc gia; mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp nhà nước và trong quản lý, sử dụng các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của Nhân dân. Công tác cải cách hành chính, tinh giản bộ máy, biên chế; cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập; thực hành tiết kiệm trong quản lý, sử dụng nhân lực.
Tại phiên thảo luận ở Tổ 9, đa số các đại biểu tán thành cao Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và những tháng đầu năm 2023. GDP tăng trưởng 8,02%, mức cao nhất trong hơn 10 năm qua; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân tăng 3,15%, các cân đối lớn của nền kinh tế nhìn chung được bảo đảm; các chỉ tiêu quan trọng về thu ngân sách nhà nước, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu vẫn tăng.
Toàn cảnh phiên thảo luận ở Tổ 9. Ảnh: quochoi.vn |
Đặc biệt, trong những tháng cuối năm, tình hình trong và ngoài nước hết sức khó khăn, nhưng nước ta giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định về tỉ giá và lạm phát, thị trường tài chính - tiền tệ vẫn cơ bản ổn định là thành tựu nổi bật.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu cũng chỉ rõ diễn biến tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2023 tiếp tục bộc lộ những khó khăn, thách thức từ Quý IV/2022, gây áp lực lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô và khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023.
Do đó, các đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề: tăng trưởng GDP quý I/2023 đạt 3,32%, mức rất thấp trong điều kiện nền kinh tế đã mở cửa sau khi kiểm soát dịch COVID-19 và trên nền thấp của cùng kỳ năm trước cho thấy việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm (6,5%) là rất khó khăn. Một số địa phương là trung tâm sản xuất công nghiệp và xuất khẩu chính của cả nước tăng trưởng âm so với cùng kỳ. Số lượng doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến.
Các ý kiến cũng chỉ rõ, một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả. Tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 rất chậm so với yêu cầu, vẫn còn 92/111 quy hoạch, trong đó có nhiều quy hoạch quan trọng như Quy hoạch năng lượng, các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh của nhiều địa phương…chưa hoàn thành việc lập, phê duyệt…
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, đồng chí Phạm Đại Dương ghi nhận các ý kiến đóng góp của các ĐBQH và cho rằng các ý kiến rất trách nhiệm, xác đáng, tâm huyết, đưa ra tình hình, thực trạng, bổ sung giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong những tháng cuối năm 2023 và thời gian tới. Đồng chí Phạm Đại Dương cho biết, các ý kiến thống nhất với nội dung báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra Ủy ban Kinh tế về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và năm 2023. Các ý kiến đã đưa ra các nhóm vấn đề bất cập, tìm ra nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp cụ thể hơn để phát triển kinh tế - xã hội.
QUỐC LUÂN (ghi)