Thứ Sáu, 27/09/2024 11:09 SA
Kỷ niệm 160 năm ngày ra đời “Tuyên ngôn của Đảng Cộng Sản” (23/2/1848 - 23/2/2008)
Những tư tưởng bất diệt trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng Sản”
Thứ Bảy, 23/02/2008 07:24 SA

“Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” ra đời cách đây tròn 160 năm và đến nay vẫn còn nguyên giá trị cách mạng và khoa học, mãi mãi là định hướng đúng đắn cho cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên thế giới.

 

080223-biasach.jpg

Bìa cuốn “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”

“Tuyên ngôn của Đảng cộng sản” của Các Mác và Phơ-ri-đrich-ăng-ghen là cương lĩnh khoa học đầu tiên của phong trào công nhân quốc tế, được xuất bản lần đầu vào tháng 2/1948 ở Luân Đôn (Anh). Mở đầu của bản Tuyên ngôn Mác-Ăng-ghen viết: “Một bóng ma đang ám ảnh châu Âu: Bóng ma chủ nghĩa cộng sản” và “Chủ nghĩa cộng sản đã được tất cả các thế lực ở châu Âu thừa nhận là một thế lực”.

 

Bằng lập luận chính xác, khoa học và lô-gíc, Mác-Ăng-ghen đã chỉ rõ: “Lịch sử tất cả các xã hội cho đến nay chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp” và chủ nghĩa tư bản là sản phẩm của quá trình phát triển lịch sử đó. Chủ nghĩa tư bản phát triển đã tạo ra sự đối kháng giai cấp ngày càng gay gắt giữa giai cấp tư sản với giai cấp vô sản. Giai cấp vô sản là sản phẩm của nền đại công nghiệp, là người đại biểu, đại diện cho một xã hội mới, một lực lượng sản xuất mới, một phương thức sản xuất mới, là người có sứ mệnh lịch sử lật đổ chế độ tư bản để xây dựng một xã hội mới: xã hội cộng sản. Mác-Ăng-ghen kết luận: “Tất cả những phong trào trong lịch sử, từ trước đến nay đều là do thiểu số thực hiện, hoặc đều mưu lợi ích cho thiểu số. Phong trào vô sản là phong trào độc lập của tuyệt đại đa số, mưu lợi ích cho tuyệt đại đa số”.

 

Phong trào vô sản muốn giành thắng lợi thì giai cấp vô sản phải thành lập được chính Đảng độc lập của mình: Đảng Cộng sản. Đảng bao gồm những người ưu tú nhất, trí tuệ nhất, cách mạng nhất, kỷ luật nhất, tiên tiến nhất trong phong trào vô sản. Đảng lãnh đạo phong trào vô sản và nhân dân lao động đấu tranh giành thắng lợi cho chủ nghĩa Cộng sản. Phong trào vô sản dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản trước hết phải diễn ra trên từng dân tộc: “Giai cấp vô sản mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền, phải tự mình trở thành dân tộc” và “Hãy xóa bỏ nạn người bóc lột người, thì nạn dân tộc này bóc lột dân tộc khác cũng sẽ bị xóa bỏ”.

 

Kết thúc bản Tuyên ngôn, Mác-Ăng-ghen nêu khẩu hiệu: “Vô sản tất cả các nước đoàn kết lại!”.

 

Có thể nói trong đêm đen của chế độ tư bản, “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản” như một ngọn lửa thổi bùng lên cao trào đấu tranh giải phóng giai cấp vô sản thoát khỏi xiềng xích của chế độ tư bản, đưa loài người xây dựng một xã hội hoàn toàn mới: Xã hội công bằng, văn minh, tiến bộ, phồn vinh và hạnh phúc.

 

Từ “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, phong trào vô sản trên thế giới phát triển mạnh mẽ lên một giai đoạn mới - giai đoạn hình thành và xây dựng các Đảng cộng sản, lãnh đạo cuộc đấu tranh giành lấy chính quyền từ tay giai cấp tư sản và đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội ngay trong phong trào vô sản.

 

Đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa. V.I Lê-nin đã phát triển lý luận của Mác-Ăng-ghen trong thời đại mới và Người đã cùng Đảng cộng sản Bôn-sê-vích Nga lãnh đạo giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga đưa chủ nghĩa cộng sản từ “bóng ma” trở thành một thực thể hiện thực sau cuộc Cách mạng Tháng Mười năm 1917 thắng lợi. Cùng với Cách mạng Tháng Mười, Quốc tế cộng sản ra đời năm 1919. Lúc đó Lênin nêu khẩu hiệu: “Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại!”.

 

Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới giải phóng các dân tộc, giải phóng giai cấp, mới xóa bỏ mọi áp bức bất công và bóc lột. Chân lý sáng ngời đó đã được Mác-Ăng-ghen chỉ rõ trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”.

 

Hồ Chí Minh đã tiếp thu, phát triển những tư tưởng trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” thành hiện thực ở một nước thuộc địa, phụ thuộc, kém phát triển. Những tư tưởng ấy cũng là mục tiêu của Tuyên ngôn: “Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người, không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình và hạnh phúc”.

 

Hồ Chí Minh đã nối tiếp những tư tưởng định hướng trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, phát triển những tư tưởng ấy, xây dựng và tổ chức thành công Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng của giai cấp công nhân và của dân tộc Việt Nam, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong Mặt trận dân tộc thống nhất (trong đó có cả những thành phần giai cấp của tầng lớp trên), mà nòng cốt là liên minh công - nông - trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

Trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, Mác-Ăng-ghen đề cập tới việc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cơ sở của chủ nghĩa tư bản phát triển. Vận dụng vào thực tế Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta với đặc điểm to nhất là từ sản xuất nhỏ đi lên, cho nên phải tiến dần dần; phải coi trọng cả phát triển công nghiệp và nông nghiệp; phải phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại; phải xây dựng chủ nghĩa xã hội từ gốc đến ngọn, cả cơ sở hạ tầng, cả kinh tế lẫn văn hóa, trong đó con người là nhân tố quyết định.

 

Trong “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản”, Mác-Ăng-ghen đã dành hẳn một chương nói về những người cộng sản, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến tính tiên phong về lý luận, về thực tiễn, về tổ chức và kỷ luật. Chủ tịch Hồ Chí Minh không những nhấn mạnh tính tiên phong của Đảng và của đảng viên mà Người còn ghi rõ những căn bệnh của Đảng, những mầm mống bệnh hoạn dễ nảy sinh trong mỗi đảng viên khi có chức, có quyền. Đó là bệnh kiêu ngạo, xa xỉ, tham ô, lười biếng, địa vị, là sự bất chính, bất liêm, là chủ nghĩa cá nhân, là sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, biến chất, xa rời quần chúng... và chỉ cho toàn Đảng, cho mỗi đảng viên phương thức tu dưỡng và rèn luyện, phương thức đấu tranh phòng, chống, chữa những căn bệnh đó.

 

Trong “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản”, Mác-Ăng-ghen chỉ rõ: Trận địa đầu tiên của giai cấp vô sản là trên từng dân tộc, giai cấp vô sản phải trở thành dân tộc. Phát triển tư tưởng này, xuất phát từ hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn độc lập tự chủ và sáng tạo. Đây là đặc điểm nổi bật của tư tưởng Hồ Chí Minh và của Cách mạng Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”. Nhờ đó mà cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

 

Chủ nghĩa Mác-Lê nin dạy rằng: “Chân lý là cụ thể, cách mạng là sáng tạo”. Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy rằng: “Chúng tôi giành được những thắng lợi đó, trước hết là nhờ cái vũ khí không thay đổi được là chủ nghĩa Mác-Lê nin”.

 

TÔ PHƯƠNG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek