Thứ Sáu, 27/09/2024 11:16 SA
Tổng thống Phần Lan Tarja Halonen bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam
Thứ Năm, 21/02/2008 16:00 CH

Quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam- Phần Lan đang phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, hợp tác phát triển, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ.

080221--TT-Phan-Lan.jpgNhư tin đã đưa, nhận lời mời của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Phu nhân, Tổng thống nước Cộng hòa Phần Lan, bà Tarja Halonen và Phu quân sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 21-23/2/2008. Lễ đón chính thức bà Tổng thống Tarja Halonen và Phu quân diễn ra vào 9 giờ sáng nay (21/2) tại Phủ Chủ tịch.

Đây là chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước đầu tiên tới Việt Nam của Tổng thống nước Cộng hòa Phần Lan kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (ngày 25/1/1973).

Tháp tùng Tổng thống Tarja Halonen trong chuyến thăm Việt Nam lần này, ngoài các quan chức cao cấp còn có một đoàn doanh nghiệp hàng đầu của Phần Lan hoạt động trong các lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông, đóng tàu, sản xuất thang máy, thang cuốn, hàng không, dược phẩm và thiết bị y tế; công nghiệp giấy-bột giấy; môi trường; năng lượng; công nghiệp mỏ và luyện kim; ngân hàng tài chính… 

Là một trong những nước Tây Âu đầu tiên lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, Phần Lan luôn ủng hộ Việt Nam trong thời kỳ khó khăn, bị bao vây cấm vận cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay với phương châm “không áp đặt các điều kiện về chính trị trong chính sách viện trợ”. Quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam- Phần Lan đang phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, hợp tác phát triển, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ. Hai bên duy trì các cuộc tiếp xúc và trao đổi đoàn cấp cao, gần đây nhất là chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Phần Lan Matti Vanhanen nhân dịp dự Hội nghị cấp cao ASEM 5 (tháng 10/2004), chuyến thăm Phần Lan của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhân dịp dự Hội nghị cấp cao ASEM 6 (tháng 9/2006).

Năm 2007, tại châu Á, Việt Nam là 1 trong 2 nước tiếp tục được coi là đối tác chính về hợp tác phát triển với Phần Lan. Định hướng ưu tiên về hợp tác giữa hai nước hướng tới mục tiêu xóa đói giảm nghèo và gồm 3 lĩnh vực: phát triển nông thôn tổng hợp bao gồm cả lâm nghiệp; Cấp thoát nước và xử lý chất thải; nâng cao năng lực và hỗ trợ cải cách. Hiện nay Phần Lan đang chuyển dần từ hợp tác theo dự án song phương sang hỗ trợ cho ngân sách thông qua chương trình 135. Trong giai đoạn năm 2007-2009, Phần Lan sẽ hỗ trợ 17 triệu euro cho chương trình 135 giai đoạn 2.

Phần Lan luôn là một trong những đối tác viện trợ ODA truyền thống cho Việt Nam, cam kết viện trợ 31,7 triệu USD cho Việt Nam trong năm 2008. Viện trợ của Phần Lan được sử dụng hiệu quả vào các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam như xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững, cấp nước, trồng rừng… Các dự án do Phần Lan hỗ trợ cho Việt Nam nói chung đều mang lại hiệu quả cao, điển hình là Chương trình Phát triển nông thôn tổng hợp Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, Chương trình cấp nước tại thành phố Hải Phòng đã thực hiện rất thành công, được cả hai bên Việt Nam và Phần Lan đánh giá cao.

Ngoài kênh hợp tác song phương, Phần Lan cũng trợ giúp cho Việt Nam thông qua các tổ chức đa phương như Uỷ ban châu Âu, Liên Hợp Quốc; các tổ chức tài chính quốc tế như ADB, WB; các tổ chức phi chính phủ và các chương trình hợp tác khu vực của Uỷ ban sông Mekong, AITCV, ILO…

Bên cạnh nguồn tài trợ không hoàn lại, Phần Lan cũng cung cấp tín dụng ưu đãi cho Việt Nam. Việc cấp tín dụng này sẽ được thực hiện thông qua các Hiệp định tín dụng khung ký giữa Bộ Tài chính và các ngân hàng Phần Lan.

Tuy nhiên, quan hệ hợp tác kinh tế song phương chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Thương mại hai chiều còn khiêm tốn, dự kiến đạt 190 triệu USD trong năm 2007 (tăng 26% so với năm 2006). FDI đạt khoảng 65 triệu USD (riêng năm 2007 đạt 28 triệu USD). Buôn bán với Phần Lan còn chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng như của Phần Lan.

Quan hệ hai nước trong lĩnh vực văn hoá, giáo dục, an ninh, quốc phòng, du lịch, lãnh sự cũng đang có những bước tiến. Cộng đồng người Việt Nam tại Phần Lan hiện có khoảng 4.500 người, trong đó có gần 2.000 người vẫn mang quốc tịch Việt Nam. Người Việt ở Phần Lan sống rải rác ở hầu khắp các tỉnh, không tập trung ở một số khu vực như những nơi khác. Hội người Việt Nam tại Phần Lan đã được thành lập và tổ chức Đại hội lần thứ I vào tháng 7/2007.

Cho tới nay, có khoảng 120 học sinh từ Việt Nam sang Phần Lan du học, chủ yếu dưới dạng tự túc. Đa số sinh viên theo học các ngành công nghệ thông tin và quản trị kinh doanh. Tháng 11/2006, Bộ Ngoại giao Phần Lan quyết định đưa Vệt Nam (là nước duy nhất ở châu Á) vào danh sách nước được tài trợ giai đoạn 2 của Chương trình trao đổi giáo dục Bắc- Nam- Nam. Tổng số vốn cho giai đoạn này là 4,5 triệu euro. Theo chương trình này, Chính phủ Phần Lan sẽ tài trợ trao đổi sinh viên và giáo viên giữa các trường đại học của Phần Lan và các đối tác Việt Nam ở bậc đại học, cao học và có thể mở ra cho cả tiến sĩ với thời gian từ 3-6 tháng, dài nhất là 1 năm cho toàn bộ chương trình học đại học…

Hai nước cũng đã làm việc và khẳng định mong muốn thúc đẩy hợp tác khoa học công nghệ trong thời gian tới. Trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, hiện nay công ty viễn thông Nokia đã và đang hoạt động kinh doanh hiệu quả trên thị trường Việt Nam. Đây là hãng sản xuất thiết bị di động nổi tiếng trên thế giới và có mặt tại Việt Nam từ năm 1996. Nokia rất thành công trong việc cung cấp sản phẩm điện thoại cầm tay và chiếm khoảng 57% thị phần.

Về du lịch, trong năm 2007 lượng khách du lịch Phần Lan vào Việt Nam tăng 12% so với năm 2006 nhưng chỉ đạt 6.000 người, đây vẫn là con số khiêm tốn mặc dù Việt Nam là điểm du lịch đã được người Phần Lan biết tới nhiều trong vài năm trở lại đây. Để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Phần Lan vào Việt Nam du lịch và đầu tư, từ năm 2005 Việt Nam đã miễn thị thực cho công dân Phần Lan vào Việt Nam trong vòng 15 ngày.

Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Tajia Halonen dự kiến sẽ có cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, hội kiến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, đến chào xã giao Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và tham dự một số hoạt động khác như: Hội thảo thương mại và đầu tư; Hội thảo bàn tròn về bình đẳng giới, đến Hải Phòng dự lễ động thổ Nhà máy xử lý nước thải và thăm Nhà máy đóng tàu Phà Rừng...

Dự kiến, hai bên sẽ ký kết một số văn kiện quan trọng: Hiệp định Bảo hộ và xúc tiến đầu tư, Bản ghi nhớ về hợp tác khoa học kỹ thuật, Bản ghi nhớ về Hiệp định hàng không…

Theo VOV

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek