Thứ Sáu, 27/09/2024 18:24 CH
Kỷ niệm 219 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa
Nghệ thuật sử dụng người của Nguyễn Huệ
Thứ Hai, 11/02/2008 16:44 CH

Nguyễn Huệ (1752 - 1792) là một trong những danh nhân của nước Đại Việt. Cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Huệ gắn với một thời kỳ lịch sử vô cùng đau thương và anh dũng của dân tộc. Ông đã lập nên bao chiến công hiển hách, đánh đổ ba tập đoàn phong kiến Nguyễn, Trịnh, Lê, đánh tan 50.000 quân can thiệp Xiêm (chưa kể quân của Nguyễn Ánh cùng Chu Văn Tiếp) và chỉ trong 5 ngày đêm (từ 30 đến mồng 5 Tết, tức từ 25 đến 30/1/1789) quét sạch 20 vạn quân Thanh cùng bè lũ bán nước ra khỏi bờ cõi. Điều gì làm nên sức mạnh kỳ diệu của con người này? Đó chính là ý thức tự cường dân tộc, tấm lòng gắn bó, thông cảm với những con người bị áp bức, một tài năng thiên bẩm về quân sự, một nhãn quan chính trị nhạy bén... Và trước hết, đó chính là nghệ thuật dụng người của Nguyễn Huệ trong từng trường hợp cụ thể.

 

080211-tuong-dai.jpg

Tượng đài Quang Trung - Nguyễn Huệ tại Bảo tàng Quang Trung - Tây Sơn. - Ảnh: Đào Tiến Đạt

 

Nguyễn Hữu Chỉnh vốn là một võ tướng có tài, sống vào thời kỳ vua Lê, chúa Trịnh suy vi đến cực độ, nội bộ giai cấp thống trị phân hoá sâu sắc. Nguyễn Hữu Chỉnh không theo Lê cũng không theo Trịnh mà chạy sang hàng ngũ Tây Sơn, được Nguyễn Huệ thu nhận. Sử cũ có chép chuyện Hữu Chỉnh khuyên Nguyễn Huệ đánh Bắc Hà: "Thời cơ đều thuận lợi, không nên bỏ mất". Nguyễn Huệ bèn nói: "Bắc Hà có rất nhiều nhân tài khinh thế nào được". Chỉnh đáp: "Nhân tài ở Bắc Hà chỉ có một mình Chỉnh mà thôi. Chỉnh mà đi thì trong nước trống không, tướng quân không nên nghi ngờ nữa". Huệ cười mà nói: "Chẳng đáng ngờ người nào khác, có chăng chỉ đáng ngờ ông". Nguyễn Huệ hiểu rõ bản chất Hữu Chỉnh, kẻ cơ hội gian hùng. Dẫu biết thế Nguyễn Huệ vẫn trọng tài Chỉnh, dùng y vào một số việc nhưng luôn cảnh giác, dè chừng. Năm 1786, Nguyễn Huệ rút khỏi Thăng Long, cho Hữu Chỉnh ở lại Nghệ An giúp Nguyễn Văn Duệ. Đúng như dự đoán của Nguyễn Huệ, sau khi anh em Tây Sơn rút về Nam, Hữu Chỉnh ra sức xây dựng thế lực riêng. Ý định  phản lại Tây Sơn của Chỉnh đã rõ. Nguyễn Huệ kịp thời trừng trị.

 

Với những phán đoán tình hình và công việc chuẩn bị được trù liệu trước, chỉ trong vòng 35 ngày từ 25/11 đến 30/12 Mậu Thân (22/12/1788 - 25/1/1789), trên đường hành quân và tập kết đại quân ở Tam Điệp, Quang Trung đă hoàn tất mọi việc chuẩn bị cho chiến dịch đại phá quân Thanh. Đúng đêm giao thừa Tết Kỷ Dậu, quân Tây Sơn bất ngờ tiến công tiêu diệt đồn tiền tiêu của giặc ở Gián Khẩu, cách Thăng Long gần 90 km, mở đầu cuộc đại phá quân Thanh. Sau 5 ngày đêm tiến quân thần tốc, đạo quân chủ lực của Quang Trung đã phá tan hệ thống phòng ngự của địch trên hướng đường thiên lý tiến về Thăng Long.

 

Mờ sáng mùng 5 Tết (30/1/1789), đạo quân chủ lực của Quang Trung phối hợp với đạo quân đô đốc Bảo công phá và tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Ngọc Hồi - Đầm Mực. Cùng lúc đó, đạo quân do đô đốc Long chỉ huy, bất ngờ diệt đồn Đống Đa rồi đánh thọc sâu vào đại bản doanh của Tôn Sĩ Nghị ở cung Tây Long.

 

Sự phối hợp hai trận đánh Ngọc Hồi, Đống Đa làm cho Tôn Sĩ Nghị hết sức bất ngờ, choáng váng và lâm vào thế hoàn toàn bất lực, sụp đổ. Với cả một lực lượng dự bị khá lớn ở tổng hành dinh, nhưng viên chủ soái quân Thanh đành phải tháo chạy trong cảnh hoảng loạn và tan rã. Trên đường tháo chạy, chúng lại bị một cánh quân Tây Sơn khác chặn đánh ở vùng Yên Thế, Phượng Nhãn, Lạng Giang và bị bồi thêm những đòn tổn thất nặng nề.

 

Trưa mùng 5 tết, cả 36 phố phường Thăng Long như bừng lên trong ngày hội chiến thắng.

 

Đầy thành già trẻ mặt như hoa,  

Chen vai khoác cánh cùng nhau nói:  

Kinh đô vẫn thuộc núi sông ta.

 

(Nguồn: Những chiến thắng nổi tiếng trong lịch sử dân tộc)

Nhiều quan lại, sĩ phu tiến bộ ở Bắc Hà như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy ích, Nguyễn Thế Lịch, Vũ Huy Tấn v.v... đều được Nguyễn Huệ trọng dụng, phong cho chức tước mới. Các quan lại, sĩ phu ra sức giúp Nguyễn Huệ. Đặc biệt Nguyễn Huệ sử dụng họ vào từng trường hợp cụ thể, kết hợp họ với nhau, tạo hiệu quả lớn. Việc để Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân cùng Ngô Thì Nhậm ở lại Bắc Hà là một sự tính toán cực kỳ sâu sắc, khôn ngoan của Nguyễn Huệ. Sử cũ có chép lại: "Ngày 17/12/1788 (tức ngày 20/11 năm Mậu Thân), Tôn Sĩ Nghị kéo quân chiếm Thăng Long. Lúc này Nguyễn Huệ ở phương Nam, việc ở Thăng Long do Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân và Ngô Thì Nhậm quyết định. Trước quân xâm lược nên đánh hay rút? Ngô Thì Nhậm chủ trương chưa đánh, cũng không giữ mà tạm rút đóng quân ở Tam Điệp, vừa bảo toàn lực lượng vừa khiến quân giặc sinh kiêu căng mất cảnh giác. Lúc hội quân ở Tam Điệp, Nguyễn Huệ quở trách mà không giận dữ: "Các ngươi đem thân thờ ta, giặc đến không đánh nổi một trận, mới nghe đã thấy chạy trước. Binh pháp dạy rằng: quân thua chém tướng. Tội các ngươi đáng chết một vạn lần... Song ta nghĩ các ngươi đều là hạng vũ dũng chỉ biết gặp giặc là đánh, còn việc tùy cơ ứng biến thì không có tài. Cho nên ta để Ngô Thì Nhậm ở lại với các ngươi... Các ngươi biết nín nhịn để tránh mũi nhọn của chúng, chia ra chặn các nơi hiểm yếu, bên trong thì kích thích lòng dân, bên ngoài thì làm giặc kiêu căng. Khi mới nghe tin ta đoán là Ngô Thì Nhậm chủ mưu. Sau hỏi Văn Tuyết thì đúng như vậy...". Mọi việc xảy ra đúng như Nguyễn Huệ dự tính. Và ngay khi chưa đánh đuổi được giặc ngoại xâm, Nguyễn Huệ nghĩ ngay đến lúc hòa bình. Nguyễn Huệ lo lắng: "Chúng là nước lớn gấp 10 nước mình, sau khi bị thua một trận ắt lấy làm thẹn mà lo mưu đánh báo thù. Như thế việc binh đao không bao giờ dứt, không phải phúc cho dân, nỡ nào làm như vậy". Nguyễn Huệ khẳng định: "Đến lúc ấy, chỉ có người khéo lời lẽ mới dẹp nổi binh đao. Việc ấy phi Ngô Thì Nhậm thì không ai làm được". Quả đúng như vậy, sau chiến thắng 20 vạn quân Thanh, Nguyễn Huệ lại tấn công kẻ thù bằng ngoại giao, khôn khéo, kiên trì linh hoạt và táo bạo. Ngô Thì Nhậm đứng trên thế của một dân tộc chiến thắng chẳng những phá được âm mưu trả thù của nhà Thanh, còn buộc vua Thanh phải công nhận triều Tây Sơn, hơn nữa trước sau phải kính nể ông vua một nước nhỏ. Nguyễn Huệ phải cực kỳ sắc sảo, có đầu óc chính trị nhạy bén và cặp mắt tinh tường, tin ở mình, tin ở bầy tôi, lường trước công việc mới phó thác việc lớn như thế cho Ngô Thì Nhậm.

 

Nguyễn Huệ luôn luôn bộc lộ thái độ "cầu hiền" mềm dẻo, khiêm tốn, kiên trì... biểu hiện rất rõ trong việc mời Nguyễn Thiếp ra giúp việc. Nguyễn Thiếp là một danh sĩ ở đất Nghệ An, thi hương đậu hương giải (1743) và thi hội đậu tam trường (1748), từng làm huấn đạo rồi lên chức tri huyện  thời Trịnh. Chán ghét chế độ thối nát của họ Trịnh ở Đàng ngoài, Nguyễn Thiếp từ quan trở về ẩn trên núi Bùi Phong (thuộc dãy Thiên Nhận giáp giới Hà Tĩnh) chuyên dạy học, nổi tiếng là một nhà nho uyên thâm và giỏi lý số. Những năm 1786 - 1787, Nguyễn Huệ đã ba lần sai người mang thư và lễ vật lên mời Nguyễn Thiếp ra giúp việc nước. Thái độ chân thành, kiên trì, trọng đãi của Nguyễn Huệ dần dần lay chuyển ý định từ chối cố chấp của Nguyễn Thiếp. Những năm 1788 - 1789, nhân ra Bắc giết Vũ Văn Nhậm và đại phá quân Thanh, Nguyễn Huệâ lại ba lần mời cụ đến hội kiến. Năm 1791, Nguyễn Thiếp nhận lời vào Phú Xuân gặp Nguyễn Huệ và nhận chức Viện trưởng Viện Sùng chính, dịch sách Hán ra chữ Nôm và góp nhiều ý kiến xác đáng về những chính sách văn hoá, giáo dục của Nguyễn Huệ.

 

Quang Trung Nguyễn Huệ là một tay anh hùng lão luyện.... Cách sử dụng người của Nguyễn Huệ bộc lộ rõ phẩm chất của một bậc đại nhân, đại trí, đại dũng.

 

NGUYỄN THẾ VÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek