Thứ Sáu, 27/09/2024 18:27 CH
40 năm Tết Mậu Thân lịch sử
Chủ Nhật, 10/02/2008 14:00 CH

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968) đã ghi một trang oai hùng vào lịch sử của dân tộc ta trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Đối với kẻ xâm lược thì đó là nỗi kinh hoàng, là thất bại cay đắng.

 

bo-doi-hanh-quan.jpg

Chuẩn bị cho trận đánh lớn - Ảnh: ĐOÀN CÔNG TÍNH

 

Tháng 12/1967, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta họp, nhận định tình hình mọi mặt ở chiến trường miền Nam và đề ra nhiệm vụ trọng đại và cấp bách của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta ở hai miền là thực hiện một cuộc tổng tấn công và nổi dậy trên toàn miền Nam, giành một thắng lợi chiến lược. Nghị quyết của Bộ Chính trị đã được Hội nghị lần thứ 14 Ban chấp hành Trung ương Đảng thông qua và biến thành quyết tâm hành động của cả nước. Rút bài học từ lịch sử đấu tranh chống xâm lược của dân tộc, đưa nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh lên tầm cao mới, Đảng ta đã quyết định: đánh vào chỗ sơ hở nhất của địch đó là các đô thị; đánh vào thời điểm mà chúng bất ngờ nhất, đó là dịp tết, chúng đang nghỉ và thiếu chuẩn bị; qui mô và phạm vi tấn công rộng lớn nhưng phải giữ tuyệt đối bí mật, bất ngờ.

 

Đêm 30 rạng ngày 31/1/1968 (tức 30 Tết Mậu Thân) suốt từ bờ nam sông Bến Hải đến mũi Cà Mau, với khí thế bão táp, quân và dân miền Nam đã mở đầu cuộc tổng tấn công và nổi dậy, đánh đau, đánh mạnh vào bộ máy chiến tranh của Mỹ-ngụy, bao gồm nhiều cơ quan đầu não, bộ chỉ huy, trên 64 thành phố, thị xã, thị trấn.

 

Tại thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn, ta đã đánh vào tòa đại sứ Mỹ, dinh “Độc lập”, bộ Tổng tham mưu ngụy, đài phát thanh, sân bay Tân Sơn Nhất, bộ tư lệnh biệt khu thủ đô, tổng nha cảnh sát, sở chỉ huy các sư đoàn bộ binh Mỹ, các căn cứ thiết giáp, các trận địa pháo, các khu hậu cần… Hàng chục vạn quần chúng nổi dậy làm chủ nhiều khu phố.

 

Tại Huế quân và dân ta đã làm chủ cả thành phố và giữ vững quyền làm chủ thành phố trong suốt 25 ngày.

 

Ở nhiều thành phố, thị xã khác trong toàn miền Nam, quân ta cũng đã đồng loạt tấn công gây cho Mỹ-ngụy những tổn thất nặng nề.

 

Ở Phú Yên, giữa lúc bọn địch trong thị xã Tuy Hòa đang bắn pháo sáng đón giao thừa, quân ta đã đồng loạt tấn công vào trung đoàn bộ trung đoàn bộ binh 47 ngụy, khu cố vấn Mỹ, ty cảnh sát quốc gia… và các chi khu, trận địa, đồn bót địch khắp các thị trấn Phú Lâm, Tuy An, Đồng Xuân, Sông Cầu, Sơn Hòa… tiêu diệt hàng nghìn tên địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của chúng.

 

Chỉ trong vòng 45 ngày đầu xuân 1968, quân và dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 147.000 tên địch (trong đó có 43.000 tên lính Mỹ và chư hầu), bắn rơi và phá hủy 2.370 máy bay các loại, đánh tan xác 35.000 xe quân sự, phá hủy 1.368.000 tấn vật tư chiến tranh (bằng 34% tổng số dự trữ của địch ở miền Nam lúc bấy giờ). Nhưng ý nghĩa to lớn nhất, nổi bật nhất là: Ta đã giáng một đòn quyết định làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải bắt đầu quá trình xuống thang chiến tranh, phải bắt đầu rút quân về nước, thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”; phải nhận chấm dứt không điều kiện chiến tranh phá hoại miền Bắc; phải nhận hội đàm với ta ở Pa-ris, từ hai bên đến bốn bên, mở ra một mặt trận mới của ta về ngoại giao. Đó là một quá trình đi xuống về chiến lược từ “2 gọng kiềm” “tìm và diệt” đến “quét và giữ” rồi thì “phòng ngự có chiều sâu”, nghĩa là từ tiến công chuyển sang phòng ngự, một điều mà đế quốc xâm lược Mỹ không bao giờ muốn, nhưng không sao cưỡng nổi. Để rồi sau đó, sau “mùa hè đỏ lửa” năm 1972, chúng phải ký Hiệp định Pa-ris, rút toàn bộ quân Mỹ và chư hầu khỏi miền Nam Việt Nam. Mỹ đã cút thì ngụy phải nhào, từ bài học của Tết Mậu Thân (1968), quân và dân ta tiến hành cuộc Tổng tiến công mùa xuân 1975, thực hiện toàn vẹn Di chúc Bác Hồ, giành lại Độc lập, tự do, thống nhất, Bắc – Nam sum họp một nhà.

 

Không phải ngẫu nhiên mà sau cuộc tổng tấn công và nổi dậy của quân và dân ta, các hãng thông tấn và các tờ báo lớn trên thế giới đều hết lời ca ngợi, xem đó là một “tài nghệ chỉ đạo chiến tranh tuyệt vời”. Có tờ báo đã viết mỉa mai rằng: “Khi mà những người phụ tá của tổng thống Giôn-xơn đánh thức ông dậy và đưa ông hàng xấp điện hoảng hốt của bộ chỉ huy Mỹ từ miền Nam Việt Nam điện về thì “Nhà Trắng của Giôn-xơn đã biến thành Nhà đen”. “Các cuộc tiến công ồ ạt, táo bạo của cộng sản vào Sài Gòn và nhiều tỉnh lỵ là một điều đáng kinh ngạc. Sứ quán Mỹ tại Sài Gòn bị cộng sản chiếm giữ trong sáu giờ liền. Điều đó cũng đủ buộc chính phủ Giôn-xơn coi là vô giá trị những nhận định lạc quan của mình nói là chiến tranh ở miền Nam Việt Nam đang tỏ ra có “những tiến bộ vững chắc”” (Báo tin tức Hoa Thịnh Đốn). “Cuộc tiến công rất lẫy lừng của Việt cộng cho thấy trước hết sự tài tình của các chỉ huy của họ trong cuộc lãnh đạo chiến tranh vừa chính trị, vừa quân sự. Trên thực tế, một không khí bi quan đang bao trùm lên thế giới tư bản Mỹ. Số người suy nghĩ về thất bại quá rõ ràng của Mỹ ở Việt Nam ngày càng tăng…” (Báo Lơ Phi-ga-rô, Pháp).

 

Trong lịch sử chiến tranh vệ quốc, giữa những ngày xuân, dân tộc ta đã lập nên những chiến công lẫy lừng như chiến thắng Bạch Đằng mùa xuân năm Mậu Tý (1288), kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên lần thứ 3, đập tan ý chí xâm lược của chúng, góp phần bảo vệ nền độc lập của các nước Đông Nam Á. Hoặc mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789) Quang Trung đại phá quân Thanh, 30 tháng chạp còn ở Tam Điệp, mồng năm Tết đã mở hội mừng chiến thắng tại Thăng Long.

 

Do so sánh lực lượng giữ ta và địch còn quá chênh lệch, cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm Mậu Thân (1968) chưa đạt được thắng lợi trọn vẹn như ta mong muốn. Nhưng ý nghĩa lịch sử to lớn của nó là làm suy sụp ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, làm cho chúng thấy rằng không thể thắng dân tộc Việt Nam bằng quân sự, chịu rút quân về nước.

 

Có thể nói không ngoa rằng số phận thất bại nhục nhã của đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai đã được quyết định từ mùa xuân 1968. Thắng lợi vĩ đại của cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 đã bắt đầu từ mùa xuân năm Mậu Thân (1968) vậy.

 

Bằng Tín

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek