Gành Ðá Ðĩa ở Phú Yên được biết đến là “kỳ quan” độc nhất vô nhị trên dải đất hình chữ S. Gần đây, xứ sở “hoa vàng cỏ xanh” lại phát hiện thêm nhiều gành đá, thác đá, mỏ đá có hình dạng, kết cấu tương tự như gành Ðá Ðĩa. Một hiện tượng tự nhiên mà tạo hóa đã ưu ái cho vùng đất này!
Một ngày cuối thu, bức ảnh về những vỉa đá thẳng, thành hàng, đều tăm tắp ở mỏ khai thác đá xây dựng thuộc xã An Phú (TP Tuy Hòa) phát lộ khiến dư luận xôn xao.
NHỮNG “ANH EM” GÀNH ÐÁ ÐĨA
Giám đốc Sở VH-TT-DL Phạm Văn Bảy tức tốc tới nơi thị sát. “Quả thật, một hiện tượng thiên nhiên kỳ thú, giữa không gian đồi núi rộng lớn. Giữa ngổn ngang bãi đá đang khai thác là những vách đá chạy theo mạch dọc thẳng đứng, có lúc xiên xiên, có khi vòng cung, xếp thành từng hàng. Những trụ đá bazan dạng cột, xếp theo chiều thẳng đứng, chiều ngang hoặc xiên, mặt cắt các trụ đá, cột đá có tiết diện hình tứ giác, lục giác đều giống như danh thắng gành Ðá Ðĩa. Nhìn từ xa, trên cao trông rất độc đáo và kỳ bí”, ông Bảy nói.
Ngay sau đó là chuyến thị sát của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ðình Phùng, đồng thời còn có công văn của UBND tỉnh về việc dừng khai thác mỏ đá để khảo sát, đánh giá tài nguyên có hướng đầu tư phát triển bền vững thay vì đào núi, xay đá. “Sở VH-TT-DL chủ trì, phối hợp với các cơ quan có giải pháp bảo vệ mỏ đá theo Luật Di sản văn hóa, xếp hạng và bảo tồn, phát huy giá trị phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt có thể phục vụ cho hoạt động du lịch”, đồng chí Phan Ðình Phùng nhấn mạnh.
Cũng trong khoảng thời gian này, lãnh đạo huyện Tuy An cho biết, ở một số xã miền núi An Lĩnh, An Xuân cũng có hiện tượng tự nhiên tương tự. Những vách đá dựng đứng gắn với không gian thác, hồ, tạo nên bức tranh thiên nhiên rất đẹp giữa núi rừng. Ðích thân Chủ tịch UBND huyện Tuy An Bùi Văn Thành đưa đoàn khảo sát của Sở VH-TT-DL đến vùng 7 (xã An Xuân), ở đây có vực Trà Cơi, vực Hố Tròn.
Phát hiện mới “mỏ đá đĩa” trên cạn thuộc xã An Phú, ở ngay ngoại ô TP Tuy Hòa. Trong quá trình khai thác đá xây dựng các công nhân đã phát hiện những mạch đá lớp lang lạ và đẹp - Ảnh: LÊ MINH |
Tại thôn Vĩnh Xuân, xã An Lĩnh có vực Song (người dân nơi đây còn gọi tên khác là thác Ðôi, thác Vợ Chồng) và vực Hòm. Từ trên cao nước đổ xuống vách đá dựng đứng, bên dưới là hồ nước trong xanh soi bóng, như một bức tranh thủy mặc. Thực ra, các điểm trên không phải mới phát lộ, lâu nay vẻ đẹp hoang sơ ấy chưa được nhắc đến và giới thiệu một cách rộng rãi, vì đường sá đi lại khó khăn.
Tương tự hiện tượng này, ở xã Sơn Long (huyện Sơn Hòa) cũng có một thác nước có vách đá rất đẹp.
Một hiện tượng địa chất độc đáo khác mà lâu nay ít người biết đến ở danh thắng quốc gia Hòn Yến (xã An Hòa, huyện Tuy An). Mặt ngoài khơi, kết cấu rất giống với gành Ðá Ðĩa, với những mạch đá bazan đen mun, bị sóng biển bào mòn dựng đứng thành cột, có chỗ lan ra thành gành, bề mặt vuông, sắc cạnh... Với người dân địa phương, Hòn Yến được ví như cánh buồm lớn che chở cho làng chài, là mũi mác (Hòn Mác) vươn lên trời cao, một nét thanh độc đáo của đá, nước và sự hài hòa của tạo hóa...
CÔNG VIÊN ÐỊA CHẤT TOÀN CẦU
Việc phát hiện các hiện tượng địa chất độc đáo nói trên cho thấy thiên nhiên vùng đất vô cùng phong phú gắn với di sản văn hóa đá Phú Yên theo dòng chảy thời gian của nền văn hóa Sa Huỳnh. Ðây là nguồn tài nguyên quý giá, nếu chúng ta có định hướng, đầu tư phát triển bền vững.
Vực Hòm (xã An Lĩnh, huyện Tuy An), nơi có thác nước, lòng hồ và những cột đá song song dựng đứng kỳ vĩ - Ảnh: HUỲNH LÊ VIỄN DUY |
Lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận công viên địa chất toàn cầu (CVÐCTC) là một ý tưởng hay, dự án phù hợp điều kiện của Phú Yên trên cơ sở tài nguyên nhân văn và thiên nhiên đa dạng và phong phú.
Theo mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu (GGN - Global Geoparks Network), công viên địa chất (Geopark) là một khu vực tự nhiên, độc đáo, có ranh giới rõ ràng, trong đó tập hợp các di sản địa chất có giá trị khoa học, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, đồng thời chứa đựng các giá trị về đa dạng sinh học, khảo cổ, lịch sử, văn hóa xã hội và có diện tích lớn để phát triển kinh tế địa phương, thông qua hình thức phát triển du lịch và các dịch vụ phụ trợ khác. Một công viên địa chất quốc gia khi có đủ điều kiện sẽ được UNESCO công nhận là CVÐCTC.
Theo TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản, một vùng đất được công nhận CVÐCTC sẽ có ý nghĩa rất lớn cho việc bảo tồn thiên nhiên, văn hóa cũng như tiềm năng phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội một cách bền vững, nhất là: du lịch được tăng trưởng; tạo công ăn việc làm cho cộng đồng địa phương; nâng cao nhận thức về môi trường địa chất cho người dân; bảo vệ môi trường tự nhiên, bảo tồn các di sản tốt hơn...
Tại cuộc khảo sát do Viện Khoa học địa chất và khoáng sản và GGN thực hiện tại Phú Yên, TS Trần Tân Văn và ông Guy Martini, Tổng Thư ký GGN đánh giá rất cao giá trị tài nguyên của Phú Yên, phù hợp để lập hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận danh hiệu CVÐCTC.
Một góc Hòn Yến với những cột đá xếp đều nhau phía ngoài khơi. Ảnh: TRẦN QUỚI |
Ông Guy Martini và đoàn khảo sát đã đến gần 20 địa điểm tiêu biểu như: Gành Ðá Ðĩa, Hòn Yến, Bãi Môn - Mũi Ðiện, Gành Ông (Bãi Xép), Tháp Nhạn, chùa Ðá Trắng, di chỉ khảo cổ văn hóa Sa Huỳnh Gò Ốc, mỏ diatomit Xuân Lộc, lăng ông Hòa Lợi và một số làng nghề nước mắm, cá cơm, thúng chai... “Thực tế khảo sát cho thấy, nhiều vùng ở Phú Yên có đặc điểm địa chất nổi bật, sự hình thành và hoạt động của núi lửa tạo nên từ trên 100 triệu năm trước đây. Bên cạnh giá trị di tích về địa chất độc đáo, Phú Yên còn sở hữu nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, sự đa dạng sinh học và các loại hình sinh thái... Phú Yên có đủ điều kiện để lập hồ sơ CVÐCTC trình UNESCO”, ông Guy Martini nói.
Phú Yên có một hành trình di sản văn hóa đá, có gành Ðá Ðĩa độc nhất vô nhị ở Việt Nam và thuộc hàng quý hiếm của thế giới. Cùng với đó là những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể cấp quốc gia và nhân loại như: Bài chòi, hò bá trạo, lễ cúng trưởng thành của người Ê Ðê... Sự phát hiện bổ sung các gành đá, thác đá, mỏ đá, đảo đá có hiện tượng tương tự càng củng cố thêm cơ sở để hình thành CVÐCTC.
CVÐCTC là một danh hiệu cao quý của UNESCO; hơn thế, đây là một mô hình phát triển bền vững. CVÐCTC chứa đựng, liên kết các yếu tố: địa chất, văn hóa, lịch sử, thiên nhiên, cảnh quan, đa dạng sinh học... Phú Yên sẽ nỗ lực thực hiện các khuyến cáo của chuyên gia GGN, tiến hành lập hồ sơ và thủ tục cần thiết sớm đệ trình UNESCO công nhận CVÐCTC.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh Phan Ðình Phùng |
QUỲNH MAI