Di tích, danh thắng là nguồn tài nguyên quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần và phát triển du lịch. Trao đổi với Báo Phú Yên xung quanh công tác quản lý và phát huy giá trị của di tích danh thắng, ông Phạm Văn Bảy, Giám đốc Sở VH-TT-DL cho biết:
- Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 77 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh (gọi chung là di tích) được xếp hạng. Trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 21 di tích quốc gia và 55 di tích cấp tỉnh. Ngoài ra còn có 202 di tích được đưa vào danh mục kiểm kê theo quyết định của UBND tỉnh.
Căn cứ quy định về quản lý, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích của Bộ VH-TT-DL, Sở VH-TT-DL đã tham mưu UBND tỉnh ban hành đề án Phân cấp quản lý di tích - danh thắng đã được xếp hạng; Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh.
Đa dạng, phong phú các hoạt động văn hóa du lịch tại các điểm di tích cũng là cách quảng bá giá trị di tích. Trong ảnh: Biểu diễn văn nghệ vào những đêm cuối tuần phục vụ khách du lịch ở Di tích quốc gia đặc biệt Tháp Nhạn - Ảnh: TRẦN QUỚI |
Các văn bản trên đã giao cụ thể quyền hạn và quy định rõ trách nhiệm của chính quyền các cấp, các sở, ban ngành trong việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; là cơ sở để UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn.
Sở VH-TT-DL chịu trách nhiệm chung trong việc tham mưu UBND tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về di tích trên địa bàn tỉnh.
Trong số 21 di tích quốc gia, hiện 8 di tích đã có ban quản lý, tổ quản lý trực tiếp; 6 di tích có nhân viên hợp đồng trực tiếp làm công tác bảo vệ; 7 di tích chưa có ban quản lý hoặc người trực tiếp bảo vệ.
* Công tác đầu tư, tôn tạo các di tích, danh thắng được quan tâm như thế nào, thưa ông?
- Xác định di tích là tài nguyên quan trọng cần được bảo tồn và phát huy giá trị, từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các khu di tích như: Gành Đá Đĩa, Bãi Môn - Mũi Đại Lãnh, Tháp Nhạn, Vũng Rô - Tàu Không số, núi Đá Bia, thành An Thổ, Di tích lịch sử chiến thắng Đường 5… Trong đó, tại hai di tích Gành Đá Đĩa và Bãi Môn - Mũi Đại Lãnh có sự tái đầu tư mạnh từ nguồn kinh phí vé vào cổng tham quan với tổng số tiền gần 12 tỉ đồng.
Về tình hình thực hiện cắm mốc khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích cấp quốc gia trên địa bàn tỉnh, Sở VH-TT-DL đã tổ chức khảo sát, đo đạc, xác định ranh giới khu vực bảo vệ để cắm mốc, tham mưu UBND tỉnh gửi hồ sơ đề nghị Bộ VH-TT-DL thỏa thuận khu vực bảo vệ các di tích, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia tại Phú Yên.
Cục Di sản văn hóa tổ chức khảo sát thực tế một số di tích, thống nhất lại ranh giới khu vực bảo vệ và có ý kiến về hồ sơ chính thức khoanh vùng các khu vực bảo vệ 18 di tích quốc gia.
* Những khó khăn, hạn chế trong công tác quản lý di tích, thắng cảnh hiện nay là gì?
- Việc khảo sát, đo đạc, khoanh vùng bảo vệ, cắm mốc di tích chậm trễ, thời gian kéo dài làm cho công tác quản lý cũng như công tác lập quy hoạch di tích, kêu gọi đầu tư gặp khó khăn. Một số di tích, danh thắng bị lấn chiếm đất đai, mặt nước thuộc khu vực bảo vệ di tích.
Đặc biệt, tại các di tích, danh thắng quốc gia ở ven biển, có diện tích mặt nước rộng như: vịnh Xuân Đài, đầm Ô Loan, Vũng Rô, hoạt động nuôi trồng thủy sản và xây dựng diễn ra trong khu vực bảo vệ di tích hết sức phức tạp, gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý, phát huy giá trị di tích.
Nhiều di tích, danh thắng chưa được trùng tu, tôn tạo, khai thác, phát huy giá trị để phục vụ phát triển du lịch. Một số di tích mà UBND tỉnh cho phép nhà đầu tư nghiên cứu lập quy hoạch, lập dự án đầu tư nhưng tiến độ triển khai rất chậm.
Đường đi đến một số di tích như: Hòn Yến, gành Đá Đĩa, vịnh Xuân Đài, thành An Thổ, đền thờ Lương Văn Chánh… còn khó khăn. Nguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động trùng tu, tôn tạo di tích còn hạn chế. Công tác đảm bảo vệ sinh môi trường tại một số khu di tích chưa đảm bảo, nhất là ở các di tích chưa có bộ phận quản lý, di tích có diện tích rộng, địa hình phức tạp...
Ông Phạm Văn Bảy |
* Thưa ông, giải pháp nào để làm tốt hơn công tác quản lý di tích trên địa bàn tỉnh thời gian đến?
- Thời gian tới, Sở VH-TT-DL phối hợp các sở, ngành liên quan và UBND các địa phương tiến hành cắm mốc giới bảo vệ di tích trên thực địa để quản lý đất đai, mặt nước; tiến hành lập quy hoạch di tích, lập dự án tu bổ di tích… để làm cơ sở kêu gọi đầu tư, trùng tu, bảo tồn phát huy giá trị di tích.
Sở VH-TT-DL chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương xây dựng đề án Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích giai đoạn 2020-2025 trình UBND tỉnh, HĐND tỉnh phê duyệt để làm cơ sở cho các địa phương chủ động thực hiện, đặc biệt là việc huy động nguồn vốn xã hội hóa.
Bên cạnh đó, một số giải pháp cơ bản, thường xuyên để nâng cao chất lượng công tác quản lý di tích như: Thực hiện tốt đề án Phân cấp quản lý di tích - danh thắng đã được xếp hạng và Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; phối hợp các ngành, địa phương đôn đốc, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án tại các di tích đã có chủ trương đầu tư; đa dạng hóa các hoạt động văn hóa, lễ hội hàng năm tại các di tích; tăng cường tuyên truyền, quảng bá giá trị di tích, danh thắng; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, bảo tồn di tích từ tỉnh đến cơ sở.
* Xin cảm ơn ông!
THÙY THẢO (thực hiện)