Mấy ngày vừa qua, những người quan tâm đến du lịch đều cảm thấy bức xúc trước việc nhân viên dọn phòng một khách sạn ở TP Hồ Chí Minh dùng khăn tắm của khách để... lau sàn, chà cọ bồn cầu. Vụ này bị phóng viên Báo Tuổi Trẻ đưa ra ánh sáng mới đây. Trong bài báo, một nhân vật đưa ra lời khuyên: “Bởi vậy mai mốt đi khách sạn đừng dùng...”!
Không riêng những người quan tâm đến du lịch, có lẽ bất cứ ai biết được sự việc nói trên cũng phải bức xúc, rùng mình mà thốt lên rằng: Không thể chấp nhận dù bất cứ lý do gì.
Du lịch đang trở thành việc không thể thiếu đối với nhiều người. Trong đó, lưu trú là nhu cầu căn bản đầu tiên, trước khi trải nghiệm các sản phẩm du lịch. Do vậy, việc phải đảm bảo vệ sinh, sạch đẹp, thơm tho là yếu tố tối thiểu của phòng nghỉ khách sạn. Chăn drap, gối, nệm, đồ dùng cá nhân là những thứ tối kỵ nếu để mất vệ sinh. Thế nhưng, những chi tiết và hình ảnh báo chí phanh phui cho thấy còn tệ hại hơn cả việc dơ bẩn mất vệ sinh bằng mắt thường. Nhân viên dọn phòng làm thị phạm và hướng dẫn cho người mới bằng cách lấy khăn tắm của khách (đã dùng rồi) lau sàn, chà cọ bồn cầu mặt trong lẫn mặt ngoài!?
Theo nhận định của cơ quan chức năng, sự việc trên là cá biệt, không phải phổ biến, đại diện cho lĩnh vực kinh doanh khách sạn. Nguyên nhân dẫn đến là do cá nhân nhân viên tự ý làm để công việc nhanh chóng hoàn thành, nhưng cũng không loại trừ những hành vi gian dối trên có sự “bật đèn xanh” của chủ khách sạn để giảm bớt nhân công, tiết kiệm chi phí... Dù lý do là gì vẫn không thể chấp nhận có những “con sâu” như vậy làm ảnh hưởng đến ngành Du lịch.
Chủ khách sạn mà báo nêu cũng đã nhận trách nhiệm. Khách sạn nói trên đã bị cơ quan chức năng lập biên bản vi phạm hành chính: không thực hiện đúng chế độ báo cáo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và không đảm bảo tiêu chuẩn về dịch vụ, tổng số tiền đề xuất phạt là 19 triệu đồng.
Rõ ràng, số tiền phạt không nhiều và lớn bằng những điều không thể tính bằng tiền mà lỗi hành vi kia gây ra. Đó là hình ảnh thương hiệu mà chính khách sạn đó đã tự đánh mất và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả lĩnh vực lưu trú khách sạn của ngành Du lịch.
Cơ quan chức năng cần mạnh tay xử lý với những hành vi vi phạm quy định, đi ngược lại mục tiêu, đạo đức kinh doanh, hình ảnh thương hiệu của ngành Du lịch nói chung, lĩnh vực lưu trú nói riêng. Bên cạnh những chế tài xử phạt nghiêm, ngành chức năng cũng cần chủ động rà soát lại quy trình, tiêu chuẩn cấp hạng sao, thường xuyên kiểm tra giám sát định kỳ, kiểm tra đột xuất, lắng nghe ý kiến phản hồi từ du khách, buộc các khách sạn tuân thủ nghiêm các quy định, đảm bảo chất lượng dịch vụ đã công bố. Khi sự việc đáng tiếc xảy xa, xử phạt hành vi chỉ là hớt cái ngọn, mà chưa giải quyết tận gốc vấn đề.
QUỲNH MAI