Những thanh đá được xếp thành giàn như bộ đàn đá nổi tiếng; những chum ché, cồng chiêng, bếp lửa được bố trí trong không gian nhà sàn truyền thống người Ba Na; những chiếc cối xay chất chồng thành núi... Các vật thể văn hóa của người xưa đang được lưu giữ, trưng bày mang đến nhiều thông điệp cho người xem ở không gian văn hóa Hồn Xưa (huyện Tuy An).
Không gian Hồn Xưa ở ngay trên đường vào Di tích danh thắng quốc gia Gành Đá Đĩa. Trong đó trưng bày những vật thể mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa quý giá, giúp du khách cảm nhận và hiểu thêm về vùng đất mà mình đặt chân đến.
Những thanh âm nhiều cao độ phát ra từ những thanh đá kêu được xếp thành giàn như bộ đàn đá Tuy An nổi tiếng cả nước bởi sự hoàn chỉnh về thang âm, khiến mọi người thích thú. Dù chưa được gọt giũa và sắp xếp thứ tự theo đúng thang âm của một bộ đàn đá, nhưng những âm thanh phát ra từ các thanh đá này cũng làm cho du khách có thêm hiểu biết về đàn đá và nét văn hóa đá đặc trưng của vùng đất Tuy An có bề dày trầm tích văn hóa, trong đó đặc sắc nhất là văn hóa đá.
Chị Nguyễn Thị Minh Phương đến từ TP Hồ Chí Minh thích thú nói: “Đến đây tôi mới hình dung được đàn đá của người xưa một cách rõ ràng nhất. Cầm hai chiếc búa gõ vào đá phát ra những âm thanh rất thú vị”.
Cối đá - dụng cụ của người dân nông thôn Phú Yên một thời, dùng để xay bột làm bánh tráng hoặc làm các loại bánh từ bột gạo, bột nếp... tưởng như đã bị lãng quên lại xuất hiện ở Hồn Xưa với hơn 1.000 bộ được bài trí, sắp xếp như một triền núi, khiến du khách thích thú. Với nhiều người khi dừng chân tại khu vực này, những chiếc cối đá gợi lên bao ký ức.
Anh Hoàng Trọng Văn đến từ TP Tuy Hòa, chia sẻ: “Trong một diện tích vừa phải, chủ nhân của không gian văn hóa Hồn Xưa đã dày công sưu tầm nhiều hiện vật văn hóa của người xưa và đồng bào các dân tộc. Tôi ấn tượng nhất là hàng ngàn chiếc cối đá xưa cũ bỏ đi nay được tập hợp, sắp xếp như một bức tranh, khiến những ký ức tuổi thơ tôi ùa về”.
Không chỉ các hiện vật đại diện cho văn hóa đá, ở không gian này còn sưu tầm, lưu giữ và trưng bày cả những chiếc lu, chum ché là sản phẩm độc bản của dòng gốm Quảng Đức nổi tiếng ở vùng đất Tuy An những thế kỷ trước.
Ở đây còn có nhiều hiện vật văn hóa khác của đồng bào các dân tộc anh em ở các huyện miền núi như Ê Đê, Ba Na, Chăm như: Trống đôi, cồng ba, chiêng năm; hay nhiều vật dụng trong đời sống sinh hoạt của người đồng bào như: nồi đồng, chảo đồng, chiêng, ché, gùi, cối giã, những bộ trang phục truyền thống...
Xuất phát từ ý tưởng tạo một không gian văn hóa để có thêm điểm dừng chân cho du khách, anh Nguyễn Minh Nghiệp, một người con quê hương Tuy An đã dày công sưu tầm các hiện vật văn hóa. Anh Nghiệp cho biết: “Tôi muốn du khách khi đến đây cảm nhận rõ hơn về nét văn hóa truyền thống của vùng đất. Sắp tới, tôi sẽ ra mắt bộ sưu tập những hiện vật văn hóa, cuộc sống sinh hoạt của cư dân làng biển để không gian thêm phong phú”.
Từ đầu năm đến nay, khi không gian văn hóa Hồn Xưa của anh Nguyễn Minh Nghiệp đi vào hoạt động đã tạo nên sự phong phú, đa dạng về sản phẩm dịch vụ ở điểm đến danh thắng Gành Đá Đĩa. Nhờ vậy, du khách có thêm điểm dừng chân trải nghiệm.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Trưởng ban điều hành Ban Quản lý di tích Phú Yên (Sở VH-TT-DL), nói: “Từ ngày đi vào hoạt động, không gian văn hóa này đã thu hút khá đông du khách, hầu hết khách sau khi tham quan danh thắng Gành Đá Đĩa đều dừng chân ở đây và tỏ ra thích thú. Từ mô hình này, sắp tới được sự đồng ý của Sở VH-TT-DL và UBND tỉnh, chúng tôi sẽ quy hoạch khu vực dọc hai bên đường các ki ốt, cửa hàng để xã hội hóa các sản phẩm, dịch vụ phục vụ du khách”.
TRẦN QUỚI